Thứ Năm, 28/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 1/2/2018 17:2'(GMT+7)

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình

Quang cảnh Hội thảo khoa học. (Ảnh: TA)

Quang cảnh Hội thảo khoa học. (Ảnh: TA)

Sáng 1/2, tại Thái Bình, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh uỷ Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học "Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình".

Hội thảo khoa học được tổ chức nhân Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018), một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một nhà lãnh đạo xuất sắc thời dựng Đảng, chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà hoạt động công đoàn mẫu mực của giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam, người đồng chí, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS. TS. Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; TS. Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình; GS. TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Dự Hội thảo còn có
 đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các đồng chí trong thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu,... Đặc biệt còn có sự tham dự của đại diện dòng tộc đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, sinh ngày 2/2/1908, tại làng Diêm Điền tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước.

Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí tham gia phong trào yêu nước từ những năm 1925 - 1926, khi còn là học sinh trường Thành chung Nam Định. Sau khi bị đuổi học vì những hoạt động yêu nước, cuối năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội tìm việc làm để tự nuôi sống mình và tìm bạn đồng chí hướng. Tại đây, Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia nhóm Nam Đồng thư xã - một tổ chức của những người yêu nước Việt Nam.

Tháng 9/1927, đồng chí tham dự khóa huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Qua khóa huấn luyện, Nguyễn Đức Cảnh nhận thấy đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phù hợp với yêu cầu và sự vận động của cách mạng Việt Nam, nên xin gia nhập. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh.

 
 Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 31/7/1932) 

Đầu năm 1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Tháng 9/1928, tại Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, đồng chí và đồng chí Ngô Gia Tự đã tích cực đề nghị Hội nghị thông qua chủ trương đưa các hội viên đi "vô sản hóa" để thâm nhập sâu rộng vào phong trào công nhân. Chủ trương "vô sản hóa" đã thúc đẩy phong trào công nhân phát triển vượt bậc.

Sang năm 1929, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, nông dân Việt Nam đặt ra nhu cầu phải có một tổ chức chính trị cao hơn, chặt chẽ hơn để lãnh đạo. Nguyễn Đức Cảnh và một số hội viên ưu tú trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã kịp thời nhận thức được đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng. Tháng 3/1929, tại số nhà 5D Hàm Long (Hà Nội), Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập gồm 8 đảng viên, trong đó có Nguyễn Đức Cảnh. Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí trong Chi bộ tích cực chuẩn bị thành lập một chính đảng mácxít - lêninít chân chính ở Việt Nam.

Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 Khâm Thiên (Hà Nội), đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp Đại hội quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng, quyết định xuất bản báo Búa Liềm - cơ quan ngôn luận của Đảng, cử ra Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Ủy viên Trung ương lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Từ cuối tháng 6 đến tháng 7/1929, ở Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tích cực tuyển lựa những hội viên Thanh niên tiên tiến để kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 8/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng được thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Bí thư.

Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu bước ngoặt trọng đại của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là thành quả những nỗ lực không mệt mỏi của những người cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Trong đó, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những thành viên tham gia sáng lập Đảng.

Sau Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về nước khẩn trương thực hiện Nghị quyết Hội nghị thành lập Đảng, chuyển Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4/1930) do đồng chí làm Bí thư.

Từ tháng 5/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí đã cùng đồng chí Trần Phú khảo sát tình hình phong trào công nhân ở Hải Phòng, Quảng Ninh và đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc cho bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo.

Để bổ sung cán bộ lãnh đạo cho Cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, cuối tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử vào tăng cường cho Xứ ủy Trung Kỳ, làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy, trực tiếp phụ trách công tác Tuyên huấn.

Tháng 4/1931, đồng chí bị địch bắt, rồi bị kết án tử hình. Bất lực trước tinh thần bất khuất, ý chí cách mạng kiên trung của Nguyễn Đức Cảnh, sáng ngày 31/7/1932, thực dân Pháp đã sát hại đồng chí trước cửa đề lao Hải Phòng.

Cuộc đời đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam rất to lớn. Đồng chí là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu có những cống hiến quan trọng đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí là một trong những người sáng lập và là nhà lãnh đạo xuất sắc thời dựng Đảng.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Thái Bình

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng của một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã sống và chiến đấu một cuộc đời vô cùng gian khổ và đã anh dũng hy sinh, nêu tấm gương sáng của một người cộng sản kiên trung, bất khuất đối với các thế hệ cách mạng đời sau.

 
GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TA)

"Hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được tổ chức trọng thể trong không khí cả nước đang lập thành tích chào mừng 88 năm Ngày thành lập Đảng và năm mới Mậu Tuất 2018; đồng thời, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ". Cuộc JHội thảo hôm nay vừa để tri ân những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng thời vừa góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng hái thi đua lao động sáng tạo, học tập và công tác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra…", GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Phạm Văn Sinh phát biểu nhấn mạnh: Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không quản ngại gian khổ, hy sinh, trải qua nhiều công việc, đảm nhận nhiều chức trách và luôn có mặt ở những nơi khó khăn, thách thức. Sau khi tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được giao nhiều trọng trách. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Nguyễn Đức Cảnh ngày đêm lăn lộn với phong trào, đến từng cơ sở để tuyên truyền, giáo dục và động viên đảng viên, quần chúng giữ vững niềm tin và bảo vệ Đảng trước sự truy nã, bắt bớ của kẻ thù. Sự có mặt của đồng chí, trên cương vị Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, một địa bàn trọng điểm trong cuộc "khủng bố trắng" của kẻ thù là một minh chứng cho tinh thần chiến đấu, bản lĩnh và ý chí cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh. Tại đây, đồng chí chắp nối liên lạc, gây dựng phong trào, động viên và tổ chức quần chúng đấu tranh. Khi bị địch bắt và tra tấn, Nguyễn Đức Cảnh không hề nao núng, vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng đem hết sức lực, trí tuệ phục vụ cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cách mạng...

 
 Đồng chí Phạm Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TA)

"Tự hào về truyền thống quê hương, noi gương đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng vạn người con của quê hương Thái Bình đã lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và công tác, lập nên những chiến công xuất sắc. Nhiều người con Thái Bình đã ghi vào lịch sử những dấu son chói lọi như: Nguyễn Thị Chiên, Tạ Quốc Luật, Vũ Ngọc Nhạ, Bùi Quang Thận, Hoàng Văn Thái, Phạm Tuân... Ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn và đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang Thái Bình, Đảng, Nhà nước đã trao tặng tỉnh nhiều danh hiệu cao quý… Đến nay, toàn tỉnh có 332.827 người được Nhà nước ghi nhận có công với cách mạng, trong đó có 916 người được công nhận là cán bộ Lão thành cách mạng; 258 người được công nhận là cán bộ Tiền khởi nghĩa; trên 5 nghìn bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng"; trên 100 tập thể, gần 100 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động...", Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Sinh cho biết.

Hội thảo khoa học đã nhận được 45 tham luận của các nhà khoa học về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Trong đó đều khẳng định: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - nhà tiền bối tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam; nhà lãnh đạo xuất sắc phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam; người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng; người con ưu tú của quê hương Thái Bình...

Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Thái Bình là mảnh đất "địa linh nhân kiệt", chính từ trên mảnh đất này tinh thần cách mạng được hun đúc, rèn giũa, phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã được bộc lộ từ rất sớm. Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã sớm giác ngộ tham gia vào cách mạng với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu quật cường cho tới hơi thở cuối cùng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hy sinh khi mới tròn 24 tuổi xuân, tuy thời gian hoạt động cách mạng ngắn ngủi ở độ tuổi đẹp nhất, sôi nổi nhất nhưng đồng chí cũng đã nắm giữ những trọng trách, chức vụ quan trọng của Đảng, của cách mạng. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, chúng ta nguyện học tập tấm gương của một nhân cách cộng sản mẫu mực, kiên trì vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu mạnh theo con đường cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc đã lựa chọn./.

Nhật Minh

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất