Thứ Năm, 10/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 29/11/2011 21:35'(GMT+7)

Đối thoại phòng chống tham nhũng có tác động tích cực

Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 10 diễn ra sáng 29/11 tại Hà Nội với chủ đề “Đánh giá tác động, hiệu quả của các kỳ đối thoại phòng, chống tham nhũng đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam”. Đối thoại lần thứ nhất được tổ chức từ giữa năm 2007 và trước đó một năm, Luật Phòng chống tham nhũng của Việt Nam cũng có hiệu lực thực thi.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã tham dự Đối thoại cùng với các nhà tài trợ quốc tế, Đại sứ quán một số nước ở Việt Nam.

Nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm, khuyến nghị từ đối thoại

Phát biểu tại cuộc đối thoại lần thứ 10, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là diễn đàn trao đổi thông tin giữa các cơ quan của Chính phủ với các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế. Tại Đối thoại lần này, cộng đồng quốc tế sẽ có thông tin đầy đủ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Những nhận định, đánh giá thực trạng và dự báo tình hình tham nhũng nói chung so và tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể cũng sẽ được trao đổi.

Việc trao đổi, chia sẻ quan điểm sẽ giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các nhà tài trợ, các nhà đầu tư và công đồng doanh nhân quốc tế đối với Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, cũng tại diễn đàn này, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam sẽ được nghe những khuyến nghị, kinh nghiệm và sáng kiến về phòng chống tham nhũng do các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế đưa ra.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham khảo để hoàn thiện các công cụ quản lý, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng nhận thấy các kỳ đối thoại về phòng chống tham nhũng đã có những tác động tích cực tới việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam. Những vấn đề được trao đổi, thảo luận tại Đối thoại về phòng chống tham nhũng là một kênh thông tin quan trọng được Chính phủ Việt Nam quan tâm khi ban hành chính sách, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, đặc biệt trong những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cam kết, nhất trí tăng cường hành động phòng chống tham nhũng thời gian tới.

Đối thoại là kênh thông tin quan trọng trong phòng chống tham nhũng

Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho biết, kể từ khi triển khai Luật Phòng chống tham nhũng, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những chuyển biến rõ nét ở nhiều mặt, trong đó có việc tập trung hoàn thiện thể chế, góp phần hình thành cơ bản khuôn khổ pháp lý cho phòng chống tham nhũng.

Sau khi Luật Phòng chống tham nhũng được ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành trên 300 văn bản về phòng chống tham nhũng như quy định về  minh bạch tài sản, thu nhập, chuyển đối vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan khi để xảy ra tham nhũng, khen thưởng cá nhân tố cáo tham nhũng,…

Các bộ, ngành (chỉ  tính riêng từ tháng 10/2010 đến nay) ban hành hơn 700 thông tư hướng dẫn việc thực hiện pháp luật phòng chống tham nhũng. Các địa phương ban hành 2.070 văn bản, sửa đổi, bổ sung gần 2.180 văn bản hướng dẫn chính sách, pháp luật phòng chống tham nhũng…

Ngoài việc thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng, Chính phủ tổ chức các cuộc Đối thoại phòng chống tham nhũng với các nhà tài trợ quốc tế nhằm trao đổi các thông tin, giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả tại Việt Nam. Báo cáo tác động của 9 Đối thoại trước đây với phòng chống tham nhũng, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết các cuộc đối thoại là kênh thông tin góp phần giúp Chính phủ, các bộ, ngành có thêm cơ sở khi quyết định chính sách, giải pháp liên quan tới phòng chống tham nhũng.

Một ví dụ, gần đây nhất là sau Đối thoại 9 hồi tháng 5/2011 với chủ đề Phòng chống tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản…, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ ngày 1/9 cho tới khi có đánh giá toàn diện về thực trạng này. Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra cũng đã bàn nhiều về quản lý đất đai.

Theo đánh giá  chung của Thanh tra Chính phủ, thể chế phòng chống tham nhũng hiện nay của Việt Nam là tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng cơ bản yêu cầu của Hội nghị Các quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC).

Thể chế  phòng chống tham nhũng cơ bản được hoàn thiện cùng với những chuyển biến tích cực khác trong phòng chống tham nhũng đã góp phần kiềm chế tham nhũng trên một số lĩnh vực như quản lý và sử dụng tài sản công, sử dụng vốn ODA, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia,….

Các vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử với số lượng lớn (bình quân mỗi năm gần đây khởi tố 280 vụ/600 bị can về các tội tham nhũng), nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được xử lý nghiêm minh, một số vụ việc, vụ án tham nhũng tồn đọng nhiều năm được xử lý dứt điểm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Tại cuộc đối thoại, đại diện các nhà tài trợ, các đại sứ quán một số nước tại Việt Nam đã bày tỏ đồng tình với các báo cáo về phòng chống tham nhũng của các cơ quan chức năng Việt Nam. Đồng thời các nhà tài trợ cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam tìm ra những giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng như nhận định từ phía các cơ quan Việt Nam và từ các nhà tài trợ quốc tế, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực và vẫn là vấn đề bức xúc, là mối quan tâm lớn của toàn xã hội.

Các nhà tài trợ quốc tế và đại diện các đại sứ quán một số nước đều cho rằng Việt Nam cần phải có hành động mạnh mẽ hơn để thực hiện phòng chống tham nhũng dựa trên hệ thống thể chế đã được hình thành cơ bản.

Phát huy vai trò xã hội

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, một trong 9 nhiệm vụ công tác trong thời gian tới của Ban chỉ đạo là phát huy vai trò của xã hội trong phòng chống tham nhũng, thông qua việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể và nâng cao vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng…

Việc tăng cường sự tham gia của các tổ chức dân sự vào công tác phòng chống tham nhũng được đại diện Đại sứ quán Thụy Điển, New Zealand, Ngân hàng Thế giới,… hưởng ứng. Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, “cần có sự tham gia của người dân vào phản biện chống tham nhũng, nhưng tất nhiên Chính phủ sẽ dẫn dắt cuộc chiến chống tham nhũng này”.

Tuy nhiên, để người dân có quyền tiếp cận thông tin (để có thể chống tham nhũng), thì điều quan trọng đầu tiên là phải minh bạch, công khai việc xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật..., bà Kwakwa và đại diện Đại sứ quán Canada cho biết. “Minh bạch phải trở thành quy luật chứ không phải là ngoại lệ”, bà Kwakwa nói.

Trao đổi về tính minh bạch, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Lê Văn Lân cho biết Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này. Chương 2 Luật Phòng chống tham nhũng dành rất nhiều điều quy định về tính minh bạch, công khai (trừ thông tin bí mật quốc gia). Trong các giải pháp phòng chống tham nhũng, giải pháp đầu tiên là tăng cường minh bạch…

“Tất nhiên trong quá trình thực hiện thì còn nhiều thiếu sót và chúng tôi sẽ khắc phục, phát huy hơn nữa tính minh bạch, công khai”, ông Lê Văn Lân khẳng định.

Các đại biểu quốc tế đều cho rằng cần tạo điều kiện hơn nữa cho sự tham gia của báo chí vào công tác phòng chống tham nhũng. Thanh tra Chính phủ cũng đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí, nâng cao lý luận chính trị, pháp luật, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của báo chí…

Đồng tình với nhiều đại biểu về việc tăng cường hành động trong phòng chống tham nhũng, ông Jairo Acuna Alfaro, Cố vấn Chính sách Chương trình phát triển LHQ cho biết cần phải có nguồn lực để thực thi hành động. “Tôi không biết có bao nhiêu nguồn lực là đủ cho việc phòng chống tham nhũng nhưng có thể tính toán bằng cách tính ra số tiền ứng với mỗi người dân là bao nhiêu đồng để nhân với số dân của Việt Nam”, ông Alfaro nói.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất