Ngày 13/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Đối thoại về chính sách các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan tới lao động trẻ em trong bối cảnh các cam kết quốc tế về thương mại.
Đây là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và
quốc tế cũng như các doanh nghiệp, đến các tổ chức quốc tế, đưa ra các
khuyến nghị, góp phần đề xuất các giải pháp phù hợp cho việc phòng, ngừa
lao động trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh các cam kết quốc tế về
thương mại.
Khảo sát của Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ Lao động-Thương binh
và Xã hội tại ba tỉnh, thành phố, hơn 7% hộ gia đình có người từ 5-17
tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Gần 2% hộ gia đình có thành viên từ
5-17 tuổi tham gia công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và
Xã hội) cho biết lao động trẻ em vẫn tồn tại nhiều trong khu vực kinh tế
phi chính thức. Nhiều trẻ em sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động
nên người sử dụng lao động đã tận dụng lợi thế này để tăng cường lao
động trẻ em với giá nhân công rẻ. Ngoài ra, việc sử dụng lao động trẻ em
trong các chuỗi cung ứng cũng là một vấn đề nguy cơ cần được quan tâm để phòng ngừa.
Theo ông Đặng Hoa Nam, mục tiêu của Dự án giảm thiểu và xóa bỏ lao
động trẻ em giai đoạn 2016-2020 đã đề cập cụ thể về trách nhiệm các bên
liên quan, hướng đến nhận thức, năng lực, trách nhiệm của chính quyền
các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan đến người sử dụng lao động,
cộng đồng và trẻ em.
Vấn đề tồn tại là nhận thức xã hội về lao động trẻ em ở Việt Nam hiện
nay chưa thực sự rõ ràng và chưa tuân thủ các quy định pháp luật hiện
nay.
Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam, phát biểu tại Đối thoại. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Ông Chang Hee Le, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam,
khẳng định Việt Nam đã phê chuẩn công ước về lao động trẻ em, có nhiều
nỗ lực phòng ngừa lao động trẻ em và mục tiêu cụ thể xóa bỏ lao động trẻ
em. Tuy nhiên, không ít trẻ em đang phải lao động trong các hộ gia đình
sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ và trong khu vực lao động phi chính thức.
Ngoài ra, khái niệm trẻ em làm việc trong chuỗi cung ứng còn khá mới
tại Việt Nam. Hiện, Tổ chức Lao động quốc tế đã huy động các bên liên
quan triển khai mô hình hợp tác phòng ngừa tiến tới xóa bỏ lao động trẻ
em. Hỗ trợ thực hiện kịp thời và hiệu quả các biện pháp nhằm xóa bỏ lao
động ép buộc, buôn người và nô lệ hiện đại dưới mọi hình thức.
Các đại biểu dự Đối thoại cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế,
tham gia các hiệp định thương mại tự do ngày càng sâu rộng của Việt Nam,
việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các chuỗi cung ứng
sẽ ngày càng được được quan tâm hơn, đặc biệt là vấn đề lao động trẻ
em. Do đó, việc phòng ngừa, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ
em phải được thay đổi từ nhận thức của chính các em, gia đình, cộng
đồng và của cả doanh nghiệp.
Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc,
độc hại, nguy hiểm, cần có sự tham gia thường xuyên, liên tục, bền
vững, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã
hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội,
gia đình và cộng đồng./.
(TTXVN)