Thứ Tư, 9/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 26/7/2010 6:25'(GMT+7)

Đồng đội ơi….

Lần tìm tên đồng đội.

Lần tìm tên đồng đội.

Lời nguyện cầu của các cựu chiến binh được gió cuốn giùm đi, tan trong không trung, lan tỏa vào từng thớ đất, nơi thi thể của những người đồng đội đã hòa sâu vào lòng đất mẹ. 

Hùng vĩ đau thương

Quảng Trị, sau 38 năm kể từ trận đánh khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, hôm nay đang từng ngày từng giờ “thay da đổi thịt” nhưng lần nào trở về mảnh đất này, những bước chân của PGS.TS Hoàng Văn Tần (Đại học Xây dựng), nguyên là chiến sĩ trung đoàn 95 chủ lực thuộc sư đoàn 325 vẫn muốn tìm về mảnh đất máu lửa, nơi ông và đồng đội đã chiến đấu rất oanh liệt để giữ từng mét đất thành cổ. Ông nói: Việc xây dựng hai bến thả hoa hai bên dòng sông là việc làm đúng đắn, bởi đất trong thành cổ không để đủ để xây bia mộ cho những người lính đã ngã xuống trong 81 ngày đêm ấy khi mỗi mét đất là một mét xương máu. Hãy cứ để dòng sông ôm ấp và che chở các anh vào lòng.

Trong những ngày tháng ác liệt đó, địch vãi đạn, pháo như mưa suốt ngày đêm nhằm ngăn cản quân ta tiếp viện vào thành cũng như ngăn cản quân ta đưa thương binh ra hậu cứ. Ông Tần nhớ như in một đêm nhận lệnh đi đón quân tiếp viện. Đứng bên này sông, nghe Đại đội trưởng pháo cối 81 báo điện đàm anh em đã vượt sông. Thế nhưng, ông Tần cứ chờ mãi, chờ mãi. Ba tiếng sau, trong bộ đàm chỉ còn tiếng khóc nghẹn ngào của người đại đội trưởng và cậu lính liên lạc. Hai người duy nhất của đại đội ấy còn sống trong đêm hôm ấy, chỉ chờ quân số sang bờ bên kia đầy đủ sẽ vượt sông sau khi bên này nhận đủ quân số. Giây phút yên lặng bao trùm, dù không nói nhưng ai cũng hiểu, các anh đã nằm lại trong lòng sông Thạch Hãn.

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...





Trong dòng người đông đảo về thăm thành cổ hôm nay, rất nhiều chị, nhiều mẹ, cứ thấy người đàn ông nào mặc chiếc áo lính bạc màu sương gió là tiến tới nắm chặt tay hỏi han, thậm chí ôm hôn. Bà Giang (Bắc Giang) tiến tới hỏi một cựu chiến binh ngực áo đeo đầy huy chương và sau khi biết bác sĩ Nguyễn Tiến Quang từng là lính sư đoàn 325 có mặt trong 81 ngày đêm ở thành cổ đã ôm chầm lấy ông khóc và nói: “Chúc mừng ông, thật may mắn và tài tình khi các ông còn sống sau những gian khổ ác liệt. Cảm ơn ông và những người đã ngã xuống để mẹ con tôi được đứng chân trên mảnh đất đau thương và hùng vĩ ngày hôm nay”.

Theo chân ông Tần, ông Quang ra bến thả hoa bên bờ sông Thạch Hãn, tôi được biết đây là lần thứ tư ông Quang trở lại mảnh đất này nhưng trong thâm tâm ông vẫn như “còn thấy thiếu điều gì đó chưa an lòng”. Bước chầm chậm xuống bờ sông, mồi một điếu thuốc lá, đặt nhẹ nhàng xuống mặt nước, ông nói trong dòng nước mắt: “Đồng đội ơi, Quang lại về đây thăm anh em. Vong linh anh em có linh thiêng hãy phù hộ cho đất nước mình ngày càng phồn vinh ấm no, phù hộ cho những đồng đội may mắn sống sót trở về khỏe mạnh để chúng mình tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước. Riêng Quang, còn sống, còn sức khỏe, Quang còn quay về thăm lại anh em. Anh em hãy yên lòng, Đảng, Nhà nước, nhân dân và chúng mình mãi mãi không bao giờ quên lãng sự hy sinh, mất mát này…”

Từ máu xương hàng vạn người hòa tan nơi đây, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết trong bút ký “Đêm chong đèn nhớ lại” rằng: “Những người lính hy sinh nơi đây không phải để được phong anh hùng và hoa tươi dâng trước mộ. Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên sự ấm no, công bằng và nhân phẩm”.  

Nghẹn ngào nước mắt quyện khói hương

Đối với những cựu chiến binh như ông Ngô Quang Năng, Giám đốc Quỹ Mãi mãi tuổi 20, từng là lính tăng thuộc Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp thì cứ mỗi dịp trở về chiến trường xưa, tìm đúng cái nơi mà đồng đội mình ngã xuống, từng vuốt mắt lần cuối cho đồng đội, thả những bông hoa xuống dòng sông Thạch Hãn, hay lần tìm tên đồng đội giữa ngút ngàn mộ chí, họ đều mong tìm lại những ký ức của mình về một thời sống và chiến đấu oanh liệt. Ông nói: Đối với thế hệ chúng tôi, đó là một nghi lễ không thể thiếu trong quãng đời còn lại, để tâm hồn thanh thản và để sống đẹp hơn với chính bản thân mình, với bạn bè, đồng đội và với cuộc đời”.


Bầu trời nghĩa trang đường 9 hôm nay dường như xanh hơn. Ngay từ sáng sớm, ánh nắng đã chói chang và gay gắt như thiêu đốt, hàng chục đoàn khách đã tới nơi này để tri ân các anh hùng liệt sĩ và dự lễ cầu siêu các anh linh liệt sĩ do Hội Cựu chiến binh Trung ương, Trung ương Hội phật giáo Việt Nam và Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức.

Trong hàng nghìn những bước chân đang chầm chậm tiến về những khu mộ chí kia, liệu có mấy người may mắn tìm được đồng đội, người thân và bạn bè. Hơn 10.000 nấm mộ nơi nghĩa trang này thì có hơn 5.000 ngôi mộ vô danh. Đặc biệt, nằm ở phía đông nam của nghĩa trang là nơi an nghỉ của năm nấm mồ liệt sĩ tập thể, trong đó có hai ngôi mộ chôn chung 80 liệt sĩ chưa biết tên và một ngôi mộ 105 liệt sĩ có tên của các chiến sĩ Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 hy sinh ngày 2-2-1968 tại chiến trường Quảng Trị.

Thắp nén nhang cho những nấm mộ liệt sĩ chưa biết tên, người cựu chiến binh già Nguyễn Ngọc Văn (cựu chiến binh phường Kim Mã, Hà Nội) trăn trở. “Đứng trước hàng nghìn ngôi mộ đồng đội, tôi nhớ đến những người cùng ăn cùng ngủ với mình đêm trước, sớm hôm sau đã hy sinh. Họ giờ nằm đâu trong hàng nghìn nấm mộ vô danh này”. Điều mà ông thật sự cảm thấy được an ủi phần nào khi nghe được cậu thanh niên trẻ Nguyễn Đăng Hùng, quản trang nơi đây nói rằng: Những người chăm sóc các phần mộ luôn quan tâm hơn đối với hàng nghìn ngôi mộ ấy, bởi họ có phần “tủi” so những liệt sĩ khác có gia đình thường xuyên đến hương khói.

Tìm mãi không được đồng đội nào, ông Văn chuyển sang tìm những liệt sĩ đồng hương với mình. Ông bảo để về quê thông báo cho dân làng, biết đâu sẽ có người nhận được tin tức của người thân. Bởi trong những tháng năm gian khổ đánh Mỹ, rất nhiều trường hợp chỉ nhận được giấy báo tử với một thông tin chung chung là chiến trường phía Nam, do vậy có muốn tìm cũng chẳng biết nơi đâu.

Tạm biệt Quảng Trị, tạm biệt nghĩa trang đường 9, thành cổ Quảng Trị, đoàn cựu chiến binh lại quay trở về với cuộc sống thường nhật với những lo toan đời thường. Nhà thơ, cựu chiến binh Đỗ Việt Dũng kịp gửi gắm lại lời tri ân với đồng đội nằm lại bằng những vần thơ mộc mạc, chân tình. Chúng tôi, thế hệ sinh sau chiến tranh, được sống trong hòa bình và no đủ, dẫu vậy vẫn hiểu rằng để có được những câu thơ đi vào lòng người như thế, đó là cả sự chắt chiu trải nghiệm cuộc sống, là sự tri ân của những người còn sống đối với một thế hệ anh hùng:

Để trở thành dũng sĩ

Để trở thành anh hùng

Có cả công của người ngã xuống

Và cả mồ hôi của người làm ruộng

Thì tấm huân chương kia đâu phải của riêng mình


Đến một ngày đâu đó dần quên

Tất cả thành quá khứ

Nhưng chắc chắn mai sau lịch sử

Sẽ tạc chân dung một thế hệ Anh hùng

Tính toàn bộ trong 81 ngày đêm của trận Thành cổ, địch đã dội xuống thị xã (rộng chưa đầy 2 km²) tổng cộng 330.000 tấn bom đạn (tương đương với 7 quả bom nguyên tử do Mỹ từng ném xuống Hiroshima và Nagasaki - Nhật Bản) rải xuống. Trong đó mỗi ngày có từ 70 đến 90 lượt máy bay ném bom B52 tham chiến. Đây là kế hoạch chi viện hỏa lực cao nhất của Mỹ trong một trận đánh.  Với quân số của ta, tính ra mỗi người phải hứng chịu 100 quả bom và 200 quả đạn pháo.

(Theo: Đặng Thanh Hà/ND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất