Thứ Bảy, 23/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Hai, 27/4/2015 15:5'(GMT+7)

Đội mũ bảo hiểm cho trẻ quan trọng không kém vắcxin tiêm chủng

Trẻ em đội mũ an toàn giao thông để bảo vệ tính mạng. (Ảnh: Vietnam+)

Trẻ em đội mũ an toàn giao thông để bảo vệ tính mạng. (Ảnh: Vietnam+)

Đây là nội dung chính trong cuộc họp báo Công bố Kế hoạch số 142/KH-UBATGTQG về việc tổ chức tuần lễ an toàn giao thông đường bộ lần thứ 3 do Đại hội đồng Liên Hợp quốc kêu gọi với chủ đề “Trẻ em và an toàn giao thông” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được tổ chức vào sáng nay (27/4).

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, Kế hoạch 142 sẽ được triển khai rộng rãi trên toàn quốc trong tuần từ ngày 4-10/5/2014 tập trung tuyên truyền rộng rãi tới xã hội những nguyên nhân phổ biến gây ra tử vong và chấn thương cho trẻ em khi tham gia giao thông tại nước ta, những hậu quả đáng tiếc do tai nạn giao thông tác động đến trẻ em, mỗi gia đình và toàn xã hội, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc bảo vệ sự an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.

Theo ông Khuất Việt Hùng, một con số thống kê của WHO cho thấy, cứ bốn phút trôi qua có một trẻ em mất đi mạng sống trên những con đường trên toàn thế giới. Hàng trăm trẻ em khác phải mang thương tật vì tai nạn giao thông.

“Mỗi năm có hơn 186.300 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông đường bộ trên thế giới (tương ứng 500 trẻ em mỗi ngày) và ở Việt Nam con số đó gần 2.000. Tai nạn giao thông trở thành mối đe dọa lớn đối với tính mạng và cuộc sống trẻ em,” ông Khuất Việt Hùng nói. 

Bên cạnh đó, ông Khuất Việt Hùng cũng đưa ra con số thực tế, tai nạn giao thông là một trong bốn nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho tất cả trẻ em từ 5 tuổi trở lên trong đó, trẻ bị nạn khi đi bộ một mình (36%), tham gia giao thông bằng phương tiện xe đạp, xe mô tô, xe máy (20%)…

“Tai nạn giao thông để lại nỗi đau to lớn cho hàng ngàn gia đình, đe dọa sự phát triển lành mạnh của các dân tộc. Chúng ta đều mong mỏi và có trách nhiệm ngăn chặn, đẩy lùi thảm họa này. Hãy cam kết và bảo vệ sự bình yên cho trẻ em trên con đường đi tới tương lai,” ông Khuất Việt Hùng chia sẻ.

Đưa ra những khuyến cáo, ông Greig Craff, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á cho rằng, những con số trên đã cảnh báo nghiêm trọng như thế nào về vấn đề tai nạn giao thông trẻ em ở mỗi quốc gia. Do đó, Việt Nam cần phát triển văn hóa an toàn giao thông từ trường học và gia đình.

“Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về tiêm chủng. Việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em cũng quan trọng, không kém gì như tiêm chủng và nó như là liều vắcxin quan trọng để bảo vệ cho con em hàng ngày,” ông Greig Craff nhìn nhận.

Ông Manu Eraly, đại diện của WHO tại Việt Nam cho rằng, Kế hoạch này thúc đẩy nỗ lực giữa các bộ ngành liên quan và đề cập đến một loạt chủ đề về an toàn giao thông đường bộ hướng tới người đi bộ, xe máy, xe đạp điện tập trung vào an toàn giao thông cho trẻ em để từ đó sẽ nâng cao văn hóa giao thông tại Việt Nam.

“Nhiều học sinh đi xe đạp diện không đội mũ bảo hiểm khi xảy ra tai nạn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hay chất lượng mũ bảo hiểm của học sinh đội cũng cần phải quan tâm để nâng cao môi trường an toàn giao thông,” ông Manu Eraly nói.

Theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh-sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai việc thu thập chữ ký của học sinh đưa vào thư kiến nghị gửi tới các cơ quan quản lý cùng chung tay, hành động vì an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em./.

(Vietnam+)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất