(TG) - Con đi mẫu giáo nhớ ngoan ngoãn, nghe lời cô giáo, đến 1-6 này mẹ sẽ dẫn con đến cơ quan mẹ liên hoan và xem các cô chú đánh bóng bàn…
Bà mẹ trẻ nhẹ nhàng dỗ con như vậy. Nhưng cô con gái kia bỗng níu tay mẹ hỏi với vẻ ngạc nhiên:
- Mẹ ơi! Có phải bóng bàn không ngoan nên mới bị các cô các chú ấy đánh hả mẹ? Nếu vậy thì con chẳng xem đâu… Con thương bóng bàn lắm!
Bà mẹ bật cười bởi câu hỏi hồn nhiên mà theo bà là “suy nghĩ kiểu trẻ con”. Nhưng, xin chớ “kết tội” bé một cách chủ quan như vậy. Bởi khi hỏi câu này, bé đã có một suy luận đậm tính logic ngôn ngữ học.
Bởi trong đầu óc non nớt của bé, từ đánh vốn đang được hiểu là “bị làm cho đau bằng roi hay bằng một lực tác động nào đó (tay, chân…)”. Khi trẻ mắc lỗi hư hay khó bảo, người lớn sẽ “răn đe” bằng một biện pháp hoàn toàn “cơ bắp” như thế. Chắc bé (và các bạn cùng lứa) không ít lần bị người khác (trong đó có khi cả bố mẹ) bạt tai hay “ăn” vài “con lươn” vào mông. Trời đánh còn tránh miếng ăn, Giơ cao đánh khẽ, Ăn hết đánh đòn, ăn còn mất vợ,… chính là những thành ngữ tục ngữ liên quan tới “đánh” này đấy. Có lẽ từ nghĩa cơ bản này, cô bé nghĩ rằng, “chắc là quả bóng bàn hư thân lắm nên mới bị lôi ra đánh cho chừa”. Chà! Thú vị thực.
Đánh là một động từ nhiều nghĩa trong tiếng Việt (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên (2020), thống kê tới 24 nghĩa cả thảy). Trong các nghĩa đó, có các kết hợp liên quan tới thể thao, giải trí với cấu trúc đánh + X:
- đánh bài (tam cúc, tú lơ khơ, tổ tôm,…)
- đánh bóng bàn
- đánh bóng chuyền
- đánh cầu lông
- đánh cờ
- đánh đàn
- đánh tennis
- đánh võ
…
Ta dễ dàng nhận ra với các môn thể thao này, khi thi đấu các VĐV sử dụng tay là chủ yếu. Mà thể thao không chỉ dùng tay mà còn dùng đến hai chi khác là chân. Đến đây ta sẽ có cấu trúc đá + X (bởi tất cả các VĐV thi đấu đều lấy chân làm chủ công):
- đá bóng
- đá cầu (cầu lông, cầu mây,…)
- đá kungfu
…
Như vậy, trong tiếng Việt, tất cả các môn thể thao dùng đến tay đều có thể dùng từ đánh và các môn dùng chân sẽ dùng từ đá (trong kết hợp). Đánh và đá ở đây không còn là một hành động mang tính “bạo lực” (cần phải lên án) mà là một cách diễn tả các môn thể thao rất thông dụng với chúng ta. Khi đưa vào cấu trúc, nghĩa của đánh và đá thuần tuý chỉ là “dùng tay hoặc chân tác động vào dụng cụ thể thao theo luật chơi”. Lúc đó nghĩa “chơi” trở thành nghĩa chính, nghĩa trội. Vì vậy ta có thể thay thế đánh và đá bằng từ chơi cho tất cả các cấu trúc trên: chơi bài, chơi bóng bàn, chơi bóng chuyền, chơi cờ, chơi bóng đá, chơi cầu mây,…
Điều thú vị là chỉ có tiếng Việt ta mở rộng tới ba cấu trúc để diễn tả các trò chơi. Trong tiếng Anh, chỉ dùng từ play (chơi) cho tất cả các cấu trúc: play to at cards (chơi bài), ~ on the piano (chơi piano), ~ to football (chơi bóng đá), ~ to tennis (chơi tennis)… Còn tiếng Nga, động từ играть (chơi) cũng được tiếp tục sản sinh với các cấu trúc: играть в шахматы (chơi cờ), ~ в футбол (chơi bóng đá), ~ на рояле (chơi piano), ~ на карты (chơi bài), v.v.
Như thế, sự ngạc nhiên của cô bé (ở đầu câu chuyện) không phải là sự thắc mắc vớ vẩn mà hoàn toàn có lí. Dĩ nhiên, rồi bé cũng như tất cả những đứa trẻ khác khi lớn lên sẽ dần nhập tâm với một tri thức tiếng mẹ đẻ cần có. Song trực giác ngôn ngữ của một người đang trong quá trình thụ đắc tiếng mẹ đẻ (hoặc người học ngoại ngữ) cho ta nhìn ra cái “bất bình thường” trong giao tiếp bình thường. Và rõ ràng, ta thấy con đường dẫn tới cách thức biểu hiện của mỗi ngôn ngữ là khác nhau (mặc dù tư duy nói chung là giống nhau). Nhiều khi chính phát hiện bất thường của con trẻ lại giúp cho các nhà ngôn ngữ tìm ra quy luật hình thành các cấu trúc ngôn ngữ.
SEA Games 31 (2022) vừa rồi ở Việt Nam có nhiều môn thể thao. Nhưng sôi nổi nhất vẫn là bóng đá. Ngày 22-5-2022, khán giả Việt Nam được xem trận chung kết nảy lửa giữa đội Việt Nam và Thái Lan. Kết quả là Việt Nam đã thắng 1-0 và đoạt Huy chương Vàng. Chúng ta sẽ còn được thấy các cầu thủ Việt Nam tranh tài với trái bóng tròn bằng việc đá bóng, đánh đầu…
PGS. TS. Phạm Văn Tình