Thứ Sáu, 20/9/2024
Thế giới
Thứ Năm, 18/4/2019 17:2'(GMT+7)

Đồng minh “quay lưng”

Xe tăng Ai Cập tham gia cuộc tập trận quân sự mang tên “Lá chắn Arab” cùng quân đội 5 quốc gia Arab khác. (Ảnh: Getty Images).

Xe tăng Ai Cập tham gia cuộc tập trận quân sự mang tên “Lá chắn Arab” cùng quân đội 5 quốc gia Arab khác. (Ảnh: Getty Images).

MESA còn được biết đến là “NATO Arab”, khối liên minh mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã âm thầm thúc đẩy với các thành viên dự kiến bao gồm: Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Qatar, Oman, Ai Cập và Jordan, để đối phó - theo quan điểm của Washington - với sự "bành trướng" của Iran trong khu vực.

Theo các quan chức Mỹ và Arab, liên minh này được lên kế hoạch trong một nỗ lực mở rộng hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố, phòng thủ tên lửa và huấn luyện quân sự, nhằm giải quyết các thách thức an ninh do Iran và các nhóm thân Iran tạo ra.

Về lý thuyết, một liên minh như vậy có thể giúp Mỹ san sẻ các gánh nặng ở Trung Đông, đồng thời cho phép Washington chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga ở khu vực này. Thậm chí, ý tưởng “NATO Arab” còn được kỳ vọng sẽ giúp mang lại sự ổn định chiến lược cho khu vực “chảo lửa”.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng loạt động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump tại Trung Đông có lẽ đã khiến một số quốc gia thành viên dự kiến của MESA có cái nhìn khác đối với mục tiêu của Washington.

Những động thái của Tổng thống Donald Trump tại Trung Đông năm 2018 có thể nói đã đảo ngược hầu hết chính sách của các chính quyền tiền nhiệm, từ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv về đây - biện pháp được coi là trái với giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột Israel-Palestine, đến “khai tử” thỏa thuận hạt nhân lịch sử, áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran, quyết định rút quân khỏi Syria, hay gần đây nhất là công nhận chủ quyền của Tel Aviv đối với Cao nguyên Golan.

Không chỉ gây tranh cãi, những bước đi của Tổng thống Donald Trump tại Trung Đông khiến các đồng minh “đứng ngồi không yên”. Không ít chỉ trích cho rằng chính sách của Nhà Trắng đối với Trung Đông hiện không còn mang tầm nhìn dài hạn, bỏ mặc các đồng minh. Một chính quyền Mỹ "thất thường" cũng dần đánh mất vai trò một đối tác đáng tin cậy trong mắt các đồng minh của Washington ở Trung Đông.

Thế nên chẳng có gì lạ khi Ai Cập quyết định rút chân khỏi MESA với lý do e ngại liên minh “NATO Arab” có thể bỗng chốc biến mất nếu một nhà lãnh đạo khác kế nhiệm ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Với vị trí cường quốc quân sự hàng đầu châu Phi và đứng thứ 12 trên thế giới, việc Ai Cập quay lưng với MESA là một tín hiệu chẳng lành với tương lai thành lập “NATO Arab”, đặc biệt trong bối cảnh việc hiện thực hóa ý tưởng này của Mỹ vẫn là một chặng đường gian nan với rất nhiều chông gai phía trước. Nói vậy là bởi ngay từ khi ý tưởng về liên minh quân sự này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2017, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về khả năng hình thành của nó khi nhìn vào danh sách dự kiến các thành viên MESA.

Không giống như các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập trên cơ sở những lợi ích chung hoặc cùng xuất phát từ mục tiêu đối phó với tầm ảnh hưởng của Liên Xô, các quốc gia do người Sunni lãnh đạo mà chính quyền của ông Donald Trump hy vọng gia nhập liên minh mới không hề đồng lòng nhất trí đối với những vấn đề cơ bản nhất, bao gồm cả mối quan hệ với Iran.

Trong khi Saudi Arabia và UAE coi Tehran là kẻ thù lớn nhất, thì Kuwait và đặc biệt là Oman về lịch sử đã tận hưởng hòa bình và có nhiều giai đoạn hợp tác gần gũi với Iran. Trong khi Muscat đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán bí mật giữa các quan chức Iran và Mỹ để cuối cùng dẫn tới thỏa thuận hạt nhân lịch sử được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), thì Saudi Arabia, UAE và Bahrain nhất quyết phản đối JCPOA. Còn các quốc gia như Ai Cập và Jordan vẫn luôn giữ thái độ trung lập.

Ngoài tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, sự rạn nứt nội bộ giữa các thành viên tiềm tàng cũng là một trở ngại lớn cho việc hình thành và hoạt động hiệu quả của liên minh “NATO Arab”. Sự đối đầu gay gắt giữa UAE, Saudi Arabia và Bahrain chống lại Qatar thậm chí đã khiến giới chuyên gia dự đoán ý tưởng thành lập liên minh này sẽ thất bại ngay từ trong trứng nước.

Trên tờ Newsweek, nhà phân tích của Geopolitical Futures Xander Snyder cho rằng, Cairo hoàn toàn có lý do cảnh giác khi gia nhập vào một ý tưởng mạo hiểm như “NATO Arab”. Trong bối cảnh sự can thiệp quân sự của Saudi Arabia vào Yemen và một số quốc gia vùng Vịnh vào Syria tỏ ra không mấy thành công, Ai Cập chắc chắn sẽ lo ngại việc bị kéo vào một cuộc chiến “lợi ít, hại nhiều” với Iran.

Bởi vậy, lý do Ai Cập rút khỏi MESA do lo ngại làm tổn hại quan hệ với Tehran là hoàn toàn có thể hiểu được.

Tuy nhiên, một số nguồn tin cũng cho biết kế hoạch thành lập MESA vẫn đang được xúc tiến và các nước thành viên dự kiến của liên minh nhiều khả năng sẽ cố gắng gây áp lực với Cairo, buộc quốc gia này thay đổi quyết định. Sự góp mặt của Ai Cập trong MESA được cho là sẽ phụ thuộc vào những diễn biến sắp tới của tình hình khu vực và kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020./.

Ngọc Hân (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất