(TG) - Việt Nam đang ngày càng gắn kết sâu rộng hơn với thế giới, là nền kinh tế có
độ mở cao trong khu vực Đông Nam Á, là một mắt xích trong các liên kết kinh
tế khu vực và liên khu vực quan trọng, đồng thời là thành viên của nhiều
diễn đàn khu vực và toàn cầu lớn. Do đó, những biến động trong tình hình
kinh tế và chính trị thế giới hiện nay đã, đang và sẽ có tác động lớn và ngay
lập tức đến tiến trình hội nhập của nước ta.
NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG
ĐA CHIỀU
Trong các diễn biến phức
tạp của tình hình quốc
tế và tác động đa chiều
của truyền thông hiện nay, Việt
Nam cần có cái nhìn tỉnh táo,
cân bằng để nắm rõ các hiện
tượng và bản chất của các sự
kiện, từ đó có các đối sách phù
hợp cho tiến trình hội nhập
quốc tế.
Về tổng thể, tiến trình hội
nhập quốc tế nói chung và hội
nhập kinh tế quốc tế đang đi
đúng hướng, song môi trường
chính trị, an ninh và kinh tế
quốc tế khác biệt căn bản so với
trước, đã đặt ra thời cơ và thách
thức lớn. Ba nhân tố lớn nhất
tạo nên diện mạo khác biệt
trong tình hình hiện nay gồm:
Một là, cạnh tranh chiến lược
giữa các nước lớn ngày càng
trở nên gay gắt, liên quan đến
nhiều lĩnh vực và vấn đề khác
nhau, tác động trực tiếp đến
môi trường an ninh và phát
triển của Việt Nam. Đáng chú
ý là cạnh tranh, cọ xát không
chỉ giới hạn trong các vấn đề
thương mại cụ thể mà còn trong
các lĩnh vực an ninh, chiến
lược, xây dựng luật lệ, thể chế…
Trong đó, cọ xát thương mại
giữa Mỹ và Trung Quốc là một
trong những hệ quả rõ rệt của
xu hướng cạnh tranh giữa các
nước lớn. Mới đây, hai quốc gia
này đã đạt được thỏa thuận tạm
thời ngừng áp đặt thuế đối với
hàng hóa của Trung Quốc vào
thị trường Mỹ; song kết cục cọ
xát thương mại Mỹ - Trung vẫn
chưa rõ ràng, rủi ro đối với kinh
tế toàn cầu, cả trên thực tế và
tâm lý, vẫn còn rất lớn. Theo Tổ
chức Hợp tác và phát triển kinh
tế (OECD), các xung đột thương
mại sẽ khiến giao dịch thương
mại toàn cầu chịu thiệt hại nặng
nề, dự báo giảm khoảng 3% và
5% lần lượt vào năm 2018 và
2019. Cuộc chiến thương mại
làm cho môi trường kinh tế toàn
cầu trở nên bất trắc, khó lường
hơn, thúc đẩy các tập đoàn tính
toán lại chiến lược đầu tư, sản
xuất kinh doanh.
Hai là, các thể chế đa phương
đang gặp khó khăn và ở giai
đoạn chuyển đổi mang tính bước
ngoặt, một số khuôn khổ và luật
chơi đang được điều chỉnh, định
hình lại. Trong đó, có cải cách
và nâng cao hiệu quả Tổ chức
thương mại thế giới (WTO),
định hình cấu trúc khu vực
châu Á - Thái Bình Dương với
các thỏa thuận, chiến lược sáng
kiến mới như Hiệp định Đối tác
toàn diện và tiến bộ xuyên Thái
Bình Dương (CPTPP), Hiệp định
Đối tác kinh tế toàn diện khu
vực (RCEP), Tầm nhìn APEC sau
2020, Sáng kiến Vành đai - Con
đường, Chiến lược/Sáng kiến Ấn
Độ Dương - Thái Bình Dương…
Việc Hội nghị Cấp cao APEC
lần thứ 26 không ra được Tuyên
bố chung của các nhà lãnh đạo
cho thấy sự phức tạp và khó
khăn trong việc tìm được tiếng
nói chung của các nền kinh tế
về một số vấn đề then chốt liên
quan đến thương mại và hệ
thống thương mại đa phương.
Đồng thời, các định chế tài
chính toàn cầu như Liên hợp
quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân
hàng thế giới, Tổ chức Lao động
quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới
đều đứng trước nhu cầu cải
cách, điều chỉnh.
Ba là, chủ nghĩa bảo hộ, các
rủi ro như nợ công, tỷ giá cùng
những căng thẳng chính trị, xung
đột và các vấn đề an ninh phi
truyền thống như biến đổi khí
hậu, đang tác động không nhỏ
đến triển vọng tăng trưởng kinh
tế toàn cầu. Xu hướng bảo hộ gia
tăng ở một số nền kinh tế phát
triển, đầu tầu kinh tế thế giới
có tác động lan tỏa đến toàn hệ
thống các mối quan hệ kinh tế,
thương mại ở cấp độ khu vực và
toàn cầu. Bên cạnh đó, những
nhân tố ngắn hạn khác như tỷ
lệ nợ công cao, đồng đô-la lên
giá và chính sách thắt chặt tài
khóa của một số nền kinh tế lớn
tác động không thuận đối với
ổn định kinh tế vĩ mô của nhiều
quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, những căng thẳng,
bất ổn chính trị, xung đột trên
thế giới, nhất là ở eo biển Đài
Loan, Biển Đông, Trung Đông
như Iran, Syria, quan hệ Nga
- Ukraine… tiếp tục diễn biến
phức tạp, đe dọa hòa bình, ổn
định ở khu vực và thế giới, có
nguy cơ đẩy cao giá dầu thế giới,
làm đổi hướng các dòng thương
mại và đầu tư ở khu vực và trên
phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, đi cùng với diễn
biến, chiều hướng bất ổn định
và tiêu cực nêu trên là những
nhân tố, xu hướng thuận lợi, có
thể tạo ra những cơ hội và ảnh
hưởng tích cực đối với tiến trình
hội nhập kinh tế quốc tế của
Việt Nam.
Thứ nhất, mười năm sau
khủng hoảng tài chính toàn cầu
2008 - 2009, kinh tế thế giới tiếp
tục phục hồi và tăng trưởng tích
cực, dự kiến khoảng 3,7% trong
năm 2018 (theo IMF). Đồng thời,
thế giới đã bước vào thời kỳ
chuyển đổi mô hình tăng trưởng
theo các mục tiêu phát triển bền
vững của Liên hợp quốc đến 2030
(SDGs), sáng tạo và bao trùm, mô
hình kinh tế xanh, kinh tế tri
thức, kinh tế số, v.v.. Đáng chú ý,
Việt Nam là nước được đánh giá
hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi
để có thể hiện thực hóa những
cơ hội mới to lớn này.
Thứ hai, hòa bình, hợp tác và
phát triển vẫn là nguyện vọng
và lợi ích của các quốc gia - dân
tộc và là dòng chảy chính; cục diện đa phương, đa trung tâm,
đa tầng nấc tiếp tục được thúc
đẩy bởi nhiều quốc gia với nhiều
sáng kiến. Ngoài Chiến lược/
Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái
Bình Dương và Sáng kiến Vành
đai - Con đường, còn có Liên
minh kinh tế Á - Âu, mạng lưới
FTA/PCA của EU với các đối tác...
Đồng thời, các nền kinh tế mới
nổi như BRICS tiếp tục vươn lên;
các cơ chế khu vực gia tăng vai
trò là những chủ thể hợp tác đa
phương như EU, ASEAN, APEC,
CPTPP, Liên minh Thái Bình
Dương… Các cơ chế đa phương
khu vực và tiểu vùng (như
ASEAN, APEC, CICA, Shangri -
La, các khuôn khổ hợp tác Mê
Công…) và liên khu vực (như
ASEM, FEALAC…) tiếp tục phát
triển. Các diễn đàn, cơ chế toàn
cầu như G-20, G-7, BRICS, WEF…
vẫn đóng vai trò quan trọng
trong quản trị toàn cầu.
Thứ ba, điểm tích cực đối với
khu vực chúng ta là châu Á - Thái
Bình Dương tiếp tục giữ được hòa
bình, ổn định và phát triển năng
động. Đây cũng là khu vực nhận
được sự quan tâm của nhiều
nước lớn trong và ngoài khu vực
với các sáng kiến như Sáng kiến
Vành đai - Con đường, Chiến
lược/Sáng kiến Ấn Độ Dương
- Thái Bình Dương… Trong bối
cảnh đó, ASEAN đạt một số tiến
bộ nhất định trong tiến trình
xây dựng cộng đồng. Mặc dù
gặp nhiều khó khăn cả trong và
ngoài, song ASEAN giữ vai trò
trung tâm trong các cấu trúc khu
vực, được các nước coi trọng.
CƠ HỘI KHÔNG NHỎ
CHO VIỆT NAM
Những chuyển biến mạnh
mẽ trong cục diện chính trị,
kinh tế thế giới nêu trên đặt
ra những cơ hội không nhỏ cho
Việt Nam trong bối cảnh hội
nhập và liên kết quốc tế của
chúng ta ngày càng sâu rộng.
Tuy vậy, thách thức, khó khăn
sẽ không ít đi, trái lại đang và sẽ
tiếp tục ngày càng gia tăng, trở
thành tình trạng bình thường
mới, tác động đến tất cả các
nước, nhất là các quốc gia có
độ mở của nền kinh tế lớn như
Việt Nam. Dẫu vậy, Việt Nam
vẫn đang có những vận hội mới
không hề nhỏ để tiếp tục hội
nhập, phát triển đất nước. Để
tận dụng được những vận hội
đó, Việt Nam cần:
Một là, xử lý tốt mối quan hệ
giữa chủ động, tích cực hội nhập
quốc tế và xây dựng nền kinh tế
tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng
thể quốc gia. Việc thực hiện các
cam kết hội nhập sâu rộng đang
tạo sức ép cạnh tranh ngày càng
gay gắt trên cả ba cấp độ quốc
gia, doanh nghiệp và sản phẩm.
Vấn đề lớn đặt ra là làm sao
thực hiện hiệu quả các FTA thế
hệ mới để tăng cường được nội
lực, nâng cao được năng suất,
sức cạnh tranh của nền kinh
tế, nuôi dưỡng và phát triển
được nhiều “gen Việt” trong
nền kinh tế. Bên cạnh đó, Việt
Nam cần tiếp tục nỗ lực củng
cố ổn định kinh tế vĩ mô, xây
dựng nền kinh tế có khả năng
tự chủ, có năng lực thích nghi
và điều chỉnh linh hoạt trước
những biến động kinh tế thế
giới và khu vực. Việc đẩy mạnh
đổi mới mô hình tăng trưởng,
nâng cao năng suất và năng lực
cạnh tranh là tiền đề và là giải
pháp quyết định để nâng cao
nội lực nhằm tận dụng cơ hội,
vượt qua thách thức của hội
nhập quốc tế.
Hai là, cuộc cách mạng công
nghiệp 4.0 là cơ hội rất lớn để
Việt Nam đẩy nhanh hơn tiến
trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, định vị đất nước ở vị
trí cao hơn trong chuỗi giá trị
toàn cầu và thu hẹp khoảng
cách phát triển với các nước.
Đây chính là những nhân tố
thuận lợi để Việt Nam tiếp tục
đẩy mạnh cải cách, đổi mới mô
hình tăng trưởng, hoàn thành
Kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội 2016 - 2020, nhằm tạo
nền tảng vững chắc cho hội
nhập và phát triển nhanh, bền
vững hơn trong giai đoạn sau
2020. Do vậy, chiến lược phát
triển của Việt Nam hiện nay và
những năm tới là tìm động lực
mới cho phát triển gắn với cách
mạng công nghiệp 4.0 và lợi thế
của đất nước như công nghệ
thông tin, nông nghiệp công
nghệ cao, đô thị thông minh,
các ngành dịch vụ được phát
triển từ công nghệ (thương mại
điện tử, chuỗi cung ứng và vận
tải thông minh, công nghệ tài
chính…), y tế, du lịch chất lượng
cao… Phát triển những lĩnh vực
này không chỉ tạo nhiều việc
làm mới mà còn tạo nhu cầu
và thị trường cho đổi mới, sáng
tạo công nghệ.
Ba là, cần kiên định đường
lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa
dạng hóa, đa phương hóa để
góp phần xây dựng một trật tự
quốc tế, khu vực hòa bình, ổn
định, dựa trên luật pháp quốc tế,
phát huy vai trò trung tâm của
ASEAN trong cấu trúc khu vực
đang định hình, nhất là trong
bối cảnh Việt Nam chuẩn bị làm
Chủ tịch ASEAN vào năm 2020
và đang ứng cử làm Ủy viên
không thường trực Hội đồng bảo
an Liên hợp quốc. Đây là những
nội dung phức tạp, đòi hỏi các
bộ, ngành cần phối hợp, nghiên
cứu để tham mưu cho Đảng,
Chính phủ trong quá trình triển
khai các hoạt động đối ngoại và
hội nhập quốc tế.
Bốn là, Việt Nam cần chủ
động có biện pháp thích ứng với
những tác động đa chiều của cọ
xát thương mại Mỹ - Trung; chú
trọng mở rộng các hoạt động
xuất khẩu và thu hút đầu tư
nước ngoài chất lượng cao, đi
đôi với nâng cao khả năng chống
chịu của nền kinh tế trước các
tác động từ bên ngoài.
Năm là, hội nhập kinh tế
quốc tế là sự nghiệp của toàn
dân, trong đó doanh nhân,
doanh nghiệp là lực lượng đi
đầu. Việt Nam cần nỗ lực hoàn
thiện, thực hiện quyết liệt, hiệu
quả và thực chất các cơ chế,
chính sách thúc đẩy doanh
nghiệp tranh thủ tốt cơ hội,
lợi ích của hội nhập quốc tế.
Ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục
phối hợp chặt chẽ với các bộ,
ngành và địa phương đẩy mạnh
và nâng cao hiệu quả công tác
ngoại giao kinh tế “lấy doanh
nghiệp, người dân làm trung
tâm”, nhằm tăng cường hỗ trợ
các doanh nghiệp mở rộng thị
trường, thu hút đầu tư, công
nghệ, bảo hộ quyền và lợi ích
hợp pháp, chính đáng của các
doanh nghiệp Việt Nam trong
hội nhập kinh tế quốc tế.
Sáu là, việc xây dựng năng
lực cho đội ngũ cán bộ hội nhập
theo hướng chuyên nghiệp, bản
lĩnh, có trình độ chuyên môn,
kỹ năng thời đại số trở nên rất
cấp bách và cần thiết. Sự hợp
tác, hỗ trợ của các bạn bè quốc
tế trong lĩnh vực nâng cao năng
lực đều được hoan nghênh và
trân trọng.
Tình hình thế giới đang
chuyển biến nhanh chóng, cần
tăng cường phối hợp, thống
nhất về nhận thức cũng như
biện pháp triển khai thắng lợi
định hướng chiến lược chủ
động và tích cực hội nhập quốc
tế mà Đại hội XII của Đảng đã
đề ra. Trong đó, sự lãnh đạo,
chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của
Trung ương, sự phối hợp giữa
các bộ, ngành, địa phương, liên
ngành hiệu lực và hiệu quả có
ý nghĩa then chốt trong việc
giúp Việt Nam tranh thủ được
những cơ hội và hóa giải được
các thách thức mà tình hình
đang đặt ra đối với tiến trình
hội nhập của đất nước. Bên
cạnh đó, nâng cao nhận thức
và năng lực của các doanh
nghiệp để tận dụng các cơ hội
từ hội nhập cũng là yêu cầu
cấp bách.
Bùi Thanh Sơn
Ủy viên Trung ương Đảng
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao
_____________________________
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 1/2019