Dù cánh cửa thị trường rộng lớn đang mở ra cho ngành nông nghiệp Việt
Nam, nhưng để đón nhận và cất cánh, ngành nông nghiệp cần vượt qua nhiều
thách thức.
Bài 3: "CHỈ MẶT" THÁCH THỨC KHIẾN DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP VƯƠN MÌNH
Năm 2018, kinh tế Việt Nam có sự chuyển mình dưới nhiều góc độ, trong đó
hoạt động xuất nhập khẩu đã nổi lên và khởi sắc với nhiều hiệp định
thương mại tự do (FTA) có hiệu lực hoặc tiếp tục được triển khai trên
phạm vi rộng hơn.
Dù cánh cửa thị trường rộng lớn đang mở ra cho ngành nông nghiệp Việt
Nam, nhưng để đón nhận và cất cánh, ngành nông nghiệp cần vượt qua nhiều
thách thức.
CƠ HỘI VỚI NÔNG SẢN
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, thời điểm này, Việt Nam gần như hoàn
tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới với 12 hiệp định thương mại tự
do được ký kết và đang đàm phán. Đặc biệt, với các FTA thế hệ mới (như
CPTPP, EVFTA) sẽ có nhiều hơn các cơ hội cho phát triển nền kinh tế nói
chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
Đối với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
(CPTPP), các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ và
sản phẩm gỗ, thủy sản (tôm và cá tra) đang có kim ngạch xuất khẩu lớn
nhất, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm
nông nghiệp.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hoạt động xuất khẩu nông sản của
Việt Nam mới đang tập trung vào một số mặt hàng chính và một số bạn hàng
lớn. Song với một thị trường rất lớn như CPTPP, Việt Nam sẽ còn nhiều
điều kiện thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường sang các nền kinh
tế tiềm năng khác, như Mexico, Australia, Canada với nhiều mặt hàng nông
sản thế mạnh từ trong nước.
Điểm đáng chú ý được báo cáo này nhắc đến, một cơ hội lớn hơn khác cũng
xuất hiện với các hoạt động đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học
công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động.
“Khi đã ký kết CPTPP hàng rào bảo hộ nông nghiệp giảm bớt, một số nước
đối tác không có lợi thế về nông nghiệp cộng có thể sẽ chuyển nguồn đầu
tư sang Việt Nam. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc
làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ
hấp thụ được khoa học kỹ thuật mới, thay đổi được cách làm truyền thốn
và nâng cao hiệu quả”, Báo cáo này chỉ ra.
Bên cạnh đó, sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA)
được ký kết, các chuyên gia trong nước và quốc tế có chung kỳ vọng Việt
Nam được sẽ trở thành một trong số các quốc gia đi đầu về xuất khẩu mặt
hàng nông sản sang thị trường EU. Nông sản của Việt Nam sẽ có nhiều lợi
thế hơn so với các đối tác khác trong Hiệp định khi mà thuế ngành hàng
này nhập khẩu sang EU sẽ về 0% trong vòng 7 năm. Tương tự đối với ngành
thủy sản, cơ hội mở rộng thị trường trong Liên minh Châu Âu là rất lớn,
giúp doanh nghiệp Việt Nam gia vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh
tế Trung ương, hiện cả nước có khoảng 7.600 doanh nghiệp nông nghiệp.
Tuy nhiên, nếu tính doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác có
hoạt động đầu tư vào nông nghiệp thì cả nước có khoảng 49.600 doanh
nghiệp và chiếm khoảng 8% trên tổng số các doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Đình Cung cho hay, trong tổng số các doanh nghiệp nông nghiệp, khu vực
ngoài Nhà nước chiếm 89%, khu vực Nhà nước là 8% và khu vực vốn đầu tư
nước ngoài trực tiếp (FDI) chỉ 3%.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 89%. (Ảnh minh họa: Vietnam+)
THÁCH THỨC BỦA VÂY
“Sự hình thành và phát triển khu vực doanh nghiệp đang từng bước làm
thay đổi cách thức tổ chức sản xuất và kinh doanh nông nghiệp với nhiều
quy trình hiện đại ra đời, nâng cao năng suất lao động... Tuy nhiên, số
lượng doanh nghiệp là quá ít và quy mô còn rất hạn chế khi so sánh với
tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế", TS. Nguyễn Đình Cung
nói.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và
vừa (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) chia sẻ Điều tra về Chỉ
số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 do VCCI thực hiện với hơn 500
doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, chỉ có 54% doanh
nghiệp nông, lâm, thủy sản làm ăn có lãi.
Điều tra chỉ ra rằng, hầu hết các doanh nghiệp phàn nàn khó khăn lớn
nhất họ gặp phải là tìm kiếm khách hàng (chiếm 55%), nguồn vốn (51%),
biến động thị trường (40%) và 31% khó khăn trong việc tìm đối tác hợp
tác kinh doanh…
Nguyên do của vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ ra 3 nhóm bất
cập. Thứ nhất, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, một doanh
nghiệp nông nghiệp hoạt động phải trải qua nhiều giai đoạn với những thủ
tục hành chính “rườm rà”. Đơn cử về kiểm tra chuyên ngành, hiện có
khoảng 300 văn bản được ban hành và thực thi từ ít nhất 10 bộ chuyên
ngành khác nhau (Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018)…
Thứ hai, doanh nghiệp tiếp cận với hai nguốn lực chính là đất đai và
nguồn vốn rất khó khăn. Một số quy định trong Luật Đất đai 2013 đang hạn
chế doanh nghiệp tiếp cận đối với đất nông nghiệp như thời hạn sử dụng
đất không quá 50 năm là ngắn so với chu kỳ đầu tư của doanh nghiệp nông
nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Về vốn, nhiều doanh
nghiệp nông nghiệp không thể tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi theo
chính sách mà nguyên nhân là do thủ tục phức tạp...
Thứ ba, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đủ mạnh. Sau 3 năm
thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về
chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông
thôn, đến năm 2017, cả nước mới triển khai được 64 dự án đầu tư vào nông
nghiệp với tổng giá trị 6.400 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ từ ngân sách mới
chiếm 5,9%. Nguyên nhân được ông Cung chỉ ra là do các địa phương chưa
thực sự vào cuộc dẫn đến việc bố trí vốn hỗ trợ rất ít, thậm chí vốn
Trung ương giao về cho các địa phương nhưng chưa được bố trí hỗ trợ
doanh nghiệp.
Năm
2017, cả nước triển khai 64 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng giá
trị 6.400 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ từ ngân sách chiếm 5,9%. (Ảnh minh
họa: Vietnam+)
Từ đó, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, các cấp chính quyền địa phương và bộ, ngành
cần có sự hành động quyết liệt hơn và đồng hành tốt hơn cùng doanh
nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
“Các cơ quan cần là rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách trong
phạm vi của mình có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để tăng cường
hướng dẫn, tháo gỡ khi chính quyền các địa phương gặp khó khăn, vướng
mắc trong tổ chức triển khai chính sách. Ngoài ra, các địa phương cần có
sự quy hoạch thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn để xây dựng hạ
tầng thu hút doanh nghiệp tích tụ, tập trung ruộng đất; bố trí tốt nguồn
vốn thực hiện chính sách ưu đãi; lãnh đạo tỉnh tăng cường đối thoại,
trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc khi doanh nghiệp đầu tư vào nông
nghiệp, nông thôn…”, TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị./.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)