Tăng trưởng kinh tế quý I vừa qua đạt kỷ lục 7,38% - mức cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2008 đến nay, trong đó có phần đóng góp tích cực của tăng trưởng xuất khẩu.
Trái với một số lo ngại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã bắt nhịp tốc độ tăng cao ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2018, tạo ra khởi đầu lạc quan cho việc thực hiện mục tiêu cả năm bất chấp nhiều thách thức từ thương mại quốc tế.
'
Trong quý I-2018, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, tiếp nối đà tăng từ năm 2017 với tổng giá trị xuất khẩu đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn cả mức tăng 21,1% của cả năm 2017 và gấp gần hai lần so với tốc độ tăng chỉ 12,8% của quý I-2017. Khu vực kinh tế trong nước cũng đã phục hồi tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu với mức tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước – cao gấp rưỡi so với con số tương ứng chỉ 12,1% cùng kỳ năm 2017 trong khi xuất khẩu của khu vực có vốn FDI cũng tăng tới 23,2% (cùng kỳ năm 2017 chỉ tăng 13%).
Ðóng góp vào xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước vẫn chỉ khoảng 27,6% - thậm chí còn thấp hơn cả tỷ trọng 28,1% của khu vực này trong quý I-2017. Theo đó, khu vực kinh tế trong nước vẫn "chìm sâu" trong thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa với 6,3 tỷ USD và chỉ nhờ khu vực FDI xuất siêu tới 7,6 tỷ USD (cùng kỳ năm 2017 xuất siêu 4,16 tỷ USD) cho nên Việt Nam ở vị thế thặng dư cán cân thương mại hàng hóa tới 1,3 tỷ USD, đảo ngược trạng thái thâm hụt 1,9 tỷ USD vào quý I-2017. Do đó, nếu cùng kỳ năm trước, thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ làm giảm 4,42 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung thì ngược lại, quý I năm nay lại đóng góp 1,19 điểm phần trăm.
Cơ cấu hàng xuất khẩu chủ lực được xác lập mấy năm gần đây tiếp tục duy trì và củng cố trong quý I-2018. Nhóm điện thoại và linh kiện xuất khẩu có kim ngạch lên tới 12,3 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả quý, tăng vọt 58,8% so cùng kỳ năm trước. Dệt may vững vàng ở vị trí thứ hai tuy kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng hơn một nửa so với nhóm dẫn đầu và tốc độ tăng cũng chỉ là 12,9%. Xuất khẩu nhóm điện tử, máy tính và linh kiện tăng 13,2%, tuy thấp xa tốc độ tăng kỷ lục 42,3% của cùng kỳ năm trước, song đã đưa nhóm này lên ngang hàng nhóm dệt may với kim ngạch xuất khẩu đều đạt 6,3 tỷ USD trong ba tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu chủ lực có sự dịch chuyển nhất định khi trong quý I vừa qua, Mỹ đã phải nhường vị trí thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam cho EU do xuất khẩu sang EU tăng mạnh tới 19,7% so cùng kỳ năm trước lên 9,8 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng 11,6% đạt 9,6 tỷ USD. Ðặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng vọt tới 46% - hơn cả mức tăng 43,3% cùng kỳ năm 2017 – lên mức 9 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng 674,4% (quý I-2017 cũng tăng tới 115,5%). Xu hướng xuất khẩu sang Trung Quốc cho thấy việc thị trường này sẽ chiếm lĩnh vị trí số 1 của Mỹ và EU chỉ còn là vấn đề thời gian. Thị trường ASEAN không có nhiều thay đổi khi ổn định ở vị trí thứ tư với tỷ trọng 10,3% và tốc độ tăng 13,5%. Thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản có sự hoán đổi vị trí cho nhau do xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 35,8% đạt 4,3 tỷ USD, còn xuất khẩu sang Nhật Bản chỉ tăng 12% đạt mức thấp hơn khoảng 100 triệu USD so với Hàn Quốc.
Xuất khẩu đã khởi động một quý đầu năm 2018 nhiều thuận lợi và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đồng thời tạo đà thúc đẩy xuất khẩu cho cả năm 2018. Triển vọng xuất khẩu phụ thuộc vào nỗ lực cơ cấu lại thương mại, cả cơ cấu hàng hóa, thị trường và nhà xuất khẩu trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức hơn.
Anh Vũ/Nhân dân