Chủ Nhật, 8/12/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Tư, 17/4/2024 16:25'(GMT+7)

Đồng âm - Một thủ pháp chơi chữ độc đáo của người Việt

Ngôn ngữ nào cũng có hiện tượng chơi chữ nhưng ở tiếng Việt, chơi chữ càng có điều kiện để bộc lộ sự đa dạng trăm hình nghìn vẻ của nó. Sở dĩ có thể nói như vậy bởi tiếng Việt là thứ tiếng đơn tiết, một từ cũng là một tiếng, một âm tiết, một hình vị. Cấu trúc âm tiết gốm ba phần (âm đầu, vần, thanh điệu) và có thể tách từng phần để cấu tạo những âm tiết mới, điều này càng góp phần làm cho những biểu hiện của chơi chữ thêm đa dạng. Trong bài viết này, chúng tôi xin được bàn về lối chơi chữ theo thủ pháp sử dụng từ đồng âm.

Hiện tượng đồng âm xuất hiện khi có hai đơn vị trở lên giống nhau về mặt âm thanh nhưng khác nhau về mặt ý nghĩa, cùng xuất hiện trong một câu hoặc một diễn ngôn. Đồng âm trước hết thể hiện sự tài tình trong sử dụng ngôn ngữ. Trong ca dao người Việt có khá nhiều những câu sử dụng từ đồng âm.

Chẳng hạn: Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/ Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non. Chữ trăng già vừa có nghĩa chỉ vầng trăng đã xuất hiện tự lâu đời nhưng đồng thời đồng âm theo lối dịch nghĩa với điển tích nguyệt lão, chỉ việc một cụ già ngồi dưới trăng chuyên lo việc hôn nhân cho thế gian. Chữ núi non vừa chỉ núi nói chung, nhưng chữ non lại đồng âm với chữ non có nghĩa là non trẻ, như một tương phản trái nghĩa với từ già ở câu trên. Câu thơ vì thế cũng đồng thời là một câu hỏi dí dỏm, hài hước mà không ai trả lời được. Cách sử dụng đồng âm trong ca dao có khi mang tính chất hài hước, trào phúng, chẳng hạn: Bà già đi chợ Cầu Đông/ Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng/ Thày bói gieo quẻ nói rằng/ Lợi thì có lợi nhưng răng không còn. Ta thấy có hai chữ lợi cùng xuất hiện trong bài ca dao, một chữ lợi là lợi ích, còn một chữ lợi là răng lợi.

Trong văn chương bác học, thủ pháp đồng âm có khi được sử dụng để gửi gắm những ý tình kín đáo, sâu sắc. Chẳng hạn trong bài Tự trào, Nguyễn Khuyến viết: Cờ đang dở cuộc không còn nước/ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng. Ba chữ “không còn nước” vừa có nghĩa không còn nước cờ lại vừa có nghĩa không còn nước nhà, ngầm chỉ việc đất nước đang bị nô lệ. Hai chữ “chạy làng” vừa có nghĩa rời khỏi cuộc chơi cờ nhưng cũng có thể hiểu chạy về làng để ẩn dật, ứng vào chuyện Nguyễn Khuyến cáo quan về hưu.

Thủ pháp đồng âm có thể được sử dụng để tạo ra những câu đố, bắt người đọc người nghe phải giải đố. Ví dụ: Trùng trục như con bò thui/ Chín mắt chín mũi chín đuôi chín đầu. Chữ chín vừa là số chín, lại vừa là tính từ chỉ việc thức ăn đã được làm chín. Và lời giải đố chính là con bò thui. Trong một trường hợp khác, tác giả dân gian lại đưa câu đố: Bánh ăn không được, đường không ngọt. Chữ bánh ở đây vừa là bánh ăn nhưng cũng là bánh xe, đường vừa là đồ ăn vừa là đường đi. Lại có trường hợp sử dụng đồng âm để tạo câu đố liên quan đến tiếng nước ngoài, đó là câu Xanh đầu xanh đít xít ngược xít xuôi. Chữ xanh vừa chỉ màu xanh nhưng cũng đồng thời là phiên âm của cinq (tiếng Pháp), nghĩa là số 5. Chữ xít đồng âm với six (số 6) trong tiếng Pháp. Vì thế, câu trên muốn thách đố người nghe phải tìm ra số 5965.

Cuối cùng, thủ pháp đồng âm tạo ra những vế đối, nhằm thách thức, thử tài người nghe người đọc. Có nhiều cặp vế đối sử dụng đồng âm rất phổ biến được lưu truyền trong dân gian: Tôi tôi vôi/ Bác bác trứng; Ruồi đậu mâm xôi đậu/ Kiến bò đĩa thịt bò. Hai chữ tôi và hai chữ bác, một chữ là đại từ, một chữ là động từ. Hai chữ đậu và hai chữ , một chữ là động từ, một chữ là danh từ. Có nhiều giai thoại về đối đáp cũng liên quan đến sử dụng đồng âm. Trong các mẩu chuyện về những cuộc đối đáp giữa bà Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh, có một vế đối bà Điểm đưa ra như sau: “Cây xương rồng trồng đất rắn long vẫn hoàn long”. Chữ long vừa có nghĩa là rồng theo âm Hán Việt, vừa có nghĩa là bị rời ra theo nghĩa của từ long thuần Việt. Trạng Quỳnh đã đối lại bằng một vế rất chỉnh: “Quả dưa chuột tuột thẳng gang, thử chơi thì thử”. Chữ thử vừa là con chuột theo âm Hán Việt lại cũng vừa là động từ theo âm thuần Việt. Ý bà Điểm chê Quỳnh cứng đầu cứng cổ, khó cải tạo thành người nghiêm trang chuẩn mực. Trạng Quỳnh trong vế đối lại giữ nguyên khẩu khí cợt nhả bông đùa của mình, ngụ ý không bao giờ thay đổi bản tính.

Lại có những vế đối sử dụng đồng âm mà chỉ có vế ra chứ không có vế đối lại bởi cách sử dụng đồng âm quá khó, chẳng hạn: “Hai người ngồi song song hai cửa sổ”. Chữ song vừa có nghĩa là hai, vừa có nghĩa là cửa sổ, vừa có nghĩa là sóng đôi với nhau. Một câu khác: “Gái Củ Chi, chỉ cu anh hỏi củ chi”. Hai lần củ chi xuất hiện khác hẳn nhau, một chỉ địa danh, một lại là danh từ chỉ sự vật kèm từ để hỏi.

Hay trong vế đối như sau: “Ba ba mà nấu nồi ba/ Tam tam như cửu hỏi Đà chín chưa?”. Cái khó và hiểm hóc trong câu lục bát trên nằm ở chỗ sử dụng đồng âm trùng điệp. Chữ ba vừa là con ba ba, vừa là một loại nồi, vừa là số đếm. Chữ chín vừa đồng âm với số chín, vừa là kết quả của ba nhân ba (3 x 3), vừa là tính từ chỉ việc thức ăn được nấu chín, chữ Đà vừa là sông Đà, vừa là hư từ có nghĩa tương đương với đã.

Thế mới biết, chỉ một câu chuyện về đồng âm trong tiếng Việt thôi đã “muôn hình vạn trạng” đến mức nào!

TS. Đỗ Anh Vũ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất