Thứ Tư, 2/10/2024
Môi trường
Thứ Tư, 1/10/2008 21:37'(GMT+7)

Nguy cơ ô nhiễm rác

Dây chuyền xử lý rác thải của nhà máy Đông Vĩnh, TP Vinh (Nghệ An)

Dây chuyền xử lý rác thải của nhà máy Đông Vĩnh, TP Vinh (Nghệ An)

Theo thống kê chưa đầy đủ của Công ty Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh, hiện có hơn 18 điểm mất vệ sinh thuộc loại nặng nhất khu vực, nằm rải rác trên địa bàn các quận, huyện.

Ðáng lo ngại là tình trạng hơn 3.000 thùng rác 240 lít tại nhiều tuyến đường trọng điểm đang có nguy cơ trở thành những bãi rác mi-ni vì tình trạng quá tải. Nặng nề nhất là dọc đường 3-2, cứ vào buổi chiều, nhiều người đi đường không khỏi rùng mình khi nhìn cảnh rác ngập từ trên thùng xuống vỉa hè, thậm chí tràn xuống cả lòng đường.

Tại đường Lý Thường Kiệt (quận 11), mỗi khi chiều về, hai bên lề đường lại ngập rác "điện tử" gồm các thùng các-tông, xốp và đồ điện tử phế phẩm do các cửa hàng tống ra. Tại một số tuyến đường trọng điểm ở trung tâm thành phố, mặc dù có đội cơ động nhặt rác nhưng vẫn có rất nhiều rác vương vãi trên đường.

Anh Nguyễn Văn Ðạt, phụ trách nhặt rác tại đường Nguyễn Huệ, bức xúc: "Sau giờ trưa, con đường này trở nên trắng xóa vì các hộp cơm, chai nước suối của những tài xế ta-xi quăng đầy đường".

Còn ở Hà Nội? Hoạt động thu gom rác ở đây còn hết sức thủ công. Do bụi, rác quá nhiều, cho nên nếu chỉ quét đường, thu gom rác vào đêm khuya hay sáng sớm như những năm trước đây thì không thể bảo đảm cho đường phố sạch sẽ được. Ấy vậy mà hiện nay vẫn chỉ có cách dùng chổi, xẻng gom rác lên xe rồi đưa đến điểm tập kết. Từ đấy rác sẽ lên những chiếc ô-tô tàng tàng chạy ra các bãi rác ngoại ô đợi chôn lấp. (Chưa kể, trên đường vận chuyển, thỉnh thoảng rác lại rơi từ những chiếc ô-tô chuyên dụng ra đường).

Các nhà máy tự thu gom rác thải công nghiệp của mình rồi vận chuyển ra bãi chôn tập trung. Hiện rất ít nhà máy có hệ thống xử lý rác thải riêng. Còn ở ngoại thành, người dân đổ rác bừa bãi mọi nơi có thể: đổ bên đường đi, bờ ruộng, xuống ao hồ. Khoảng 80% số hộ dân TP Hà Nội hiện nay sử dụng hố xí tự hoại, số còn lại sử dụng những loại "cổ điển" hơn và tất nhiên là gây ô nhiễm nhiều hơn.

Hiện tại Công ty Môi trường đô thị Hà Nội chỉ thu gom được 250/350 tấn "chất thải đặc biệt" này mỗi ngày, chuyển đến nhà máy chế biến phân vi sinh Cầu Diễn để "ủ" thành 700 tấn phân/năm.

Thực tế cho thấy các bãi chứa rác ở Hà Nội hầu hết nằm gần khu dân cư, thường là những bãi rác "được tận dụng" từ các ao hồ bỏ hoang. Việc sử dụng những nơi chứa rác này cũng không theo quy hoạch hay dựa trên một kết quả điều tra xã hội nào và không thiếu sự quản lý chặt chẽ. Vì vậy, các bãi rác này đã gây ô nhiễm đến đời sống dân cư, thậm chí tạo thành những ổ dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê thành phần rác được đưa đến bãi chôn lấp, khoảng 50% tổng số rác là rác hữu cơ, tỷ lệ nước trong rác loại này là 60 - 70%. Các bãi rác không được lấp đất thường xuyên, không được xử lý nền bãi... là nguyên nhân chính làm ô nhiễm, nhất là tình trạng nước rác hòa với nước mưa thấm xuống mạch nước ngầm. Ngoài ra, bãi rác còn là nơi kiếm sống của nhiều người thất nghiệp và trẻ lang thang, nên không ai dám bảo đảm là sau vài tiếng bới rác kiếm sống ở đây, người bới rác lại mang những thứ kiếm được đến bán cho các chủ đầu mối phế liệu, và như vậy chuyện phát tán bệnh dịch nào đó là điều khó tránh khỏi.

Xử lý ra sao?

Trên thế giới hiện có ba phương pháp xử lý rác chủ yếu là: thiêu đốt, ủ sinh học và chôn lấp. Tuy bảo đảm vệ sinh, gọn nhẹ nhưng chi phí lại cao, trang thiết bị rất đắt tiền nên phương pháp thiêu đốt không thích hợp với việc áp dụng đại trà ở Việt Nam.

Phương pháp ủ sinh học chi phí đầu tư ban đầu thấp, nhưng nhược điểm là quy trình kéo dài ba đến bốn tháng, xử lý bãi nơi chôn lấp để ủ rác khó làm triệt để nên dễ gây thiệt hại tới môi trường. Chỉ có cách chôn lấp là được sử dụng nhiều nhất.

Cách này vừa dễ làm, vừa đỡ tốn kém nhưng lại có nhược điểm là không vệ sinh, làm ô nhiễm nguồn nước, các loại khí sản sinh khi rác phân hủy gây ô nhiễm không khí và cháy nổ. 90% lượng rác thu gom ở Hà Nội hiện nay là được xử lý chôn lấp.

Hiện nay hầu hết rác thải của Hà Nội được xử lý ở khu xử lý rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và ở Xí nghiệp chế biến rác Cầu Diễn với phương pháp vi sinh có công suất 30.000 m3/năm. Rác từ 36 bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện cấp trung ương và thành phố hiện nay được xử lý bằng phương pháp đốt. Khoảng 2/3 rác y tế được Công ty Môi trường đô thị thu gom và xử lý theo hợp đồng (gồm cả chất thải rắn y tế thông thường). Lượng rác y tế còn lại được công ty nghĩa trang xử lý một phần, còn thì các bệnh viện xử lý tại chỗ.

Theo dự tính, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có hơn một triệu 600 nghìn tấn rác. Con số thực tế lúc đó nhiều khả năng sẽ còn cao hơn. Người dân chưa có thói quen phân loại rác thải tại nhà và nếu có ý thức cho rác vào túi thì cũng dồn nhiều loại rác vào một túi. Tiền phí dịch vụ thu dọn rác quá thấp so với thực tế, dù là tiền xử lý rác thải vẫn lấy từ ngân sách Nhà nước.

Ở các nước phát triển, nhìn chung người dân có nhận thức đúng về môi trường. Họ có thói quen phân loại rác thải ngay tại nhà trước khi vứt bỏ vì thế các nhà máy xử lý không phải mất nhiều công sức phân loại rác. Do đời sống khá giả hơn trước, túi nylon đã trở nên phổ biến mọi nơi, mọi chỗ. Ðây chính là kẻ thù của môi trường, vì cấu tạo của chất nylon là nhựa PE, PP có thời gian phân hủy dài (tùy loại mà có thời gian phân hủy từ hơn mười năm đến cả nghìn năm), lẫn vào đất, nó cản trở quá trình sinh trưởng của cây cỏ dẫn đến xói mòn đất.

Túi nylon còn là nguyên nhân làm tắc các đường dẫn nước thải gây ngập lụt cho đô thị. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức khi vứt rác, hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng túi nylon và có ý thức thay thế dùng các vật dụng sử dụng một lần dễ phân huỷ như túi vải, túi giấy.

Trước mắt, trong lúc đợi những quy định mới từ phía các cơ quan chức năng (các phương thức và thiết bị xử lý rác tiên tiến, các địa điểm rửa xe bắt buộc trước khi vào thành phố, các biện pháp mạnh đối với những kẻ đổ trộm phế thải xây dựng hay đổ trộm đất ra nơi công cộng) thì rất cần nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân./.

(Nhân Dân Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất