Nhiều vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Cà Mau đã có sự khởi sắc nhanh; đời sống, vật chất và tinh thần từng bước được nâng lên, đặc biệt, nhiều hộ từ nghèo nhờ biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng nên vươn lên khá giàu, có mức thu nhập 100-300 triệu đồng/năm.
Ông Thạch Che ở xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi chia sẻ: "Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất nhưng nhờ chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vốn vay và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nuôi tôm, cá, sò huyết nên gia đình tôi và nhiều hộ Khmer trong xã đã nhanh chóng thoát nghèo. Ba năm gần đây, nhờ biết áp dụng mô hình nuôi đa con trên cùng diện tích gần 3 ha đất canh tác đã tạo thu nhập ổn định cho gia đình, bình quân từ 150-200 triệu đồng/năm."
Thượng tọa Thạch Hà - Trưởng ban Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau, Trụ trì Chùa Monivongsa Bopharam (phường 1, thành phố Cà Mau), vui mừng cho biết, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm từ 3-4%/năm.
Để đạt được kết quả này, những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương luôn quan tâm chăm lo thực hiện nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer.
Các chương trình, dự án được triển khai, xây dựng kết cấu hạ tầng tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như điện, đường, trường học, trạm y tế và nước sạch được đầu tư cơ bản, đồng bộ.
Các tuyến đường liên xã, liên ấp và những nơi tập trung đông đồng bào dân tộc, chùa, Salatel, lò hỏa táng cũng như những nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã được Trung ương và tỉnh Cà Mau đầu tư xây dựng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện về đời sống, vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer.
Năm năm qua, tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện tốt Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, tỉnh đã hỗ trợ đất sản xuất cho 328 hộ, đất ở cho 1.103 hộ, đào tạo nghề cho 832 lao động, mua dụng cụ, máy móc sản xuất cho 2.106 hộ và mua đất sản xuất tập trung với diện tích hơn 879.370m2.
Bên cạnh đó, tỉnh còn vận động xây dựng và bàn giao gần 11.000 căn nhà cho đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo chương trình 167 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Cà Mau giảm 1.182 hộ so với thời điểm năm 2011; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh từ 12,14% (năm 2011) giảm xuống còn 4,9% vào đầu năm nay.
Đồng bào dân tộc Khmer chiếm dân số đông nhất trong số 13 dân tộc thiểu số, với 7.801 hộ, 33.439 người. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer là 18,75% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau Triệu Quang Lợi nhận định diện mạo ở nhiều vùng đồng bào dân tộc Khmer có khởi sắc, đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc nâng lên đáng kể, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer luôn được gìn giữ và phát huy.
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở một số vùng dân tộc giảm chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Mặt khác, một số vùng đồng bào dân tộc Khmer vẫn chưa được đầu tư phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, định canh, định cư, hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…
Để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc Khmer tại Cà Mau, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục quan tâm nâng mức hỗ trợ thực hiện chính sách định canh, định cư đến năm 2015 (theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ) từ 20 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ, bao gồm tiền làm nhà ở, lương thực, chuyển đổi ngành nghề giải quyết việc làm.
Ngoài ra, Chính phủ còn cho phép tỉnh Cà Mau tiếp tục hỗ trợ đối với trường hợp những hộ dân tộc nghèo đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 134 của Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay nhà xuống cấp nặng, không có khả năng tự xây dựng lại.
Bên cạnh đó, các cơ quan Trung ương nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ đầu tư vốn xây dựng các điểm dân cư tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng trung tâm cụm xã cho các xã Thanh Tùng, xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi) và xã Nguyễn Phích (huyện U Minh); xem xét lại chính sách cử tuyển trong đào tạo đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số đảm bảo phù hợp và nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm tạo điều kiện mọi mặt để đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao trình độ dân trí; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau mong muốn trong giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ xem xét bổ sung việc mua bảo hiểm y tế cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc thành phần cán bộ, gia đình chính sách, gia đình có công…, nâng định mức hỗ trợ cho đại biểu tăng cường kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, giám sát cũng như tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển tải thông tin cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng./.
Theo VN+