Một mùa xuân nữa lại về trên những nhà giàn DK1, những chốt tiền tiêu
thiêng liêng nơi thềm lục địa của Tổ quốc. Mùa xuân của đất trời mỗi năm
chỉ có một, nhưng mùa xuân của lòng người được dệt nên bởi tình yêu quê
hương, tinh thần hy sinh vì Tổ quốc thì luôn tràn ngập nơi đây.
Vị của Tết biển
DK1/10 thuộc khu vực bãi cạn Cà Mau là nhà giàn xa nhất trong khu vực quản lý của Vùng 2 Hải quân.
Tàu neo lại cách DK1/10 khoảng 200 mét, hai xuồng nhỏ được hạ thủy. Mọi
người được chia thành từng nhóm nhỏ, mặc áo phao, xuống xuồng và tiếp
cận nhà giàn. Nhìn từ tàu HQ621, DK1/10 như một “túp lều nhỏ” lọt thỏm
giữa biển mênh mông, nhưng càng đến gần, trụ thép ấy càng hiện ra sừng
sững vững trãi với 4 trụ thép đường kính gần 1 m, cắm sâu 60 m trong đáy
biển, từ đáy biển lên mặt nước là 17m và từ mặt nước biển đến nóc giàn
cao 23 m.
Nhà giàn DK1/10 thực sự giống như một ngôi nhà nhỏ ấm cúng với những
luống rau xanh mướt, những chuồng gà, chuồng lợn, lồng chim…Chính giữa
“ngôi nhà ấy” chúng tôi còn thấy một ban thờ Bác Hồ với mâm ngũ quả và
thoang thoảng trầm hương, lá cờ đỏ sao vàng được treo trên tường, ở vị
trí trang trọng nhất.
Cano sau cùng cũng cập được vào nhà giàn Dk1/10 (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Trung úy Vũ Văn Lâm quê ở Thái Bình-Cán bộ thông tin cho biết: “Anh em
đã đợi đoàn lên ăn Tết từ rất lâu rồi, chỉ lo biển động mọi người sẽ mệt
mỏi. Nhìn thấy mọi người khỏe mạnh chúng tôi rất vui”.
Thiếu úy Nguyễn Duy Khánh-chính trị viên, đi cùng đoàn lên nhận nhiệm vụ
tại DK1/10 vừa cởi bỏ tư trang, hành lý đã vội xúm vào cắt lá dong, vót
lạt, xóc đỗ để làm bánh chưng cùng mọi người. Đây là lần thứ 2 anh ra
nhận nhiệm vụ tại DK1 nhưng là lần đầu tiên anh ăn Tết tại nhà giàn. Sự
bỡ ngỡ khi đến “nhà mới” của anh nhanh chóng được xua tan bởi không khí
đầm ấp của anh em trong nhà.
Xuân nhà giàn không đâu có bởi nồi bánh chưng đặc biệt do chính tay anh em cùng xắn tay làm.
Các chiến sỹ cùng nhau gói bánh chưng trên nhà giàn DK1/10 (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Những phiến lá dong, sau hành trình lênh đênh trên biển lớn đã héo một
phần nay được rửa sạch. Các chiến sỹ cẩn thận cắt bỏ phần bị úa thành
những tấm vuông vức, rồi cẩn trọng xếp riêng ra nong lớn. Lợn được mổ
ngay trên sàn nhà. Một phần thịt được dành lại làm nhân bánh.
Vừa vuốt những phiến lá dong, thượng úy Phạm Khắc Chuyên vừa bồi hồi
nhắc đến quê nhà: “Bây giờ đang là mùa vải, nhãn ra hoa. Cứ đến tầm này
tôi lại nhớ mùi hương hoa ấy. Tám năm ăn Tết ở nhà giàn, mỗi khi chuẩn
bị đồ gói bánh lại nghĩ không biết ở nhà mọi người có đang chuẩn bị như
thế này hay không. Mười một năm ăn Tết ở quê thì lại nhớ, không biết anh
em giờ này trên nhà giàn đã gói bánh hay chưa”.
Bàn tay anh Chuyên và các chiến sỹ thoăn thoắt gói, chẳng mấy chốc đã
được những chiếc bánh chưng xanh vuông vức. Những chiếc bánh tượng trưng
cho đất, thứ hiếm hoi, quý giá trên nhà giàn, được xếp vào nồi luộc vốn
là bình đựng nước bằng i-nốc đã được “nâng cấp đột xuất” mỗi dịp Tết
đến xuân về.
Tâm tình người lính biển
Đêm giao thừa sớm. Mâm cơm của cả “nhà” đủ đầy với giò lụa, thịt lợn
quay, canh miến dong. Nồi bánh chưng nghi ngút khói cùng cây mai vàng
được đặt ngay ngắn ở giữa. Cả chục con người, không phân biệt khách, chủ
quây quần xung quanh. Những câu chuyện tâm tình của đời lính biển dần
được kể ra như thứ gia vị mặn mòi thêm cho bữa cơm ngày Tết.
Đó là chuyện của chàng Trung úy trẻ Nguyễn Văn Cường, Chính trị viên nhà
giàn DK1/10 khi cách đây 2 năm, Cường ra nhận nhiệm vụ ở DK1/16 khi chỉ
còn ít ngày nữa là anh cưới vợ.
“Khi ấy, em chỉ động viên cô ấy đi đăng ký kết hôn rồi tạm gác việc trăm năm trước khi ra biển,” Cường cười hiền lành tâm sự.
Gần đến ngày về đất liền, Cường háo hức hơn bao giờ hết vì sắp được gặp cậu con trai mà anh chưa một lần được nhìn mặt.
Đó còn là câu chuyện 8 năm đón Tết trên thềm lục địa phía Nam của Trung
úy Phạm Khắc Chuyên (Thủy Nguyên, Hải Phòng.) Anh xa nhà nhiều đến độ,
cả hai cháu con anh đều sinh khi anh đang đóng quân giữa biển khơi. Thậm
chí, có khi về nhà, con anh không chịu nhận bố, chỉ nép sau lưng mẹ
nhìn trân trân.
Có người lính như thiếu tá Trịnh Văn Sơn, vừa lấy vợ được 20 ngày thì
bắt đầu ra biển. 21 năm lênh đênh, anh thuộc lòng tính đại dương, thuộc
lòng từng hòn đảo anh đã đi qua. Nhắc về gia đình nhỏ bé, anh cười hiền
lành bảo: “Tôi nhớ nhất là những lúc hai cháu gọi điện cho bố từ đất
liền, nhờ bố giảng bài cho. Lúc ấy, tôi cảm giác không còn bất cứ khoảng
cách nào giữa biển và nhà nữa.”
Niềm vui trong ngày nhà giàn đón Giao thừa sớm (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Lần này đến đóng quân tận bãi cạn Cà Mau, Thiếu tá Đinh Đắc Bình không
khỏi canh cánh trong lòng nỗi lo về gia đình nhỏ ở huyện Nhơn Trạch. Anh
có 2 con, 1 trai và 1 gái, đang học cấp 2. Vì nhiệm vụ, anh phải tạm xa
gia đình ra đóng quân ở nơi “cùng trời cuối đất” này. May mắn là vợ anh
làm giáo viên tiểu học ở gần nhà nên cũng thuận tiện chăm sóc gia đình
trong lúc anh làm nhiệm vụ ở nhà giàn.
“Tôi tự động viên bản thân cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng
đi xa thế này để vợ con ở nhà cũng lo lắng. Sống giữa chốn mênh mông,
quanh năm không bóng người này, tinh thần phải thật vững vàng mới có thể
trụ nổi,” Thiếu tá Bình tâm sự.
Chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn của anh em nhà
giàn DK1/10, anh bạn nhà thơ quân đội đi cùng đoàn đã bật ra những vần
thơ rất thật:
“Người bạn lính của tôi ơi
Anh hãy xòe tay và đếm cùng tôi
Vết thời gian hình như chảy ngược
Chảy về tháng ngày vợ đẻ con chưa thấy mặt cha
Mẹ đau nội ốm
Xóm làng rộ tin đồn thất thiệt…
Dẫu vòng quay nào cũng tròn vĩ độ thương đau
Và hãy định nghĩa hy sinh bằng lời giản dị…
… Lính mà.”
Vâng, lính mà. Họ đủ kiên cường để vượt qua hết thảy những xa cách,
những sóng gió dữ dội nhất. Họ kiên trung cầm súng, gác giữ cho biển
trời Tổ quốc bình yên….
Một mùa xuân nữa lại về trên những nhà giàn DK1, những chốt tiền tiêu
thiêng liêng nơi thềm lục địa của Tổ quốc. Mùa xuân của đất trời mỗi năm
chỉ có một, nhưng mùa xuân của lòng người được dệt nên bởi tình yêu quê
hương, tinh thần hy sinh vì Tổ quốc thì luôn tràn ngập nơi đây. Đó
chính là mùa xuân sẽ trường tồn cùng chủ quyền và sự bình yên của đất
nước./.
Sơn Bách (Vietnam+)