1. Hà Nội là trung tâm của cả nước, có rất nhiều lợi thế song cũng đối mặt với không ít việc khó, phức tạp. Đây là nơi hội tụ và giao thoa nhiều sắc thái văn hóa, nhiều hình thái kinh tế - xã hội. Nơi mà mọi suy nghĩ và việc làm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và cá nhân đều có sức ảnh hưởng và độ lan tỏa rộng lớn. Và đây cũng chính là địa bàn trọng điểm, mục tiêu chống phá của những phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch.
Trong bối cảnh ấy, tinh thần quyết tâm, sâu sát, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, Tuyên giáo Thủ đô luôn hoàn thành cơ bản toàn diện các nhiệm vụ chính trị đề ra, giúp sức cho Thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như phục vụ Đại hội XII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021; hoàn thành xây dựng và ban hành 8 Chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVI...
Kinh tế Thủ đô duy trì mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 7,3%. Cải cách hành chính được đẩy mạnh. Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh về môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài - với 232 dự án, có số vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 3,15 lần so với cùng kỳ năm 2015; số vốn thu hút theo hình thức PPP tăng 4,2 lần so với giai đoạn 2011-2015; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 24% so cùng kỳ năm 2015. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, phát triển hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực. Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn. Hoạt động hợp tác, đối ngoại, liên kết vùng được đẩy mạnh. Vị thế Thủ đô tiếp tục được nâng cao.
Trong thành tựu chung đó, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã có những đóng góp quan trọng. Mặc dù khối lượng nhiệm vụ công tác tuyên giáo ngày càng lớn và càng phức tạp, nhiều yếu tố phát sinh mới, song hệ thống tuyên giáo Thành phố đã chủ động, nhạy bén, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Ban Tuyên giáo các cấp đã tập trung vào các nhiệm vụ chính trị, tham mưu cho cấp ủy và hướng dẫn, chỉ đạo triển khai đồng bộ các mặt hoạt động, tạo nên sự thống nhất trong ý chí và hành động thực hiện các nhiệm vụ đề ra, trong đó, chú trọng một số nội dung:
Đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết. Chủ động tham mưu với cấp ủy xây dựng kế hoạch và tổ chức hướng dẫn triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương tại Chỉ thị 01-CT/TW, Hà Nội là địa phương đầu tiên tổ chức học tập, quán triệt thực hiện quyết Đại hội XII gắn với triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và các chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được triển khai chủ động, bài bản. Các đơn vị từ thành phố đến cơ sở xây dựng kế hoạch và tiến độ tuyên truyền theo từng giai đoạn với những nội dung cụ thể, trong đó xác định mốc thời gian những đợt tuyên truyền cao điểm. Hà Nội có số khu vực bỏ phiếu, số ứng cử viên, điểm bầu nhiều nhất cả nước, số lượng sinh viên đi bầu đông. Là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị chống phá, song với sự nỗ lực của hệ thống tuyên giáo các cấp cùng sự vào cuộc tích cực của đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội (DLXH), các cơ quan báo chí, công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử. Ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, cử tri đi bầu với tỷ lệ cao 98,98%, bảo đảm dân chủ, an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Tích cực tuyên truyền và tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI và triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với nhiều hình thức cụ thể, thiết thực. Nhiều đơn vị đã có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, như Huyện ủy Phúc Thọ tổ chức Cuộc thi viết về Những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Thị xã Sơn Tây tổ chức thao giảng chuyên đề Tư tưởng Hồ Chí Minh. v.v....; huyện Thanh Oai và Quốc Oai gắn tổng kết với giao lưu, tọa đàm điển hình tiên tiến tại Nhà Lưu niệm Bác Hồ, khu Di tích lịch sử K9 - Ba Vì; huyện Đông Anh tổ chức lễ báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; quận Hoàn Kiếm tổng kết cuộc thi viết “Gương sáng làm theo gương Bác”; Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội tổ chức tổng kết gắn với hội thảo về học tập và làm theo Bác trong đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; Ban Tuyên giáo Thành ủy xuất bản và phát hành cuốn sách “Hà Nội - Ngàn hoa dâng Bác” có nội dung tuyên truyền sâu sắc. Hàng trăm tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng. Có 28 tập thể và 21 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được biểu dương tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị 03 cấp thành phố; 15 tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc của Hà Nội đã được Thủ tưởng Chính phủ biểu dương, khen thưởng tại Hội nghị tổng kết của Trung ương; 5 gương điển hình tiêu biểu được giới thiệu tham dự triển lãm ảnh do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức.
Đẩy mạnh công tác sưu tầm biên soạn lịch sử Đảng theo tinh thần Chỉ thị 15 của Trung ương, Chỉ thị 17 của Thành ủy về “nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và tuyên truyền giáo dục truyền thống”. Sáu tháng đầu năm, toàn thành phố đã có 10 ấn phẩm lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn được thẩm định xuất bản. 11 đơn vị quận, huyện, thị, xã đã đưa lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy trong các cấp học phổ thông. Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu tái bản, bổ sung cuốn sách “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội”. Tập trung sưu tầm, biên soạn tóm tắt lịch sử Hà Nội từ thời kỳ tiền Thăng Long đến nay; phối hợp thẩm định kịch bản phim tài liệu nghệ thuật “Văn nghệ sĩ Thủ đô với ngày toàn quốc kháng chiến” của Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam; sưu tầm Biên niên các sự kiện Đảng bộ Thành phố năm 2016. Phối hợp chuẩn bị Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TU về “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội”; thẩm định 13 nội dung gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến tại 13 điểm do Sở Văn hoá và Thể thao đề nghị; kiểm tra thực trạng các điểm di tích cách mạng kháng chiến phục vụ kỷ niệm “70 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 – 19-12-2016)”; phối hợp xây dựng các nội dung kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, Ngày Truyền thống Lực lượng vũ trang Thủ đô (19-10-1946 – 19-10-2016).
Các lĩnh vực trọng tâm khác của công tác tuyên giáo cũng được triển khai toàn diện và đạt kết quả tích cực trong sáu tháng đầu năm 2016, công tác bồi dưỡng, đào tạo lý luận chính trị đã mở được 796 lớp với 131.701 lượt học viên ở tất cả các loại chương trình. Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố duy trì và mở mới 31 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 3.543 học viên; 12 lớp đại học, cao đẳng cho 995 học viên.
2. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, đồng bộ, bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, có sức lôi cuốn và lan tỏa, tạo không khí thi đua sôi nổi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh các nội dung tuyên truyền chính trị, việc tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, quản lý đô thị cũng được thực hiện tốt, như tuyên truyền về “Năm trật tự và văn minh đô thị”; về cải cách hành chính; xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường; tình hình kinh tế - xã hội; an ninh - quốc phòng...
Công tác báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc được triển khai thường xuyên, kịp thời, có hiệu quả hơn. Thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU ngày 21-1-2014 của Thành ủy về cung cấp thông tin, trả lời báo chí và Quy chế phát ngôn của UBND Thành phố, việc chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội được duy trì đều hàng tuần. Nhiều vấn đề lớn của quốc tế, đất nước và Thủ đô được phản ánh kịp thời, chính xác, sinh động. Các chủ trương, lập trường, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề trên biển, biên giới trên đất liền được thông tin tuyên truyền kịp thời, tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã phát hành 10.000 cuốn tài liệu “Thông tin đối ngoại trong hội nhập quốc tế”; phát hành 90 cuốn sách “50 câu hỏi - đáp về Luật Biển quốc tế và Luật Biển Việt Nam”, 40 đĩa VCD “Những kiến thức cơ bản về biển, đảo Việt Nam” tới các đơn vị trên địa bàn theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Công tác văn hóa, văn nghệ có nhiều chuyển biến tích cực, bám sát nội dung Chỉ thị số
41- CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội“, Chỉ thị số 03- CT/TU ngày 12-1-2016 của Thành ủy Hà Nội về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội“. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 11 về việc cưới, việc tang văn minh...
Chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, DLXH; tham mưu, định hướng tư tưởng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tăng cường đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình, các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị. Triển khai thực hiện về “Đổi mới công tác nắm bắt, nghiên cứu và định hướng DLXH phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành phố” tại cơ sở. Hiện nay, Thành phố có mạng lưới công tác viên DLXH cơ bản phủ kín các địa bàn quận, huyện. Công tác DLXH được nâng cao về chất lượng, chú trọng hơn thông tin hai chiều. Ban chỉ đạo 94 của Thành phố hoạt động tích cực, hiệu quả. Bản tin Thông tin nội bộ phục vụ sinh hoạt chi bộ và Tài liệu tham khảo đặc biệt phục vụ báo cáo viên và lãnh đạo Thành phố có nhiều bài viết chuyên sâu và tính định hướng cao.
Ban Tuyên giáo các cấp đã chủ động triển khai công tác khoa giáo, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn, trong đó chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền “Tháng hành động về môi trường năm 2016” hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (ngày 5-6) trên địa bàn thành phố; hướng dẫn và tổ chức bồi dưỡng chính trị hè cho giáo viên và sinh hoạt chính trị đầu khóa cho học sinh, sinh viên. Tham mưu sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI“về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” trên địa bàn Hà Nội và Thông tri số 06-TT/TU ngày 18-1-2012 của Thành ủy “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội”. Đặc biệt, tham mưu tổ chức tốt một số cuộc tiếp xúc và làm việc giữa lãnh đạo Thành phố với văn nghệ sĩ, trí thức và lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng. Qua đó, truyền tải thông điệp của lãnh đạo Thành phố tới các nhóm xã hội về sự cầu thị, trân trọng cũng như quyết tâm biến những lợi thế riêng có của Hà Nội thành tiềm năng thực tế, đồng thời là dịp để các bên hiểu nhau hơn, đi đến tiếng nói chung với những hành động cụ thể, thiết thực đóng góp cho sự phát triển của Thành phố...
Đạt được kết quả trên là do công tác tuyên giáo Thủ đô đã bám sát thực tiễn, hướng mạnh về cơ sở, triển khai đồng bộ, kịp thời. Hệ thống tuyên giáo và các ngành trong khối tư tưởng - văn hóa, khoa giáo đã chủ động tham mưu toàn diện và hiệu quả trên các mặt công tác. Công tác phối hợp trong hệ thống tuyên giáo từ thành phố đến cơ sở trong tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân ngày càng chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đạt được, Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố đã tặng Bằng khen cho Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về tuyên truyền Đại hội XII của Đảng, tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên giáo Thủ đô vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Đó là, tính chủ động nhạy bén trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy có việc còn chưa kịp thời. Việc nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với một số việc chưa đáp ứng yêu cầu. Sau Đại hội Đảng các cấp, đội ngũ cán bộ tuyên giáo có nhiều thay đổi, hoạt động hệ thống tuyên giáo cơ sở chưa đồng đều... ảnh hưởng tới chất lượng công tác. Công tác phối hợp giữa tuyên giáo với ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan có liên quan ở một số nội dung, địa bàn cơ sở chưa thường xuyên, dẫn đến có việc không thể cập nhật thông tin, chưa kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Thành phố ở những thời điểm quan trọng. Công tác quản lý, xử lý thông tin trên báo chí có việc chưa thật nhạy bén và hiệu quả.
3. Để góp phần hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2016 của Thành phố, ngành Tuyên giáo Thủ đô sẽ thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong dó tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tham mưu cấp ủy triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 01; quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố gắn với triển khai 8 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVI. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Ban Tuyên giáo các cấp tham mưu xây dựng các đề án, chuyên đề trên lĩnh vực xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng thực hiện 8 Chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVI, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội cấp mình. Các chương trình hành động, chương trình công tác của ngành Tuyên giáo phải vừa cụ thể, rõ nội dung, rõ trách nhiệm và tiến độ; có sự thống nhất về tổng thể, tránh chồng chéo; có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành trong triển khai thực hiện.
Hai là, tập trung tuyên truyền tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU của Thành ủy về công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Ba là, tuyên truyền mạnh mẽ về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô. Tiếp tục tham mưu cấp ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Kế hoạch số
05- KH/TU ngày 25-02-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 39 -NQ/TW.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; xây dựng chuyên đề học tập năm 2016 và toàn khóa; chú trọng tham mưu các giải pháp giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Năm là, thường xuyên nắm tình hình và dự báo diễn biến tư tưởng, thực hiện tốt chức năng định hướng tư tưởng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nhất là đối với những vấn đề nóng, nhạy cảm. Tiếp tục đôn đốc, theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án 05 về “Đổi mới công tác nắm bắt, nghiên cứu và định hướng dư luận xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành phố” tại cơ sở. Tăng cường sử dụng kết quả điều tra xã hội học về một số vấn đề lớn, trọng tâm của Thành phố trong xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI của Thành phố./.
Nguyễn Văn Phong
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội