Thứ Tư, 25/9/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 1/12/2012 21:29'(GMT+7)

Động lực cho khát vọng lớn lao

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Đây có thể coi là thành tựu bước đầu vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài và gian khổ của Pa-le-xtin suốt mấy chục năm qua để thành lập một nhà nước độc lập. Cơ hội lớn đang mở ra cho một dân tộc có lãnh thổ, có chính quyền nhưng vẫn đang phải vất vả đấu tranh để được công nhận là một nhà nước.

Có 138 nước bỏ phiếu thuận, 41 nước bỏ phiếu trắng và 9 nước bỏ phiếu chống. Kết quả này có ý nghĩa động viên, khích lệ tinh thần to lớn đối với người dân Pa-le-xtin khi sự nghiệp chính nghĩa của họ nhận được sự ủng hộ của đa số các nước trên thế giới. Nó cũng là một bằng chứng sinh động cho tình đoàn kết quốc tế trong bối cảnh thế giới ngày nay đang bị chi phối bởi nhiều toan tính lợi ích. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi cuộc bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết nói trên diễn ra đúng vào Ngày Quốc tế đoàn kết với nhân dân Pa-le-xtin (29/11). Nhân dân Pa-le-xtin đã có thêm nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự nghiệp chính đáng để biến khát vọng độc lập trở thành hiện thực trong tương lai.

Nhưng vẫn còn hàng núi thách thức và chông gai mà Pa-le-xtin phải vượt qua trên con đường đi tìm một nhà nước cho mình. Năm ngoái Pa-le-xtin đã không thành công khi đề nghị được công nhận là thành viên chính thức của LHQ, bị ngáng trở bởi lá phiếu phủ quyết của Mỹ tại Hội đồng Bảo an LHQ. Lần đề nghị nâng cấp quy chế ở Đại hội đồng LHQ này của Pa-le-xtin cũng bị Mỹ bỏ phiếu chống. Hai lần chống đối của Mỹ cho thấy Oa-sinh-tơn không dễ gì công nhận một nhà nước Pa-le-xtin nếu không tuân thủ những điều kiện ràng buộc của Oa -sinh-tơn. Đó là một nhà nước Pa-le-xtin được thành lập phải thông qua đàm phán trực tiếp giữa Pa-le-xtin với I-xra-en, một đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en vẫn bế tắc triền miên bởi vòng xoáy bạo lực và thiếu các động thái xây dựng lòng tin. Vấn đề lãnh thổ và Đông Giê-ru-xa-lem mới chỉ là hai trong số những vấn đề gai góc nhất mà Pa-le-xtin và I-xra-en cần giải quyết để đi tới hòa bình. I-xra-en kịch liệt phản đối các động thái đơn phương của Pa-le-xtin tại LHQ nhằm thành lập một nhà nước, thậm chí đe dọa rút khỏi Hiệp ước hòa bình ô-xlô ký năm 1993 giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Sau khi Pa-le-xtin được LHQ nâng cấp quy chế thành nhà nước quan sát viên, Bộ trưởng Quốc phòng I-xra-en ê-út Ba-rắc (Ehud Barak) tuyên bố ám chỉ sẽ không có đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Pa-le-xtin với I-xra-en một khi Pa-le-xtin có các hành động đơn phương trên vũ đài quốc tế.

Những trở lực lớn khiến thành công của Pa-le-xtin ở LHQ lần này khó có thể sớm mang lại độc lập cho Pa-le-xtin. Song quy chế nhà nước quan sát viên phi thành viên, dù chỉ mang tính biểu tượng, cũng sẽ mang lại giá trị chính trị và pháp lý quốc tế nhiều hơn cho Pa-le-xtin. Quy chế cho phép Pa-le-xtin có quyền tiếp cận với các tổ chức hay hiệp định quốc tế, như Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), Hiến chương Giơ-ne-vơ thứ tư về bảo vệ dân thường. Lịch sử xung đột Pa-le-xtin - I-xra-en cho thấy súng đạn không thể làm cho hai đối thủ chung sống hòa bình. Vì vậy, sáng kiến của Tổng thống áp -bát tìm kiếm tư cách nhà nước thông qua diễn đàn đa phương LHQ có thể coi là một vũ khí đấu tranh mới của Pa-le-xtin nhằm gây sức ép lên nhà nước Do Thái. Pa-le-xtin có thể sẽ đệ đơn kiện I-xra-en vi phạm các tội ác chiến tranh, chiếm đóng lãnh thổ trái phép lên ICC. Nó cũng giúp Pa-le-xtin tạo thế cân bằng hơn trên bàn đàm phán với I-xra-en.

Hơn nữa, động thái của Pa-le-xtin tìm kiếm sự ủng hộ của LHQ mặc dù bị chỉ trích là đơn phương, nhưng trong bối cảnh các nỗ lực trung gian nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình khu vực đang ngày càng yếu ớt và kém hiệu quả, còn đàm phán song phương với I-xra-en “đóng băng”, bước đi của Pa-le-xtin là cần thiết để tạo bước đột phá.

Sáng kiến của Tổng thống Ma-mút áp-bát là một bước đi lịch sử và táo bạo của Pa-le-xtin trong nỗ lực tìm kiếm sự công nhận của thế giới. Nó cũng cho thấy khát vọng độc lập cháy bỏng và ý chí đấu tranh kiên cường vì mục tiêu độc lập của dân tộc Pa-le-xtin. Sáng kiến này đã vấp phải những cảnh báo rằng Pa-le-xtin sẽ phải trả giá đắt về kinh tế vì Mỹ cùng một số nước phản đối Pa-le-xtin độc lập đã đe dọa cắt viện trợ nếu Pa-le-xtin tiếp tục tìm kiếm tư cách thành viên đầy đủ của LHQ. Trong khi I-xra-en cũng đe dọa sẽ siết chặt hơn vòng kiềm tỏa đối với kinh tế Pa-le-xtin. Nhưng Pa-le-xtin chấp nhận và quyết tâm theo đuổi giải pháp đã lựa chọn bởi rõ ràng không có gì đánh đổi được độc lập, tự do./.

(Mỹ Hạnh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất