Ngày 2/4, tại Hà Nội, ngay tiếp sau thành công của Đại hội đồng Liên
minh nghị viện Thế giới lần thứ 132, UNICEF và Tổ chức Alive &
Thrive (dự án Nuôi dưỡng và phát triển) phối hợp với Quốc hội Việt Nam
đồng tổ chức Hội nghị Vai trò của Quốc hội trong việc đảm bảo quyền trẻ
em và vấn đề dinh dưỡng để phát triển.
Hội nghị được tổ chức thể hiện sự quan tâm sâu sắc, thiết thực của các
nghị sỹ, các nhà hoạch định chính sách đối với trẻ em, hướng tới mục
tiêu lâu dài là phát triển bền vững.
Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 25 năm ngày Việt Nam phê chuẩn
Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc; thúc đẩy vai trò và tăng
cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nghị sỹ trong khu vực và
quốc tế về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ và mối liên
quan giữa vấn đề phát triển dinh dưỡng với tiến trình phát triển kinh
tế-xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc bày tỏ vui mừng
cùng các đại biểu thảo luận về vai trò quan trọng của nghị sỹ đối với
sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em; tin tưởng các đại biểu tham dự Hội nghị
sẽ đóng góp các sáng kiến, trí tuệ để tiếp tục thực hiện trách nhiệm đảm
bảo quyền trẻ em và dinh dưỡng để phát triển.
Nhiều quốc gia châu Á đã cam kết với việc cải thiện vấn đề dinh dưỡng
cho trẻ em thông qua Công ước về Quyền trẻ em (CRC), coi đây là một nhân
quyền cơ bản.
Mặc dù đã có sự đầu tư mạnh mẽ từ các quốc gia, song vấn đề dinh dưỡng
cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong khu vực vẫn chưa thực sự được cải
thiện.
Sau 25 năm thực hiện CRC, vẫn còn ít nhất một nửa trẻ em tại sáu quốc gia Đông Nam Á bị thấp còi.
Tình trạng thấp còi, hay tình trạng quá thấp so với chiều cao chuẩn theo
tuổi, làm giảm khả năng phát triển thể chất, xã hội và nhận thức trong
suốt giai đoạn tuổi thơ đến thời kỳ trưởng thành.
Theo bà Fackhuda Zahra Naderi, thành viên Nghị viện Afghanistan, các
quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục phải trả chi phí kinh tế tăng
cao cho việc không giải quyết vấn đề thấp còi ở trẻ em, trong đó có chi
phí giáo dục và y tế tăng cao. Những nhân tố kép này có thể khiến GDP
của một quốc gia giảm ít nhất 3%.
Còn theo ông Demien Cole, Đại sứ Ireland tại Việt Nam, Chính phủ Ireland
vẫn luôn hỗ trợ mạnh mẽ cho phong trào tăng cường dinh dưỡng.
Tại Hội nghị, các chuyên gia về dinh dưỡng trẻ em trong nước và quốc tế
đã thảo luận về việc các nhà hoạch định chính sách và nghị sỹ có thể hỗ
trợ các gia đình như thế nào nhằm cải thiện việc thực hành ăn uống ở trẻ
sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trong thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.
Các nghị sỹ có thể hỗ trợ các gia đình bằng cách tăng cường pháp luật
xung quanh Luật Quốc tế về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ và bảo
vệ thai sản.
Luật Quốc tế được ban hành nhằm hỗ trợ tối đa dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh
và trẻ nhỏ bằng cách quy định các sản phẩm thay thế sữa mẹ được tiếp
thị, quảng bá khi nào và như thế nào, cũng như cấm mọi hình thức quảng
cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Những chính sách bảo vệ thai sản mạnh mẽ giúp đảm bảo phụ nữ được tuyển
dụng chính thức và nhận được hỗ trợ cần thiết để nuôi con hoàn toàn bằng
sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ cho đến
khi trẻ được 24 tháng tuổi.
Tại Hội nghị, các nghị sỹ đã thảo luận và đưa ra những đề xuất, khuyến
nghị lập pháp, hoạch định chính sách để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em
mỗi nước; góp phần đem lại những thay đổi hiệu quả hơn về lập pháp và
hoạch định, thực thi chính sách tại từng quốc gia và toàn khu vực châu
Á-Thái Bình dương trong lĩnh vực đảm bảo quyền lợi của trẻ em và vấn đề
dinh dưỡng cho trẻ./.
Quỳnh Hoa (TTXVN)