Chủ trương, chính sách đúng đắn này cần tiếp tục duy trì và hoàn thiện để góp phần khích lệ, động viên kịp thời, cũng như tác động tích cực tới sự nỗ lực của nghệ sĩ, đáp ứng sự quan tâm của công chúng nghệ thuật.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực tế thời gian qua cho thấy, việc xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú (NSND, NSƯT) còn một số khúc mắc, vấn đề chưa hợp lý, dẫn tới sự thiếu đồng thuận của người liên quan, khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Qua những gì báo chí, dư luận đã bàn luận trước đợt triển khai xét chọn ở cấp cơ sở của kỳ xét phong tặng năm 2018 có thể thấy rõ điều này.
Bên cạnh các bức xúc, băn khoăn “có tính truyền thống”, còn có một số bức xúc, băn khoăn mới phát sinh, đặc biệt là tâm tư của nghệ sĩ khi họ soi chiếu các tiêu chí xét chọn, quan sát việc xét chọn của các cấp hội đồng. Có thể lý giải hiện tượng này từ một nguyên nhân khá quan trọng là sự bất cập của tiêu chí xét chọn. Dư luận không phải không có lý khi cho rằng, dường như có sự áp dụng khá cứng nhắc tiêu chí về số lượng huy chương, giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan quy mô toàn quốc mà nghệ sĩ đã tham gia; thời gian cống hiến của nghệ sĩ hoạt động trong nhiều loại hình, bộ môn nghệ thuật khác nhau; độ tuổi, quá trình cống hiến và cả giai đoạn lịch sử... Hệ quả là một số nghệ sĩ tài năng đang ở độ tuổi trung niên, cao niên, đã ghi dấu ấn trong nhiều thế hệ khán giả của nghệ thuật nói chung, của loại hình nghệ thuật mà nghệ sĩ hoạt động nói riêng, cũng phải ngậm ngùi khi thấy tên mình không có trong danh sách xét chọn. Chỉ sau khi dư luận và một số nghệ sĩ trong cộng đồng nghề nghiệp cất tiếng nói chung lòng với nghệ sĩ, thì một số gương mặt lại được đưa vào diện… đặc cách, ưu tiên, có cân nhắc thêm.
Thực trạng này đã đặt ra khả năng: hoặc vì sự cứng nhắc, rập khuôn trong xét chọn mà tài năng, danh tiếng, uy tín nghệ sĩ đã không được nhìn nhận chính xác, đầy đủ; hoặc cấp xét chọn không nắm chắc thực tế lĩnh vực nghệ thuật cụ thể, dẫn đến hiện tượng bỏ sót, để quên...
Dù đã có một số điều chỉnh, tuy nhiên thực tế nảy sinh trong kỳ xét chọn vừa qua cho thấy còn tồn tại một số điểm thiếu hợp lý, việc bổ sung, hoàn thiện văn bản, cơ chế, chính sách vẫn chưa thật sự bám sát thực tế. Thậm chí đã có ý kiến thẳng thắn cho rằng, khi việc bổ sung, điều chỉnh, biên soạn,… hầu như chỉ tập trung vào ý kiến, quyết định của các cấp quản lý, kể cả giới “nghệ sĩ quản lý”, mà thiếu sự trưng cầu một cách rộng rãi, chưa tranh thủ chất xám hoặc gợi ý từ giới hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là các nghệ sĩ hàng đầu, nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật uy tín,… thì sẽ khó khả thi.
Do đó, việc điều chỉnh, bổ sung quy chế xét chọn các danh hiệu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cần được đổi mới; mà bắt đầu chính từ tinh thần cầu thị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người làm nghề, ý kiến của công chúng nghệ thuật. Để khi triển khai khẳng định được các đóng góp, đáp ứng được nguyện vọng của nghệ sĩ, nhận được sự nhất trí, ủng hộ cao của công chúng, chứ không đơn thuần chỉ là công việc hành chính sự vụ của một số đầu mối quản lý biểu diễn nghệ thuật, thi đua - khen thưởng. Các bước từ điều kiện và yêu cầu xét chọn, viết đơn đề nghị xét tặng, đến tiêu chí huy chương, giải thưởng, thời gian cống hiến, tỷ lệ biểu quyết của các hội đồng với từng nghệ sĩ được xét chọn,… cần được thông tin sớm, rộng rãi đến các đơn vị nghệ thuật cả công lập lẫn tư nhân, cũng như các nghệ sĩ đang làm việc hay đã về hưu, cùng các nhà nghiên cứu, phê bình…
Trên cơ sở ý kiến phản biện, góp ý, đề xuất mới, hội đồng các cấp sẽ tổng kết, đánh giá, từ đó thống nhất kết quả cụ thể. Làm tốt công tác này sẽ tạo sự đồng thuận không chỉ trong hội đồng mà trong cả giới nghệ sĩ và công chúng nghệ thuật. Chưa kể, còn có thể coi đây như một khảo sát xã hội học nghệ thuật để góp phần bổ khuyết, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách khen thưởng, tôn vinh văn nghệ sĩ.
Thời điểm xét tặng, tiêu chí giải thưởng... cũng là yếu tố cần cân nhắc. So với trước đây, thời gian giữa các kỳ xét chọn đã rút ngắn từ 5 năm còn ba năm. Có thể có nhiều lý do cho việc rút ngắn này, như ngày càng nhiều kỳ liên hoan, hội diễn, cuộc thi toàn quốc được tổ chức, nghệ sĩ cũng tham gia hoạt động nghệ thuật quốc tế nhiều hơn, do đó giải thưởng, huy chương cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách thẳng thắn: trong bối cảnh nhiều liên hoan, hội diễn đều nhận các cơn “mưa huy chương” như hiện nay thì số lượng dồi dào phần thưởng ấy chưa hẳn đã phản ánh thực tế của chất lượng nghệ thuật. Nhất là khi đâu đó vẫn tồn tại tâm lý chuộng thành tích, muốn tạo điều kiện cho nhau về huy chương, giải thưởng nhằm phục vụ việc xét chọn, phong tặng sau này.
Trong khi đó, một yêu cầu rất cần thiết đối với các nghệ sĩ tham gia xét chọn, là yếu tố dấu ấn nghệ thuật, là đóng góp cho nghề nghiệp và công chúng về tư tưởng, thẩm mỹ. Để có được như vậy, nghệ sĩ phải có quãng thời gian cống hiến, phấn đấu, có các sáng tạo đóng góp thật sự thuyết phục, được bảo đảm bằng sự ghi nhận trung thực, nghiêm túc của bạn nghề, giới nghề. Trong thời gian ngắn vài năm, không dễ một nghệ sĩ vừa được phong tặng NSƯT lại nhanh chóng có đủ cống hiến, dấu ấn nghệ thuật để xứng đáng trở thành ứng cử viên cho danh hiệu NSND. Yếu tố dấu ấn, đóng góp có thể không dễ định lượng, định tính, có thể chung chung đối với người ngoài nghề, nhưng nếu thêm sự đánh giá, nhìn nhận một cách công tâm, thẳng thắn của người trong nghề, thì điều này lại không phải là quá khó.
Đặc biệt, việc xét chọn và trao tặng danh hiệu nghệ sĩ cần khảo sát ý kiến đánh giá của người trong nghề với nghệ sĩ ứng cử viên để có thể nhìn nhận sâu sát về tài năng, phẩm chất nghệ thuật, dấu ấn trong nghề, đóng góp mới của nghệ sĩ cho lĩnh vực nghệ thuật đang hoạt động. Trước hết là từ ý kiến đánh giá của nghệ sĩ cùng đơn vị, rồi đến các nghệ sĩ cùng ngành, cùng lĩnh vực. Hiện đã có hình thức đăng tải danh sách xét chọn của một số cấp hội đồng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT và DL). Nhưng xem ra cách làm này phần nhiều vẫn nặng về hình thức. Vì danh sách chỉ đưa tên người, thuộc lĩnh vực nào, được xét danh hiệu gì, chứ không cho biết cụ thể lý do vì sao được chọn, thiếu đánh giá, nhận xét chuyên môn về tài năng, phẩm chất nghệ thuật, đóng góp nghề nghiệp của nghệ sĩ đó. Việc gửi thông tin và lấy ý kiến trực tiếp từ các đơn vị, từ giới nghề, cũng như thông báo rộng rãi việc trưng cầu ý kiến qua cổng thông tin điện tử, sẽ khắc phục được hạn chế trên.
Thậm chí, ở góc độ bình xét, lựa chọn này, cần tăng tiếng nói đánh giá, phản biện của cộng đồng nghề nghiệp, coi đó là một cơ sở “định vị, định danh” nghệ sĩ. Hội đồng còn cần là nơi tiếp nhận, trao đổi, bàn thảo, cân nhắc chung quanh các phản hồi, phản biện, góp ý của giới nghề, để đi đến quyết định được số đông đồng thuận, không nên chỉ có hội đồng quyết định như hiện nay. Một hội đồng cấp bộ, cấp nhà nước gồm nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như múa, sân khấu, điện ảnh, ca hát, diễn tấu âm nhạc,… dẫu công tâm, vô tư cũng không dễ đánh giá thật đúng, đủ, tinh tế về nghệ sĩ khác ngành của mình. Điều này sẽ là cản trở với nghệ sĩ thuộc nhóm không đủ huy chương, giải thưởng song lại có đóng góp nghệ thuật đáng kể, hay những người do đặc thù công việc đóng góp âm thầm, lặng lẽ cho nghề.
Như vậy nên chăng, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu để giảm bớt cấp độ hội đồng, nhằm giảm một số thủ tục, công đoạn để tập trung cao hơn cho công việc xét chọn về chuyên môn. Chỉ nên đặt trọng tâm nhiệm vụ vào hội đồng xét chọn của Bộ VH,TT và DL. Theo đó, việc nhận hồ sơ đề nghị xét danh hiệu nghệ sĩ nên cởi mở và đón nhận rộng rãi qua nhiều kênh, có thể do đơn vị nghệ thuật lập ra và gửi đi, có thể do hội nghề nghiệp ở Trung ương hay địa phương, hoặc chính cá nhân nghệ sĩ tự gửi.
Để thuận lợi cho công đoạn này, các nội dung hướng dẫn cách thực hiện, tiêu chí xét chọn, mẫu văn bản đề nghị xét chọn, kê khai thành tích, thành quả nghệ thuật… cần được đăng tải, giới thiệu rộng rãi để mọi nghệ sĩ có thể tìm hiểu, khai thác. Hội đồng xét chọn của Bộ VH,TT và DL sẽ căn cứ vào các hồ sơ gửi về để thẩm định, trưng cầu ý kiến của giới nghề. Từ đó đi đến thống nhất để quyết định danh sách nghệ sĩ được chọn, và trình cấp có thẩm quyền của Nhà nước. Giữa các công đoạn này, từ khi nhận hồ sơ gửi đến, danh sách nghệ sĩ ứng viên cần được đăng tải công khai, rộng rãi để đón nhận ý kiến phản hồi của giới nghề, công chúng. Đặc biệt, hội đồng xét tuyển cần có thêm nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu uy tín tham gia xét chọn, thành lập các tổ chuyên môn thuộc từng lĩnh vực nghệ thuật để tăng khả năng bao quát và tổ chức trao đổi về các hồ sơ của nghệ sĩ.
Được biết, tiêu chí xét chọn danh hiệu nghệ sĩ đang tiếp tục được cơ quan chức năng nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp hơn hoàn cảnh, điều kiện thực tế. Điều này thể hiện sự quan tâm cũng như thái độ trân trọng, tôn vinh của Nhà nước và xã hội đối với nghệ sĩ tài năng thông qua các tác phẩm xuất sắc và đạo đức nghề nghiệp cùng những sáng tạo, đóng góp cho nghệ thuật của họ.
Nguyễn Quang Hưng/Nhân dân