GIA SƯ ÁO XANH
Vào mỗi dịp hè, bạn Huỳnh Quý Phương, sinh viên Trường Đại học Sư
phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đều tranh thủ đi làm gia sư, dạy kèm các môn
tiếng Anh, Toán, Ngữ văn cho các em học sinh tại thành phố theo chương
trình “Gia sư áo xanh” do Hội Sinh viên và Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh triển khai.
Quý Phương chia sẻ em muốn đem những kiến thức của mình dạy cho các
em, giúp các em tiến bộ hơn trong học tập. Bên cạnh đó, đây cũng là điều
kiện cho các bạn sinh viên củng cố kiến thức tự rèn luyện bản thân
mình.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên các hoạt
động dạy và học tại nhà của những sinh viên này đang phải tạm ngưng nhằm
đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Được dạy kèm môn Toán, em Huỳnh Bảo Liên, học sinh Trường Trung học
Cơ sở Lê Anh Xuân (quận Tân Phú) cho biết, nhờ có các anh chị gia sư
hướng dẫn, em tiến bộ hơn trong học tập, có thể chủ động tự giải các bài
toán khó. Bên cạnh đó, các anh, chị gia sư còn có thể hỗ trợ em những
kiến thức về Vật lý và Hóa học bổ ích giúp phát triển khả năng sáng tạo.
Các
sinh viên tình nguyện thuộc đội hình Gia sư áo xanh dạy học miễn phí
cho học sinh nghèo tại phường Thảo Điền (thành phố Thủ Đức). (Ảnh: TTXVN)
Theo chị Nguyễn Thị Liễu, phụ huynh một học sinh được chương trình
“Gia sư áo xanh” giúp đỡ, là năm học chuyển cấp nên con gái chị rất cần
được củng cố kiến thức. Nhờ có các sinh viên tình nguyện tận tình dạy
học, hỗ trợ con hệ thống kiến thức nên chị cũng yên tâm phần nào. Chị hy
vọng chương trình ngày càng được nhân rộng hơn để nhiều học sinh được
theo học.
Hiện, chương trình “Gia sư áo xanh” đã linh hoạt về cách thức thực
hiện, trong đó tăng cường dạy trực tuyến để đảm bảo an toàn cho sinh
viên tình nguyện và các gia đình. Theo chị Ông Thị Ngọc Linh - Trưởng
ban Thanh niên trường học, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Thành
phố Hồ Chí Minh, các sinh viên sẽ tăng cường dạy trực tuyến, hỗ trợ học
tập từ xa cho các em để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Đồng thời, các sinh viên tình nguyện sẽ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh
thần cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, các em mồ côi cha, mẹ
hoặc người nuôi dưỡng qua đời do dịch COVID-19.
Sau khi tổng hợp khảo sát, chương trình sẽ kết nối, thành lập nhóm
học tập một sinh viên tình nguyện hướng dẫn 1 - 2 em học sinh trong học
tập; trò chuyện, động viên tinh thần các em.
Trước mắt, sinh viên tình nguyện sẽ hỗ trợ trực tuyến liên tục trong
tuần nhằm giúp các em bám sát chương trình học, tổ chức các sân chơi
trực tuyến, các chuyên đề tư vấn tâm lý; giới thiệu sách, các kênh thông
tin, trang web phù hợp giúp giải tỏa lo lắng, nâng cao sức khỏe tâm
thần cho trẻ. Cùng với đó, chương trình kết nối với phụ huynh học sinh
tư vấn các giải pháp để phụ huynh cùng hỗ trợ học sinh.
Anh Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên
Thành phố Hồ Chí Minh cho biết “Gia sư áo xanh” là môi trường để sinh
viên thể hiện tinh thần xung kích, vì đàn em thân yêu, qua đó góp phần
định hướng cho các em nhỏ về những giá trị sống tốt đẹp.
Đối tượng chương trình hướng đến là các em học sinh thuộc các gia
đình công nhân đang trú tại các khu nhà trọ, khu lưu trú, gia đình khó
khăn trên địa bàn thành phố.
Tính đến thời điểm này, có hơn 300 sinh viên, giáo viên tình nguyện
sẵn sàng đứng lớp, trung bình mỗi lớp có từ 1 - 2 gia sư hỗ trợ. Các gia
sư trẻ đều là những sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao
đẳng trên địa bàn thành phố, đáp ứng điều kiện học lực từ loại khá trở
lên, hạnh kiểm tốt.
Là một trong những tình nguyện viên tham gia chương trình, cô Đinh
Ánh Nguyệt, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Bình Tân (quận Bình Tân),
rất tâm đắc với chương trình. "Đây chính là phần chăm sóc sức khỏe tinh
thần cho các em bị tổn thương do mất người thân trong đợt dịch này.
Chúng tôi sẽ cố gắng gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em để
giúp các em vượt qua cú sốc, giúp cho các em luôn giữ tinh thần vững
vàng", cô Nguyệt chia sẻ.
Đại diện cho nhóm tình nguyện viên hỗ trợ xây dựng chương trình học
của “Gia sư áo xanh”, bạn Hoàng Thị Như Ngọc, sinh viên Trường Đại học
Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chương trình có sự phối hợp với
ngành giáo dục thành phố để triển khai trong hệ thống giáo dục; kết nối
các lực lượng, nguồn lực xã hội để hỗ trợ về vật chất, tinh thần và các
điều kiện cần thiết cho các em trong việc học tập trực tuyến.
Lực lượng tình nguyện tham gia được tập huấn, quán triệt kỹ càng, đảm
bảo các quyền của trẻ em trong quá trình tổ chức thực hiện.
“Tôi và các bạn đều xác định mình không chỉ là người thầy, người cô
hướng dẫn mà sẽ còn là những người anh, người chị luôn theo dõi, đồng
hành cùng các em trong suốt quãng đường sắp tới. Đồng thời, hoạt động
này sẽ góp sức để cùng thành phố chăm lo cho các em thiếu nhi, học
sinh”, bạn Hoàng Thị Như Ngọc nói.
“LỚP HỌC” DÃ CHIẾN TRONG KHU TRÁNH DỊCH
Mỗi ngày, từ 7 giờ đến 17 giờ, nhằm hỗ trợ cho việc học trực tuyến
của các em học sinh, sinh viên, những ghế đá tại sảnh trệt chung cư 1050
tại Phường 12, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, được trưng dụng
làm lớp học.
Cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ các em học trực tuyến tại lớp học dã chiến ở chung cư 1050 (quận Bình Thạnh). (Ảnh: TTXVN)
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, mô hình này được gọi là “lớp học
dã chiến” bởi không có bàn, cũng chẳng có ghế gỗ, chỉ có những chiếc ghế
đá xếp theo hàng ngay ngắn, giữ khoảng cách để học sinh đảm bảo phòng
dịch.
Đây là lớp học cho những học sinh, sinh viên là con của các hộ dân
được chính quyền quận Bình Thạnh di dời từ các khu nhà trọ lụp xụp, nhà
trong hẻm sâu, nhà trên kênh rạch tới sinh sống tạm thời tại đây để
tránh dịch.
Anh Bùi Trường Giang, cán bộ Quận Đoàn quận Bình Thạnh, hiện phụ
trách tại chung cư 1050, cho biết năm học 2021-2022 đã bắt đầu nhưng
nhiều gia đình được chuyển đến đây tránh dịch, không có điều kiện lắp
đặt internet hoặc mua các gói cước 3G, 4G cho con học trực tuyến.
Vì vậy, tổ công tác tại chung cư đã bố trí sảnh trệt của block A làm
một lớp học dã chiến. Để chuẩn bị cho lớp học, ngày 6/9, tổ công tác
cấp tốc cho lắp đặt Internet, lau dọn sảnh và trưng dụng ghế đá xung
quanh để làm thành lớp học này với mong muốn giúp các em thuận tiện hơn
trong việc học trực tuyến.
Sau khi triển khai, có 35 học sinh đăng ký học, trong đó có đủ các
lớp từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông, thậm chí có cả sinh viên
đại học hoặc những người làm việc trực tuyến nhưng không có điều kiện
kết nối Internet.
Theo anh Bùi Trường Giang, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, từ bàn ghế,
tới chiếc quạt gió đều không có nên các em rất vất vả với những ngày
thời tiết nóng bức. Vì vậy, quận đang cố gắng vận động thêm các vật dụng
cần thiết này để giúp các em có một nơi học tập thoải mái hơn.
Do không gian lớp học hạn chế nên các tình nguyện viên và bộ đội sẽ
thay các phụ huynh giám sát, hỗ trợ các em học sinh học tập. Theo đó,
mỗi học sinh có thời khóa biểu và thời gian học khác nhau nên lớp thường
chỉ dao động từ 15 đến 20 em.
Anh Nguyễn Hoài Nam, học viên Trường Sỹ quan Lục quân 2, cho biết từ
khi năm học mới bắt đầu, ngoài những công việc được giao như đi chợ hộ,
phát túi an sinh, anh cũng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh học trực tuyến tại lớp học dã chiến.
Do lớp học hạn chế người nên các chiến sỹ, bộ đội sẽ thay phụ huynh
kiểm tra, theo dõi các em học sinh trong quá trình học tập đồng thời có
thể hỗ trợ các em giải toán, học tiếng Việt, tiếng Anh...
Bên cạnh đó, đây còn là hoạt động rất ý nghĩa giữa lúc dịch bệnh vẫn
còn diễn biến căng thẳng. Hoạt động này sẽ giúp các học sinh nắm bắt kịp
thời bài giảng của thầy cô, có được kiến thức nền hỗ trợ các em, khi
hết dịch vào học trực tiếp không bỡ ngỡ.
Ngồi học môn Toán, em Phạm Ngọc Gia Hân (học sinh lớp 3, Trường Tiểu
học Nguyễn Thái Bình, Quận 1) chăm chú nghe thầy giảng bài qua chiếc máy
tính bảng, giọng thầy giáo có lúc trong vắt có lúc ngắt quãng do đường
truyền. Lâu lâu anh bộ đội lại vỗ vào lưng nhắc cô bé ngồi thẳng lưng,
không để mắt vào gần màn hình.
“Em rất thích học ở lớp học dã chiến vì ở đây được các chú bộ đội
giảng bài, những khi thầy giảng em không hiểu, liền có chú giải thích.
Em thấy tiếp thu bài dễ hơn, các chú còn dùng tấm bìa quạt cho em đỡ
nóng...”, em Gia Hân nói.
Còn em Nguyễn Trần Tiến học sinh lớp 7, Trường Trung học Cơ sở Rạng
Đông, quận Bình Thạnh, cho biết em theo gia đình đến đây để tránh dịch
nên nhà không có wifi, sách giáo khoa đến nay vẫn chưa có. Em rất vui và
cảm ơn các anh chị, cô chú đã tạo điều kiện để chúng em được học trực
tuyến và theo kịp bạn bè trong lớp.
“Năm học mới tuy phải thích nghi với điều kiện học tập mới nhưng em
vẫn tin và mong rằng dịch bệnh sớm qua đi để em được đến trường tiếp thu
bài học dễ dàng hơn, đồng thời thực hiện những kế hoạch học tập, thi cử
trong tương lai”, em Trần Tiến chia sẻ.
Nhiều phụ huynh đang ở tạm chung cư này để tránh dịch đã không giấu
được niềm vui khi nhờ có lớp học này, vơi bớt đi nỗi lo từng khiến họ
“vò đầu bứt tai” vì con học trực tuyến.
Theo chị Trần Thị Bích Liên (29 tuổi), phụ huynh em Trần Liên Hoa,
học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Bình Hòa, thời điểm năm học mới bắt đầu
là lúc chị khá căng thẳng vì không biết chuyện học của con sẽ đến đâu.
Nhất là khi chẳng đủ điều kiện để trang bị được đường truyền internet
giúp con học trực tuyến.
“Những ngày dịch còn phức tạp, may mắn có lớp học ở sảnh này, cứ đến
giờ, con tôi lại xuống khu vực sảnh trệt, được các chú bộ đội kèm cặp
nên việc học của con trở nên dễ dàng hơn. Không những bản thân tôi nói
riêng mà những phụ huynh ở tạm chung cư này nói chung rất vui mừng vì
bớt đi phần nào nỗi lo con không theo sát được bài giảng của thầy cô” ,
chị Trần Thị Bích Liên nói.
Dù không có giáo viên đứng lớp, không bàn ghế, không bảng viết, thế
nhưng lớp học dã chiến “3 không” này vẫn đều đặn được mở hằng ngày. Phụ
huynh vì thế cũng an tâm hơn khi con họ có được điều kiện học tập theo
đúng lộ trình giữa tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp./.
Thu Hương-Hồng Giang (TTXVN)