Đây là sự khẳng định vai trò, hiệu quả của nghị quyết về
xây dựng, chỉnh đốn Đảng (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII),
đồng thời thể hiện quyết tâm của toàn Đảng về xây dựng đội ngũ trong
sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong
tình hình mới.
Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “3 khóa liên tục Đại hội XI, XII, XIII đều
chọn Hội nghị Trung ương 4 là hội nghị đầu mỗi khóa để bàn về công tác
xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - điều đó hoàn toàn không phải ngẫu
nhiên. Mỗi hội nghị đều có sự kế thừa và phát triển mới”. Hội nghị Trung
ương 4 khóa XI ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng
Đảng hiện nay” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhằm tạo sự
chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII
tiếp tục ra Nghị quyết “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn
chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Trong
Nghị quyết, Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những
biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
5 năm qua, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thật sự đi vào cuộc sống,
có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng
viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đặc biệt, công tác tự
phê bình và phê bình được đẩy mạnh, góp phần nhận diện sâu sắc và đầy
đủ hơn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để kịp
thời chấn chỉnh nhằm ngăn ngừa vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị tổng kết
công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh:
Thực trạng hiện nay, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên
còn có nguy cơ gia tăng về số lượng, phức tạp và nghiêm trọng hơn về mức
độ, tính chất, quy mô và tinh vi trong cách vi phạm. Các hiện tượng
tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”, “bệnh thành tích”, “tư
duy nhiệm kỳ”, “lạm quyền”, “lộng quyền”, vi phạm nguyên tắc tổ chức
đảng còn nghiêm trọng. Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa
XIII, Tổng Bí thư cũng nêu rõ: tình trạng suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn
diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng
và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong
đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung
ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh
đốn Đảng.
Với việc ban hành Kết luận số 21-KL/TW, Trung ương quyết tâm tiến
hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực,
tập trung vào bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa
XII đã đề ra, đồng thời bổ sung nhóm giải pháp về tập trung xây dựng
đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với
đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt
động hiệu lực, hiệu quả. Nhấn mạnh giải pháp này, Kết luận số 21-KL/TW
nêu rõ: “Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách
nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ
được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm”.
Vì vậy, cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số
26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng đội ngũ cán
bộ các cấp. Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng
động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích
chung. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ
gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công
tác cán bộ…
Có thể thấy ngay trong bối cảnh hiện nay, đại dịch Covid-19 với diễn
biến khó lường và nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của nhân dân đặt ra
nhiều vấn đề phải giải quyết chưa từng có tiền lệ. Mục tiêu kép vừa
phòng, chống dịch, vừa giữ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội là thử
thách rất lớn về bản lĩnh và đức hy sinh đối với đội ngũ cán bộ trong
toàn hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, cơ sở. Trong khi
có những cán bộ thật sự có trách nhiệm, sẵn sàng lao vào nhận nhiệm vụ ở
nơi khó khăn, nguy hiểm, họ thấu hiểu hoàn cảnh thực tiễn, dám nghĩ,
dám làm vì sức khỏe của nhân dân, vì lợi ích chung, có những sáng kiến
đi trước một bước so với chỉ đạo của cấp trên, thì cũng không ít cán bộ
thụ động, trông chờ cấp trên, chỉ đạo ban hành quy định cứng nhắc, không
hợp lý, gây nhiều bất cập trong quá trình triển khai chỉ vì sợ trách
nhiệm, thậm chí có cán bộ thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc
của người dân hoặc vi phạm quy định phòng, chống dịch… Ngay cả khi Chính
phủ đã ra Nghị quyết 128-NQ/CP ban hành quy định tạm thời “thích ứng an
toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thì nhiều địa
phương vẫn duy trì các chốt kiểm soát với những quy định, tiêu chí rất
khác nhau, làm cho người dân đi lại rất khó khăn, gây dư luận bức xúc.
Đó hẳn là vì cán bộ lãnh đạo, người có trách nhiệm ở địa phương, cơ sở
đó không đủ tự tin, sợ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh
trên địa bàn, cho nên đề ra những quy định quá thận trọng vì sự an toàn
của bản thân chứ không phải vì sức khỏe nhân dân. Thực tiễn đó cho thấy,
Trung ương khẳng định quyết tâm đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
nhưng để các nhiệm vụ, giải pháp Trung ương đề ra thật sự đi vào cuộc
sống, tạo ra được chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào
cuộc; nhất là ở cấp cơ sở, từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải
nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tự
giác, gương mẫu thực hiện.
Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII với năm nhóm nhiệm vụ và
giải pháp chủ yếu tiếp tục là “xương sống” đặc biệt quan trọng để tất cả
cấp ủy các cấp và tổ chức đảng triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa
các biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả cao nhất công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tại hội nghị sơ kết công tác kiểm
tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng 9 tháng đầu năm, đồng chí
Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy
ban Kiểm tra Trung ương cho biết, sắp tới Ban Bí thư có Hướng dẫn thực
hiện Quy định số 22 về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Ủy
ban Kiểm tra Trung ương có hướng dẫn thực hiện Quy định mới về những
điều đảng viên không được làm; tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các
cấp ủy tổ chức, triển khai hoàn thành chương trình kiểm tra, chương
trình công tác năm 2021 và xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022
với trọng tâm là kiểm tra việc thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4
khóa XIII, thực hiện nghiêm Thông báo Kết luận số 01 của Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó tập trung kiểm
tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu
hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi,
chỉ đạo…
Cùng với việc ban hành Kết luận số 21-KL/TW, Trung ương cũng vừa ban
hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Với những
nhiệm vụ, chương trình, giải pháp thiết thực, một đợt sinh hoạt chính
trị sẽ được triển khai sâu rộng nhằm ngăn ngừa hiệu quả những biểu hiện
suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng
viên, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn
diện, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.