Thứ Năm, 19/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Bảy, 4/8/2018 10:48'(GMT+7)

Đồng Nai: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền ở cơ sở

Phần thi đội tuyên truyền măng non tài năng của Đội tuyên truyền măng non khối tiểu học của huyện Xuân Lộc

Phần thi đội tuyên truyền măng non tài năng của Đội tuyên truyền măng non khối tiểu học của huyện Xuân Lộc

Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, từ các hội nghị triển khai quán triệt nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở, cổ động trực quan bằng pa nô, khẩu hiệu, băng rôn, văn hóa, văn nghệ,... Các cấp ủy đảng trực thuộc tỉnh đã thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhằm tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền ở cơ sở. Gắn công tác tuyên truyền với tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn để kịp thời phản ánh, tham mưu nội dung giải quyết với cấp ủy.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 4.000 báo cáo viên các cấp, trong đó, báo cáo viên và tuyên truyền viên cơ sở có 3.897 đồng chí. Công tác tuyên truyền và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở đã có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, kết quả triển khai quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ở các tổ chức đảng đạt 98% trở lên; quán triệt, tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân đạt 85% trở lên.

Nội dung tuyên truyền đã bám sát thực tiễn, đối tượng, bám sát các sự kiện chính trị và các chủ đề trọng tâm, trọng điểm về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng quốc phòng - an ninh; biểu dương, cổ vũ những nhân tố mới, những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” trong các phong trào thi đua yêu nước, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền ở cơ sở được nâng lên rõ rệt, nội dung thông tin luôn được đổi mới, phong phú, vừa chuyên sâu, vừa có tính toàn diện đã góp phần tạo sự thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. 

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác tuyên truyền ở cơ sở hiện nay còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó. Việc nắm bắt tình hình, định hướng dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời.

Những hạn chế này đã dẫn đến nhiều vụ việc người dân tụ tập yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối, tụ tập đông người, làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật... nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, tái định cư khi thu hồi đất trên địa bàn.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, nhất là công tác tuyên truyền ở cơ sở trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp ủy cần tập trung một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội nhất quán trong nhận thức và trong chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là công tác tuyên truyền ở cơ sở, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, đơn vị và trong toàn Đảng bộ. Kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, chỉ đạo, định hướng đúng đắn các nội dung tuyên truyền sát đúng với thực tiễn ở cơ sở, nhất là các vụ việc nổi cộm, “điểm nóng” trên địa bàn. Duy trì sinh hoạt, cung cấp tài liệu tuyên truyền, quản lý đội ngũ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, có chế độ, chính sách phù hợp để cán bộ tuyên truyền của cơ sở tích cực hoạt động, thu hút được đông đảo lực lượng ở cơ sở tham gia công tác tuyên truyền.  

Thứ hai, các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo xây dựng, quản lý và chỉ đạo công tác tuyên truyền, ưu tiên cho cơ sở, đầu tư trang bị phương tiện, công nghệ thông tin, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở hoạt động có hiệu quả.

Tiếp tục thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở theo hướng nâng cao chất lượng, lựa chọn những đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực, có kỹ năng, phương pháp tuyên truyền và có uy tín trong nhân dân làm công tác tuyên truyền; tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng tuyên truyền ở cơ sở như: cấp ủy viên, ban chấp hành các đoàn thể, tuyên truyền viên, cán bộ, đảng viên, trưởng ấp, khu phố, tổ trưởng tổ nhân dân, khu dân cư...

Thứ ba, tiếp tục đổi mới hình thức công tác tuyên truyền theo hướng thông tin hai chiều, tăng cường đối thoại, sử dụng có hiệu quả các phương tiện như sách, báo, tài liệu tuyên truyền chính thống của Đảng và Nhà nước ta; các phương tiện thông tin đại chúng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ; hệ thống giáo dục; bảo quản và sử dụng có hiệu quả các phương tiện trực quan, các di tính lịch sử, văn hóa, tượng đài; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền.

Ban Tuyên giáo cấp huyện và cơ sở nên kết hợp, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt ấp, khu phố, tổ nhân dân hay sinh hoạt đoàn thể để cung cấp tài liệu, thông tin tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Về nội dung tuyên truyền, cần biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực, tập trung tuyên truyền về các nghị quyết, chỉ thị, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương. Thông tin có định hướng tình hình thời sự địa phương, trong nước và quốc tế. Tiến hành các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhân các ngày kỷ niệm và các đợt sinh hoạt chính trị lớn của đất nước và địa phương.

Tuyên truyền giáo dục truyền thống dân tộc và truyền thống đấu tranh cách mạng của đất nước và của địa phương. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức mới, quy trình công nghệ mới trong sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, cổ động về những thành tựu chính trị, kinh tế, xã hội... của đất nước và của địa phương, cơ quan, đơn vị; những thuận lợi và khó khăn, những kinh nghiệm và bài học trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan đơn vị, địa phương.

Tuyên truyền, giáo dục về người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến, thúc đẩy các phong trào thi đua ở cơ sở gắn với tuyên truyền thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về đạo đức, lối sống, nếp sống... góp phần xây dựng con người mới, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa và nền văn hóa mới ở địa phương.

Tuyên truyền nâng cao cảnh giác, đấu tranh chống âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận, làm mất an ninh trật tự ở địa phương; chống quan liêu, tham nhũng, tệ nạn xã hội; phê phán những thói hư, tật xấu tại cơ sở. 

Thứ tư, Ban Tuyên giáo các cấp ủy thường xuyên kiểm tra, kịp thời động viên, khen thưởng cá nhân, tập thể điển hình, nhân rộng những cách làm, mô hình hay trong công tác tuyên truyền; kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm đến chế độ chính sách đối với chức danh Phó trưởng ban Tuyên giáo cơ sở, được hưởng lương, chế độ ổn định họ sẽ an tâm công tác lâu dài; đồng thời có chế độ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, bởi đây chính là lực lượng quan trọng và trực tiếp quyết định tới chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền tới từng đối tượng cụ thể và tới nhân dân ở cơ sở.

Thứ năm, toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên làm công tác tuyên truyền gắn với làm công tác dân vận; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền, nhất là các chương trình, kế hoạch, các dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của địa phương; tuyên truyền đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Đảng, nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Công tác tuyên truyền có vai trò, vị trí quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội. Trong xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác tuyên truyền ở cơ sở càng có vai trò quan trọng, cần được ưu tiên, đầu tư để các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương được đi vào thực tế cuộc sống, để người dân biết, hiểu, đồng thuận thực hiện. 

Lê Thị Tuyết
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất