Thứ Ba, 15/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 22/4/2009 9:58'(GMT+7)

Đối thoại Việt - Mỹ về dioxin

Điểm nóng phơi nhiễm chất độc dacam - dioxin tại sân bay Đà Nẵng gây chết cá khiến thành phố khuyến cáo người dân không nuôi, trồng nông - thủy sản khu vực này

Điểm nóng phơi nhiễm chất độc dacam - dioxin tại sân bay Đà Nẵng gây chết cá khiến thành phố khuyến cáo người dân không nuôi, trồng nông - thủy sản khu vực này

Đây là cuộc đối thoại chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Việt Nam và Mỹ tại Washington vào tháng 6. Theo tiến sĩ Charles R. Bailey - Giám đốc sáng kiến đặc biệt về chất độc Dioxin thuộc quỹ Ford, dù dioxin bắt nguồn từ cuộc chiến tranh nước Mỹ tiến hành trước đây, nhưng nó vẫn còn là vấn đề hôm nay, việc phơi nhiễm dioxin có liên hệ chặt chẽ với các loại bệnh kinh niên, liên quan đến trẻ em.

"Chất độc da cam là vấn đề nhạy cảm và gây ra nhiều tranh cãi. Đây là rào cản cuối cùng cho việc bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa Mỹ và Việt Nam", ông Charles R. Bailey nhấn mạnh.

Theo thống kê của Việt Nam, có khoảng 3 triệu người, phần lớn là trẻ em, thanh thiếu niên đang là nạn nhân chất độc hóa học này. Riêng Đà Nẵng có trên 5.000 nạn nhân và người nghi nhiễm (hơn 1.400 trẻ em), đặc biệt là người dân ở khu vực gần sân bay Đà Nẵng.

Mỗi năm, Việt Nam đã chi khoản ngân sách rất lớn để hỗ trợ gia đình nạn nhân, người nghi bị ảnh hưởng chất độc da cam-dioxin. Riêng năm 2008, khoản tiền này lên tới hơn 800 tỷ đồng. Mỹ đã quyết định nâng tổng số tiền dành cho chương trình tẩy độc dioxin và chương trình Y tế tại Việt Nam lên 6 triệu USD.

Bà Mary Dolan Hogrefe - thành viên nhóm đối thoại Mỹ - cho hay, đã có báo cáo về phương án thu hút công chúng Mỹ về sự ảnh hưởng của dioxin với Việt Nam. "Chúng tôi hy vọng Chính phủ mới của Tổng thống Obama sẽ thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ về vấn đề này. Chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ người khuyết tật Việt Nam có cuộc sống bình thường hơn", bà này nói.

Lo ngại di chứng này có thể ảnh hưởng tới thế hệ F3 của Việt Nam, ông Vũ Chiến Thắng, Phó văn phòng Ban chỉ đạo 33, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết thêm, ngoài 3 khu vực sân bay được coi là "điểm nóng" là Biên Hòa, Phù Cát và Đà Nẵng, mới đây Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp thêm 7 "điểm nóng" khác chứa nồng độ nhiễm dioxin rất cao. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã lập danh sách để điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm, có phương án xử lý trong giai đoạn 2008-2010.

Nhắc tới sân bay Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho hay, do từng là một trong những "điểm nóng" được quân đội Mỹ sử dụng làm kho chứa và nơi nạp chất dioxin để đi rải ở nơi khác nên hơn 30 năm sau chiến tranh, nơi đây vẫn còn tồn lưu lượng chất độc rất lớn trong thiên nhiên.

Theo các nghiên cứu do Bộ Quốc phòng Việt Nam tiến hành năm 2000-2004, hàm lượng trung bình của dioxin ở sân bay Đà Nẵng cao gấp 35 lần cho phép đối với đất phi nông nghiệp được quy định ở Mỹ.

Nghiên cứu của Công ty Tư vấn Môi trường Hatfield (Canada) năm 2007 cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm dioxin cao nhất trong mẫu đất ở sân bay Đà Nẵng, trong mẫu máu của người dân sống gần sân bay cao hơn nhiều lần so với mức cho phép hàm lượng dioxin trong người của các nước công nghiệp phát triển... Hậu quả, người dân trong khu vực đã và đang phải tiếp tục gánh chịu nhiều căn bệnh hiểm nghèo từ di chứng của chiến tranh, đặc biệt là căn bệnh ung thư.

Theo thông tin tại cuộc đối thoại này, Đại sứ quán Mỹ vừa chi bổ sung 3 triệu USD vào tài khóa 2009 để giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc dioxin. Trước đó, năm 2006 sau chuyến thăm của Tổng thống G. Bush tới Hà Nội, Chính phủ Mỹ đã thống nhất hỗ trợ Đà Nẵng 3 triệu USD để khắc phục hậu quả nhiễm chất độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng.

Theo Vnexpress

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất