Tỷ lệ mắc mới trong cộng đồng giảm mạnh, số ca tử vong giảm, số bệnh
nhân được xuất viện tăng... là những tín hiệu tích cực trong công tác
kiểm soát lây nhiễm, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
LINH HOẠT CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 SAU NGÀY 30/9
Chiều 27/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức
Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã
làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về dự thảo Chỉ thị Điều
chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả
dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố sau
ngày 30/9.
Dự thảo Chỉ thị xác định bắt đầu từ 00 giờ 00, ngày 1/10, thành phố
thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được
đánh giá theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm
soát có hiệu quả với dịch COVID-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng,
chống dịch COVID-19.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đều tán thành việc thành phố chủ động
đề xuất dự thảo Chỉ thị Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn,
linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, xã hội
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 30/9.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn khiến cho
dịch có thể diễn biến phức tạp, như: việc người dân từ thành phố trở về
nhà dễ lây lan dịch bệnh tại các địa phương; việc ùn tắc tại các chốt
của ngõ ra vào thành phố; người dân ở các tỉnh, thành trở về thành phố
trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long còn hạn
chế...
Nhân viên y tế trạm y tế lưu động phường 25, quận Bình Thạnh cấp phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà. (Ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để tiếp tục giải quyết những khó
khăn trên, Thành phố phải tính đến việc tác động liên vùng, phải đề nghị
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, chủ trì cuộc họp với các tỉnh Đồng bằng
Sông Cửu Long để thống nhất biện pháp giải quyết tình huống ùn ứ khi
Thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng.
Thành phố cũng phải tính đến việc lo đồng bộ việc làm, nơi ở, an sinh
và vaccine để “giữ chân” người lao động từ các địa phương ở lại thành
phố làm việc; tuyên truyền để bà con hiểu đây cũng là biện pháp tốt để
mọi người không mang “cái khó khăn” về gia đình và địa phương; đồng thời
phải gắn trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch đối với mỗi người lao
động, doanh nghiệp.
Sau nới lỏng nên có hướng dẫn việc duy trì trạm y tế lưu động; tăng
cường kiểm soát các chốt ra vào tỉnh; đảm bảo nới lỏng an toàn từng bước
chắc chắn, với mục tiêu là phải kiểm soát được dịch bệnh; mở sản xuất
để phục hồi kinh tế, nhưng người dân vẫn phải thực hiện tốt phòng, chống
dịch; lập bản đồ tới từng khu phố để quản lý dịch bệnh tới từng hộ gia
đình...
Thành phố cần tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, sớm công bố Chỉ thị.
Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh
hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19 trên cơ sở tham khảo tài
liệu, kinh nghiệm của hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện “mở cửa”.
Hướng dẫn bao gồm các chỉ số để đánh giá và các biện pháp thực hiện
theo các cấp độ nguy cơ; theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp khi
triển khai tại cấp xã, phường, thị trấn; bám sát việc triển khai theo hệ
thống chính trị để có sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt trong tổ chức thực
hiện.
NHỮNG TÍN HIỆU TÍCH CỰC
Tỷ lệ mắc mới trong cộng đồng giảm mạnh, số ca tử vong giảm, số bệnh
nhân được xuất viện tăng... là những tín hiệu tích cực trong công tác
kiểm soát lây nhiễm, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Thành phố Hồ
Chí Minh những ngày qua.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19
Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thành phố hiện đang điều trị 38.659 bệnh
nhân. Mặc dù số ca mắc mới vẫn ở mức 3.000-4000 ca/ngày do thành phố
đang tích cực xét nghiệm, nhưng các chỉ số về điều trị cho bệnh nhân
COVID-19 những ngày gần đây đều rất khả quan.
Cụ thể, số ca nhập viện trong ngày 26/9 đã thấp hơn số ca được xuất
viện, số ca bệnh nặng phải chuyển tầng điều trị giảm, số ca tử vong cũng
giảm, hiện ở mức 120 người/ngày.
Hai bệnh viện cấp quận, huyện là Bệnh viện Đa khoa quận 7 và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi đã chuyển dần các bệnh nhân COVID-19 sang các bệnh viện dã chiến khác tiếp tục điều trị, từng bước “xanh
hóa” bệnh viện và có thể khôi phục chức năng khám chữa bệnh thông thường
từ đầu tháng 10.
Với tín hiệu số lượng bệnh nhân COVID-19 phải cách ly tập trung,
điều trị tại bệnh viện giảm xuống, thành phố sẽ xem xét thu gọn các
bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến quận/huyện đang thu dung điều trị
bệnh nhân COVID-19 cũng sẽ sớm được khôi phục chức năng để tiếp nhận
khám chữa bệnh thông thường cho người dân./.
TTXVN