Là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hoá, giữ vị trí trọng yếu nơi biên cương Tổ quốc, ngay từ thời kỳ đầu dựng nước, Cao Bằng đã là bức "phên dậu” vững chắc của cả nước, là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Nơi đây, Mùa Xuân năm 1941, sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại Cao Bằng, Người đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh; thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay; chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, đón thời cơ, đứng lên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta.
Với vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của quân và dân Cao Bằng, cũng như quân dân cả nước trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An là di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là di tích Quốc gia đặc biệt thứ ba của tỉnh. Các khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An là những di tích lịch sử có giá trị đặc biệt quan trọng, gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gắn với sự trưởng thành, phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Việc xếp hạng các địa điểm di tích lịch sử Chiến thắng Biên giới 1950, huyện Thạch An là Di tích quốc gia đặc biệt là sự tôn vinh, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích, đồng thời ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Là địa bàn có hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét sinh hoạt văn hóa riêng. Là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, với kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú. Cao Bằng được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ, hệ thống hang động và các di sản địa chất độc đáo có giá trị quốc tế không chỉ về mặt nghiên cứu khoa học, mà còn có giá trị rất lớn về phát triển du lịch.
Nhằm tôn vinh các giá trị di sản địa chất, văn hóa, lịch sử, đồng thời giới thiệu, quảng bá những nét đẹp, danh lam thắng cảnh, miền đất và con người cũng như tiềm năng du lịch sẵn có, tạo thương hiệu, sự đột phá cho du lịch Cao Bằng, Tỉnh đã quyết định thành lập Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng, sớm hoàn thành bộ Hồ sơ khoa học trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu. Cùng với sự tư vấn, giúp đỡ nhiệt tình của chuyên gia UNESCO, sự nỗ lực quyết tâm của tỉnh, đến 30/6/2017, Cao Bằng đã hoàn thành việc xây dựng 03 tuyến du lịch trong vùng CVĐC, với tổng cộng 43 Điểm tham quan du lịch ngắm cảnh... với hệ thống cơ cở vật chất tại các điểm di sản theo chuẩn UNESCO, phục vụ các hoạt động du lịch. Ngày 12/4/2018, tại cuộc họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 204 tại Pa-ri (Pháp), đã thông qua Nghị quyết công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng là CVĐC toàn cầu UNESCO. Như vậy sau Cao nguyên đá Đồng văn - Hà Giang, Cao Bằng là địa phương thứ hai của Việt Nam được đón nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO và là CVĐC toàn cầu thứ 8 của Đông Nam Á, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị độc đáo về địa chất, di sản văn hóa - lịch sử, giá trị đa dạng sinh học.
Non nước Cao Bằng có nhiều cảnh quan tuyệt đẹp
Cao Bằng được đón nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An là Di tích quốc gia đặc biệt không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng mà còn là niềm tự hào, phấn khởi của nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế. Là dấu mốc quan trọng mở ra cơ hội mới trong công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của CVĐC toàn cầu, các giá trị di tích, di sản, đồng thời đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của người dân.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, di sản, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc tạo đà phát triển bền vững; nuôi dưỡng niềm vinh dự, tự hào, xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Cao Bằng tháng 2/1961 “Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phát huy tốt nhất các giá trị di tích, di sản, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp và phát huy niềm tự hào về truyền thống quê hương cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu “về nguồn” của nhân dân cả nước và du khách nước ngoài khi đến tham quan, học tập; tiếp tục vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, bài học lịch sử giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phát huy sức mạnh đoàn kết; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, tập trung khai thác, phát huy tốt mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng; tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; phấn đấu thực hiện thắng lợi 6 Chương trình trọng tâm, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng./.
Triệu Đình Lê
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng