Ngày 19-2, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian gần đây, dịch cúm gia cầm liên tiếp xảy ra trên địa bàn huyện Phước Long. Cụ thể, từ ngày 24-1 đến 14-2 đã xuất hiện 5 ổ dịch cúm gia cầm (trong đó có 3 ổ dịch tại thị trấn Phước Long, 1 ở xã Vĩnh Phú Đông và ổ dịch còn lại xảy ra tại xã Vĩnh Thanh). Tổng đàn gia cầm chết và tiêu hủy là 6.350 con. Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết đang theo dõi và giám sát chặt chẽ dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn.
Trong khi đó, tại An Giang, ngày 13-2, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại trại nuôi vịt trời với hơn 800 con. Chủ nhân của trại này là ông Văn Thành Long, ở ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân. Ngay sau khi xác định đàn vịt trời này dương tính với cúm A (H5N1), các lực lượng chức năng huyện Phú Tân tiến hành tiêu hủy toàn bộ và tiêu độc khử trùng cơ sở nuôi để tránh lây lan. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cũng đã xuất 5.800 liều vaccine cúm tiến hành tiêm bao vây đàn gia cầm trong toàn xã Tân Trung và xã lân cận Phú Hưng (huyện Phú Tân).
Tại Đồng Tháp, qua kiểm tra gia cầm sống ở các chợ, lực lượng chức năng phát hiện có nhiễm virus với tỉ lệ tương đối cao, 10%-15%. Tất cả gia cầm nhiễm virus này được xác định là do người nuôi dạng nhỏ lẻ nên không thực hiện tiêm phòng theo quy định.
Ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL yêu cầu các Chi cục thú y phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; khai báo khi có gia cầm mắc bệnh, chết nhiều, để xử lý kịp thời; không vứt xác gia cầm chết ra sông, kênh rạch; không bán chạy gia cầm mang mầm bệnh làm lây lan dịch bệnh.
* Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh đang xảy ra dịch muỗi hành. Tổng diện tích lúa đông xuân 2016 - 2017 của tỉnh Kiên Giang bị muỗi hành gây hại là 12.450ha; trong đó, 1.623ha nhiễm nhẹ tỷ lệ từ 5% - 10%, diện tích nhiễm trung bình 4.340ha tỷ lệ từ 10% - 20%, diện tích nhiễm nặng 6.487ha, tỷ lệ trên 20% - 50%, xuất hiện ở huyện Tân Hiệp, Hòn Đất và Giồng Riềng. Theo dự báo của ngành chuyên môn, thời gian tới, muỗi hành sẽ tiếp tục xuất hiện và gây hại nặng trên lúa.
Tương tự, gần 8.000ha lúa vụ đông xuân tại huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cũng cùng chung cảnh ngộ. Trong đó hơn phân nửa diện tích bị thiệt hại nặng, từ 40% - 80%, số còn lại từ 20% - 30%. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Long An, trong gần 8.000ha bị muỗi hành gây hại, nặng nhất là trà lúa gieo sạ vào đợt 3 (khoảng giữa tháng 12-2016), tập trung nhiều ở các xã: Vĩnh Trị, Khánh Hưng, Tuyên Bình Tây.
NHÓM PV/SGGP