Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 13/11/2016 21:18'(GMT+7)

Đổi tiền để xóa bỏ "nền kinh tế đen"

Người dân đi đổi tiền ở một khu vực thuộc Niu Đê-li. (Ảnh: Hindustan Times)

Người dân đi đổi tiền ở một khu vực thuộc Niu Đê-li. (Ảnh: Hindustan Times)

Đòn bất ngờ

Ấn Độ-nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới được xem là điển hình của nền kinh tế tiền mặt. Ước tính 86,4% giá trị tổng số tiền giấy Ru-pi lưu thông ở Ấn Độ là loại tiền 500 và 1.000 Ru-pi. Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng chiến dịch đổi tiền sẽ giúp minh bạch hóa và kiểm soát chặt chẽ việc sở hữu tiền mặt trong dân, đặc biệt là các thế lực tài chính "đen".

Theo thông cáo của Bộ Tài chính Ấn Độ, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016, tổng giá trị tiền mặt đưa vào lưu hành đã tăng lên 40%, trong đó, loại tiền giấy 500 Ru-pi tăng 76%, đồng 1.000 Ru-pi tăng 109% nhưng tổng quy mô kinh tế chỉ tăng 30% trong thời gian đó. Tổng giá trị tiền đang lưu hành tính đến ngày 14/10/2016 khoảng 16,98 nghìn tỷ Ru-pi, tương đương khoảng 257 tỷ USD, trong đó 88% loại tiền là 500 và 1.000 Ru-pi, khoảng 16,5 tỷ tờ 500 Ru-pi và 6,7 tỷ tờ 1.000 Ru-pi, còn lại là các mệnh giá nhỏ dưới 100 Ru-pi.


Người dân đi đổi tiền ở một khu vực thuộc Niu Đê-li. (Ảnh: NDTV)  

Còn theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2010, tổng giá trị nền kinh tế ngầm của Ấn Độ đã tăng từ 20,7% GDP năm 1999 lên 23,2% năm 2007. Nhiều chuyên gia cho rằng, con số hiện tại đã lên đến khoảng gần 40% GDP. Rõ ràng, đây là một thực tế và điều này đã sớm được Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh (Manmohan Singh) năm 2004 "chỉ mặt", nền kinh tế ngầm hay còn gọi là "kinh tế đen" ở Ấn Độ  bao gồm tham nhũng, thủ lợi, buôn lậu, chợ đen, trốn thuế... làm thất thoát lượng tiền hàng trăm tỷ USD/năm, bằng gần 1/3 GDP của Ấn Độ. Tại thời điểm cách đây 12 năm, Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh cũng đã chỉ rõ, đây là vấn nạn của Ấn Độ.

Sau khi nhậm chức vào năm 2014, ông Mô-đi cam kết sẽ đưa hàng tỷ USD tiền "đen" có nguồn gốc bất hợp pháp vào hệ thống tài chính. Đây được coi là bước đi táo bạo nhất của Chính phủ Ấn Độ nhằm xóa sổ nạn tham nhũng cũng như kiểm soát hành vi trốn thuế và hồi hương tài sản giấu ở nước ngoài. Nó được kỳ vọng sẽ mang đến hàng tỷ USD tiền từ "chợ đen" vào hệ thống tài chính nước này. "Tiền đen và tham nhũng là những thách thức lớn nhất trong cuộc chiến chống nghèo đói", ông Mô-đi cho biết.

Đánh giá về quyết định này, ông U.Pa-teo (Urjit Patel), Thống đốc mới được bổ nhiệm của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, cho biết: Đây là một bước tiến mạnh mẽ để chống lại sử dụng tiền "đen" và tiền giả. Ngoài ra, động thái này còn giúp ngăn chặn các phần tử phiến quân tại Ấn Độ sử dụng tờ tiền giả 500 Ru-pi để tài trợ cho các hoạt động khủng bố.  

Trong khi đó, N.Giai-nơ (Nirmal Jain), Chủ tịch IIFL Holdings, nói: Mặc dù gây ra nhiều phản ứng trên thị trường và nền kinh tế, tôi tin rằng bước đi này của chính phủ mang lại triển vọng cho nền tài chính của chính phủ, giảm lạm phát, giảm lãi suất bổ sung từ ngân hàng Trung ương và tăng trưởng GDP dài hạn. Đây là cách làm hiệu quả, giúp làm "sạch" nền kinh tế, ngăn chặn nạn tham nhũng và tăng cường kiểm soát chặt chẽ "nền kinh tế đen".

Người dân ủng hộ

Theo quyết định của Thủ tướng Mô-đi, bắt đầu từ ngày 8/11, Ấn Độ bắt hủy bỏ tất cả tiền giấy mệnh giá 500 và 1.000 Ru-pi (tương đương 7,5USD và 15USD), là hai loại tiền mệnh giá lớn nhất trong hệ thống tiền giấy của nước này, khỏi hệ thống nội tệ. Người dân có thể đổi những tiền giấy mệnh giá trên để lấy tiền mới tại ngân hàng hoặc bưu điện từ nay đến cuối năm hoặc gửi tiền vào tài khoản. Ước tính khoảng 16,5 tỷ tờ tiền 500 Ru-pi và 6,7 tỷ tờ 1.000 Ru-pi sẽ cần được trao đổi. Tờ tiền mới mệnh giá 500 và 2.000 Ru-pi sẽ được phát hành từ ngày 10/11 để thay thế.

Hầu hết người dân Ấn Độ ủng hộ quyết định của Thủ tướng Mô-đi, song, quyết định này đã gây khó khăn không nhỏ cho người dân trong những ngày đầu thực hiện. Nhiều người dân phải chật vật trả tiền khi mua các mặt hàng cơ bản như thực phẩm, nhiên liệu và không thể rút tiền mặt. Ngay trong ngày 9/11, tất cả các cửa hàng, trung tâm mua sắm, quán ăn… đã từ chối nhận thanh toán bằng tiền mặt với các đồng tiền có mệnh giá này. Nhiều cửa hàng, quán ăn đã phải đóng cửa. Đ.Cha-toi (Deepak Chhatoi), nhân viên bán hàng tại một cửa hàng xe hơi ở Mum-bai, cho biết, ông không thể nhận tiền từ các khách hàng muốn trả bằng tờ 500 và 1.000 Ru-pi.

Quy trình hướng dẫn cách thức gửi tiền vào ngân hàng và rút tiền từ mệnh giá nhỏ phức tạp cũng khiến nhiều người dân vùng nông thôn lo lắng. Theo đó, người dân chỉ được rút 2.000 Ru-pi từ thẻ ATM mỗi ngày, từ ngày 19/11, số tiền sẽ tăng lên 4.000 Ru-pi. Nếu rút từ tài khoản ngân hàng, số tiền được nhận tối đa là 10.000 Ru-pi mỗi lần và không quá 20.000 Ru-pi một tuần đến ngày 24/11. Đồng thời, mỗi người dân chỉ được nộp tối đa là 250.000 Ru-pi, vượt quá số tiền trên phải chứng minh được nguồn gốc tiền.

Hiểu rõ những tình huống phức tạp có thể xảy ra trong thời gian đầu, các cơ quan chính phủ của Thủ tướng Mô-đi đã tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, hướng dẫn thủ tục, giải thích chính sách cho người dân nhằm tránh sự hỗn loạn. 

Trong tuần đầu thực hiện, nhìn chung, hoạt động thu, đổi tiền diễn ra suôn sẻ. Ông X.Cu-ma (Shailendra Kumar), Phó tổng giám đốc chi nhánh ngân hàng nhà nước ở thủ đô Niu Đê-li, cho biết: "Chúng tôi đã mở 25 điểm thu đổi để việc thu hồi các tờ tiền có mệnh giá cũ diễn ra suôn sẻ. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân không nên lo lắng và sợ hãi vì hoạt động thu, đổi tiền sẽ diễn ra hằng ngày và kéo dài đến ngày 30/12 tới. Các ngân hàng sẽ mở cửa đến tối muộn vì vậy người dân không cần quá lo lắng”.

Hiện quá trình mới chỉ bắt đầu. Cần có thời gian đánh giá kết quả của cách chống tham nhũng này của Ấn Độ, song, truyền thông nhiều nước châu Á đã có đánh giá tích cực về quyết định này của Thủ tướng Mô-đi./.

Nguyễn Hòa (Báo QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất