Câu chuyện của đội tuyển bóng đá nam quốc gia như thổi thêm sức mạnh, tiếp thêm lửa cho tinh thần dân tộc, cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Những cầu thủ nhỏ bé như Quang Hải sẵn sàng tranh chấp tay đôi với rất nhiều cầu thủ to con của đối phương, sẵn sàng đối phó với những pha “đốn” người không thương tiếc, kẹp trong vòng vây của 3-4 cầu thủ, miệt mài kiến tạo.
Hay một Văn Lâm khắc khoải niềm tin chờ đợi 3 năm, chật vật tìm chỗ đứng trong tuyển Việt Nam, để rồi được bắt chính lại AFF Cup 2018 và trở thành một người hùng thầm lặng trong vinh quang của đội tuyển.
Một Duy Mạnh - cậu bé nhặt bóng AFF Cup 2008 - khi 9 tuổi, hàng tuần rời xa gia đình, bắt xe buýt từ Đông Anh sang “lò” luyện Gia Lâm, nay đã là chàng hậu vệ xuất sắc của đội tuyển quốc gia.
Hàng triệu người hâm mộ Việt Nam vẫn còn xót xa, đau thắt khi nhớ lại hình ảnh các cầu thủ U23 Việt Nam căng mình trong mưa tuyết Thường Châu trong một trận đấu dài 120 phút, trước một đối thủ mạnh là Uzbekistan; khi trong cái rét cắt da thịt, đội trưởng Xuân Trường và Văn Thanh hì hục dùng tay cào tuyết để Quang Hải tung cú sút tuyệt đẹp gỡ hòa cuối hiệp 1; khi màu áo trắng của đội bạn lẫn trong tuyết trắng nhạt nhòa và người hâm mộ xem qua màn ảnh nhỏ đôi khi không thể nhìn được trái bóng lăn tới đâu. Hình ảnh Duy Mạnh lặng lẽ cắm lá cờ Tổ quốc trên ụ tuyết trắng xóa và cúi chào chạm tới trái tim mỗi người.
Chợt nhớ tới ca khúc “Đường tới vinh quang” của cố nhạc sỹ Trần Lập, thủ lĩnh Ban nhạc Bức Tường, “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân không thấm đau vì những mũi gai, đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió...."
Vinh quang ấy là nhờ sự khổ luyện, rèn giũa, phấn đấu miệt mài, không mệt mỏi của một lứa cầu thủ trẻ suốt 10 năm qua. Vinh quang ấy thấm đau vì bao thương tích. Chị họ thủ môn Văn Lâm - nghệ sỹ ưu tú Linh Nga chia sẻ thành công của em là máu và nước mắt.
Các cầu thủ như những chiến binh đã thắp lên niềm tự hào dân tộc, đoàn kết triệu người như một. Sau chiến thắng nghẹt thở trước đội U23 Qatar hồi đầu năm, lần đầu tiên U23 Việt Nam giành quyền vào trận chung kết của Giải vô địch U23 châu Á, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc tại Hội nghị đánh giá công tác phối hợp năm 2017 giữa 4 Văn phòng Trung ương (Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội) hôm ấy rằng “điều không tưởng đã thành sự thật, đây không phải là may mắn mà là thực sự sức mạnh của nhân dân Việt Nam."
Còn Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên nói “chúng ta vừa trải qua những giây phút vô cùng căng thẳng, vô cùng hồi hộp, đầy cảm xúc và kịch tính khi thấy đội quân áo trắng của Việt Nam lăn xả trên sân, mưu trí, quả cảm vì màu cờ sắc áo đã mang lại chiến thắng rất tuyệt vời. Khi nhìn thấy đội quân của chúng ta thực hiện những hành động như thế trên sân cỏ, chúng ta liên tưởng đến một điều mà chúng ta luôn mong ước đó là sân cỏ và cuộc đời."
Câu chuyện từ sân cỏ đặt rộng ra trên “sân” hội nhập. Trỗi dậy mạnh mẽ sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam là một quốc gia hàng đầu trong nắm bắt toàn cầu hóa. Là nước có độ mở nền kinh tế cao, mô hình tăng trưởng lệ thuộc sâu vào thương mại quốc tế, Việt Nam dễ bị tổn thương trước biến động xấu toàn cầu.
Các tuyển thủ Việt Nam giương cao chiếc cúp vô địch AFF Suzuki Cup 2018. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Trong cuộc chơi, nếu không muốn thất bại, Việt Nam phải là một trong những thành tố rất tích cực, kiến tạo trật tự mới về thương mại, có khát vọng, nỗ lực lớn, đến độ, nói như tiến sỹ Vũ Minh Khương (Đại học Lý Quang Diệu-Singapore, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) rằng, nỗ lực để “thế giới phải kinh ngạc."
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng ví von “như Đội tuyển bóng đá Quốc gia trong trận bán kết lượt đi ở Philippines... sẵn sàng tranh chấp thể lực tay đôi với các cầu thủ to lớn đã được thi đấu ở châu Âu, sẵn sàng ăn miếng, trả miếng, gây bất ngờ cho đối phương, báo chí Philippines và thế giới phải kinh ngạc."
Khát vọng vươn cao Việt Nam chỉ có được khi chúng ta nhập cuộc sân chơi hội nhập một cách chủ động, tự tin và có một nền tảng kinh tế độc lập, tự chủ, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều “gene Việt Nam," tạo nên vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế, tạo ra lòng tin sâu rộng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Cần định vị chúng ta đang ở đâu và hướng tới như thế nào.
Vinh quang của đội bóng không tỏa sáng từ một cá nhân. Thành công của đất nước cần có sự nỗ lực của cả 90 triệu người Việt. Cần những cú hích để hội nhập kinh tế thành công. Cần nuôi dưỡng, nhân lên niềm tin và khát vọng.
Khi nói về việc kết nối hạ tầng của Việt Nam tại Diễn đàn Logistics Việt Nam gần đây, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione dẫn chứng trận bán kết lượt về AFF Cup 2018 để phân tích: “Chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa như, trận đấu hôm qua, trong hiệp 1 chúng ta có những cuộc đua. Chúng ta phải có cuộc đua trong logistics và cần phải có một cú hích để có thể tăng tốc."
Ông gọi trận bán kết lượt về của đội tuyển Việt Nam với Philippines là trận “rồng vàng” để đưa Đội tuyển Việt Nam vào chung kết với lời nhắn nhủ: “Việt Nam cũng phải đi vào bán kết trong logistics và làm sao tất cả người Việt Nam cũng có những đóng góp”./.
Theo TTXVN