Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 7/2/2019 10:8'(GMT+7)

Đổi mới xúc tiến thương mại: Tận dụng hiệu quả thị trường truyền thống

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, khu công nghiệp Lai Vu, huyện Kinh Thành (Hải Dương). (Ảnh: TTXVN)

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, khu công nghiệp Lai Vu, huyện Kinh Thành (Hải Dương). (Ảnh: TTXVN)

Xuất khẩu là một trong những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, để đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lên các cột mốc mới trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung cần khai thác hiệu quả các thị trường trong khu vực và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường mới, nhiều tiềm năng.

Bài 1: TẬN DỤNG HIỆU QUẢ CÁC THỊ TRƯỜNG TRUYỀN THỐNG

Việt Nam nằm trong khu vực ASEAN và có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối giao thương với các thành viên trong khối cũng như các quốc gia vùng Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.... Đây cũng là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, xét về cán cân thương mại, ngoài Nhật Bản đang có kim ngạch xuất nhập khẩu khá cân bằng, Việt Nam hiện đang nhập siêu từ các thị trường ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Vì vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường này là giải pháp để từng bước cân bằng cán cân thương mại và góp phần vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu chung cho Việt Nam những năm tới.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết với thị trường 660 triệu dân, ASEAN dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và sắp tới khi hoàn thành Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hứa hẹn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam.

Với ASEAN, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, gia tăng xuất khẩu. Cụ thể, về mặt địa lý, Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực, hệ thống giao thông xuyên quốc gia giữa các thành viên ngày càng được cải thiện, thuận lợi trong vận chuyển giao thương hàng hóa. Đây cũng là khu vực có môi trường chính trị cơ bản ổn định và cùng chung chính sách mở cửa về thương mại, đầu tư, dịch vụ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thị trường ASEAN hiệu quả, trong năm 2019, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) sẽ phối hợp tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong khu vực như Hội chợ Thương mại Việt-Lào, Hội chợ Thương mại Việt Nam-Campuchia, Tuần lễ Triển lãm sản phẩm Việt Nam tại Thái Lan, kết nối giao thương với nhà phân phối tại Malaysia, Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar...

Ông Phạm Thiết Hòa cho rằng muốn khai thác tốt thị trường ASEAN, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình khảo sát thị trường đồng thời tăng cường kết nối với các doanh nghiệp tại các thị trường mục tiêu.

Việc tham gia các hội chợ, triển lãm, chương trình giao thương chỉ mang lại hiệu quả khi các doanh nghiệp có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và giới thiệu được các sản phẩm phù hợp với nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, giá cả, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng ở thị trường mà doanh nghiệp hướng tới.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có kỹ năng tiếp cận thị trường thông qua việc thiết kế bao bì nhãn mác phù hợp với từng thị trường cụ thể; tạo tính tiện lợi cho sản phẩm và quan trọng là phải nâng cao được giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ngoài ASEAN, năm 2019, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp nhằm khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc. Dù cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động tiêu cực tới kinh tế Trung Quốc nhưng đây vẫn là thị trường tiêu thụ khổng lồ mà nhiều quốc gia xuất khẩu hướng tới.

Ông Lý Kiến Lương, đại diện Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Trung Quốc có thị trường tiêu thụ lên tới 1,4 tỷ người, nhu cầu về hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm rất lớn. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam, một quốc gia có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu nông sản và cũng là đối tác thương mại truyền thống của Trung Quốc.

Đóng gói thanh long xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Lý Kiến Lương, để nâng cao giá trị cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, hai bên cần tăng cường kết nối doanh nghiệp trực tiếp, cắt giảm các khâu trung gian. Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc hiện nay không còn “dễ tính” như trước mà đòi hỏi các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao, vì vậy doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, thay đổi tư duy từ bán thứ mình có sang bán thứ người tiêu dùng cần.

Ngoài mục tiêu hướng tới thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể thông qua các trung tâm giao dịch hàng hóa lớn của Trung Quốc để tiếp cận thị trường toàn cầu. HongKong (Trung Quốc) được xác định là một cửa ngõ quan trọng cần được khai thác hiệu quả.

Chính vì vậy, năm 2019 Câu lạc bộ doanh nghiệp xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung tổ chức chương trình khảo sát thị trường, kết nối nhà nhập khẩu, phân phối tại Hong Kong. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ hàng may mặc, vải và phụ kiện thời trang, Hội chợ triển lãm thực phẩm... tổ chức tại Hong Kong.

Ông Nguyễn Duy Kiên, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hong Kong (Trung Quốc), thông tin Hong Kong có chính sách thương mại tự do và là một trong những trung tâm thương mại và tài chính hàng đầu thế giới, đóng vai trò như một cửa ngõ chiến lược quan trọng của nhiều quốc gia trong việc kinh doanh đưa hàng hóa vào thị trường Trung Quốc và ra thế giới. Thủ tục nhập khẩu vào Hong Kong cũng rất đơn giản, thuận tiện và hầu như không có rào cản thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Hong Kong là trung tâm tổ chức các hội chợ, triển lãm quốc tế quy mô lớn, thu hút rất nhiều nhà mua hàng đến từ các hệ thống phân phối lớn trên thế giới. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ở HongKong để tăng khả năng kết nối, tiếp cận với các thị trường khác trên toàn cầu./.

(Còn nữa)

Xuân Anh (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất