Thứ Tư, 2/10/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 3/10/2008 22:44'(GMT+7)

Đốn tràm trồng lúa tại ĐBSCL: Hệ lụy khó lường

Vì lợi trước mắt, người dân đua nhau
 đốn tràm

Từ nhiều năm qua, diện tích rừng tràm ở ĐBSCL luôn biến động theo chiều hướng giảm dần, đến này toàn vùng chỉ còn 180.000 ha và đang tiếp tục bị thu hẹp, chất lượng, năng suất tràm cũng giảm đáng kể. Thu nhập của nông dân từ cây tràm ngày càng đi xuống.

Riêng Long An, địa phương có diện tích rừng tràm lớn nhất ĐBSCL, chỉ một năm qua nông dân đã "xoá sổ" khoảng 1.000ha tràm... Vì sao tràm - từng có thời gian được coi là cây chủ lực ở vùng Đồng Tháp Mười, cùng với cây lúa - lại đang đứng trước nguy cơ diện tích ngày càng bị thu hẹp (!?).

Khó khăn trước mắt

Nhiều cánh rừng tràm bạt ngàn một thời ở Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), Mộc Hóa, Thạnh Hóa (Long An); Bình Minh( An Giang)... giờ đã nhường chỗ cho cây lúa. Theo tiến sĩ Hoàng Quốc Tuấn - Phân viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp miền Nam, cây tràm từ khi trồng cho đến lúc cho sản phẩm (cừ tràm) cần thời gian ít nhất là 6 đến 7 năm, còn lấy gỗ (chế biến đồ mộc gia dụng) thời gian phải mất trên 15 năm. Song ảnh hưởng lớn nhất đến việc thay đổi diện tích rừng tràm là thị trường và giá bán tràm luôn biến động, thường thấp hơn so với hệ thống canh tác khác. Do vậy, cây tràm dễ bị chặt bỏ hoặc ít chú ý đầu tư chăm sóc.
Tiến sĩ Hoàng Quốc Tuấn đưa dẫn chứng: Tại thời điểm giữa  năm 2008, 1 ha rừng tràm 6 đến 7 năm tuổi ở huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau) chỉ bán được với giá chưa đầy 10 triệu đồng. Cũng thời điểm đó, tại các huyện: Mộc Hóa, Thạnh Hóa (Long An) mỗi ha rừng tràm đến kỳ khai thác tràm cừ cũng chỉ bán với giá 15 đến 20 triệu đồng. Như vậy bình quân 1 ha sản xuất tràm cừ mỗi năm chỉ có giá trị 1,2 đến 2,5 triệu đồng, trong khi đó 1 ha lúa 2 vụ có giá trị trên 20 triệu đồng/ha, còn nuôi tôm sú quảng canh cải tiến thu về được 30 đến 40 triệu đồng/vụ. 

Ý kiến các nhà khoa học

* Cần thận trọng khi "hoán đổi"

Trong xu thế hiện nay, trồng tràm không chỉ tính đến chuyện cung ứng gỗ mà còn phải tính đến giá trị của hệ sinh thái và những ngành công nghiệp phụ trợ.
Hiện tại, việc trồng lúa đang có ưu thế hơn so với trồng tràm, nhưng không phải bất kỳ vùng đất trồng tràm nào cũng có thể  trồng lúa được. Những vùng đất trồng tràm thường bị nhiễm phèn nặng, rất khó hoặc không thể trồng lúa. Để chuyển một số vùng chuyên canh trồng tràm ở Tiền Giang và Long An sang trồng lúa, nông dân phải tốn một chi phí rất lớn để đốn bỏ và nhổ gốc tràm lên. Ngay cả một số vùng Đồng Tháp Mười trước đây trồng tràm, sau đó chuyển sang trồng lúa, nhưng phải mất cả chục năm cải tạo đất mới sản xuất được từ 2 đến 3 vụ/ năm.

Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên chắc chắn năng suất lúa sẽ không cao. Đó là chưa kể đến trường hợp, đến một lúc nào đó giá lúa không còn cao như hiện nay thì nông dân sẽ "lãnh đủ" do việc chạy theo thị trường. Giáo sư Tiến sĩ Mai Thành Phụng- Trung tâm khuyến nông quốc gia cho rằng, nếu những vùng không chủ động được nguồn nước ngọt thì phải chấp nhận trồng tràm. Ở những  nơi có diện tích trồng lúa dưới 10% so với diện tích tràm thì không nên chuyển sang trồng lúa, vì khi đó lúa sẽ  bị các loại sâu bọ, gặm nhấm tấn công phá hoại. Muốn trồng lúa trên đất tràm phải chinh phục được đất phèn (thủy lợi, giống, phân bón), nên đòi hỏi nông dân phải có trình độ kỹ thuật cao. Hơn nữa có một thực tế, hiện nay ở ĐBSCL chỉ có 75% người dân được sử dụng nước ngọt, còn 25% sử dụng nước kênh mương, nếu phá tràm thì độ axit hóa sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến 25% người dân sử dụng nước kênh mương. Vì thế việc đốn tràm trồng lúa  phải được tính toán ở nhiều khía cạnh, không thể làm bằng mọi giá, sẽ đưa đến hậu quả lợi bất cập hại.

 * Đừng vội đốn bỏ!

 Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An, Trường đại học Cần Thơ : Khoảng từ 4 - 7 năm nữa, nhu cầu gỗ trên thị trường thế giới sẽ lên đến cực điểm. Hiện tại, Trung Quốc đã tạm ngừng việc xuất khẩu gỗ để đảm bảo nhu cầu nội địa. Ngay khi chúng tôi đưa ra một số thông tin về diện tích tràm ở ĐBSCL, lập tức hai công ty Đài Loan đã ngỏ ý tìm hiểu thu mua. Từ tháng 3 đến tháng 9-2005, tôi và một số chuyên gia Nhật đã tiến hành khảo sát vùng nguyên liệu tràm ở ĐBSCL và tại nhiều doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, giấy... Kết quả cho thấy: 90% số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh phải nhập gỗ; hàng loạt nhà máy bột giấy thiếu nguyên liệu... Tiếp đó, khoảng 2 tấn tràm với nhiều độ tuổi khác nhau trồng ở ĐBSCL được gửi sang Nhật. Đây là những hoạt động trong khuôn khổ thử nghiệm hợp tác giữa Trường Đại học Cần Thơ và Tổ chức Liên kết quốc tế Nhật Bản. Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ cho phép tiến hành xây dựng dự án khả thi nhà máy chế biến gỗ tràm, công suất đủ tiêu thụ nguyên liệu từ 40.000ha tràm/năm tại ĐBSCL. Nếu được chấp thuận, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí (khoảng 138 triệu USD).
Đó là những lý do tôi khuyên nông dân nên giữ tràm.

 * Làm gì để giữ rừng ?

Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng khoa Kinh tế - Quản trị, Trường đại học Cần Thơ : Chuyện nông dân đang đốn bỏ cây tràm khiến nhiều người quan tâm. Bởi trồng tràm không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế, mà còn đóng góp rất lớn vào vấn đề môi trường, cảnh quan. Đang có chuyện tràm cừ sụt giá, nhưng chưa hẳn nghĩa là cung vượt cầu. Chưa có một nghiên cứu nào về thị trường tràm thì làm sao kết luận được? Trước mắt, giá tràm có tụt, nhưng nếu so với chuyện bấp bênh của những nông sản khác chưa hẳn cây tràm lao đao hơn. Do vậy, trong thời điểm khó khăn này, ngành nông - lâm nghiệp các địa phương có diện tích trồng tràm cần tăng cường giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác và giúp nông dân trồng xen, nuôi xen để tăng hiệu quả trên cùng diện tích. Điều khá bất công là: Nuôi tôm đã và đang gây ô nhiễm môi trường cục bộ ở nhiều nơi lại được cho vay vốn ưu đãi, trong khi trồng tràm tạo môi sinh tốt lại không được hỗ trợ vốn nhiều...

* Tác hại rất lớn tới môi trường

Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia chi nhánh phía nam: Không thể can thiệp bằng biện pháp hành chính đối với việc nông dân đốn bỏ cây tràm. Giá tràm cừ thời gian qua liên tục giảm, từ 80 triệu đồng/ha giảm còn 30 triệu đồng. Trồng tràm phải năm năm sau mới sinh lợi, suốt thời gian đó nông dân trồng tràm sống bằng gì? Đã vậy, nếu bị cháy thì mất trắng. Trong khi trồng lúa hiện bình quân lãi đạt 10 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, đáng lưu ý là hiện nay độ che phủ rừng ở ĐBSCL chỉ khoảng 10%, còn thấp so với yêu cầu (30%). Mất rừng, trong đó có cây tràm, gây tác hại rất lớn tới môi trường như không giữ được nước ngọt, mặn xâm nhập... Quy hoạch "lá phổi" cho vùng ĐBSCL là rất cần thiết. Vì vậy phải tính tới chuyện giữ diện tích tràm. Muốn vậy phải có chính sách cụ thể đối với người trồng tràm...

 Tổng hợp

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất