Thứ Ba, 1/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 20/7/2011 16:19'(GMT+7)

Đồng Tháp: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau một năm thực hiện

Khách chọn mua hàng may mặc Việt Nam tại siêu thị Vinatex Cao Lãnh

Khách chọn mua hàng may mặc Việt Nam tại siêu thị Vinatex Cao Lãnh

Cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam các cấp, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động (CVĐ) cũng được nhanh chóng thực hiện dưới nhiều hình thức: biểu diễn các tiểu phẩm chủ đề “Người Việt dùng hàng Việt” phục vụ nhân dân của Trung tâm văn hoá các huyện, thị xã, thành phố; nhiều chuyên mục, điển hình “Người Việt dùng hàng Việt” thông qua các chương trình phối hợp giữa Đài phát thanh truyền hình Đồng Tháp với các doanh nghiệp, Đài Trung ương, Đài khu vực; thành lập 9 Câu lạc bộ “Người tiêu dùng” trong đối tượng nữ cán bộ, công chức, với 223 thành viên tham gia, thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của Cuộc vận động. Một số tổ chức thành viên như Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã lồng ghép nội dung của CVĐ trong chương trình công tác năm, bổ sung thành một nội dung, tiêu chí trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đến nay, đã tổ chức được 56 cuộc, với 2.189 lượt cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức tham dự, tuyên truyền đến toàn thể nhân dân được 10.024 cuộc với trên 614.000 người tham dự.

Trong tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo cấp Tỉnh, Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại và Đầu tư Tỉnh, huyện Châu Thành, Lai Vung, Tân Hồng, Tháp Mười và Lấp Vò phối hợp tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, mỗi phiên chợ diễn ra từ 2 đến 3 ngày, có trên 40 công ty, doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tham gia, thu hút được trên 12.000 lượt người đến tham quan, mua sắm tại mỗi phiên chợ.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp với Công ty CP Thương mại và Dịch vụ hàng Việt tổ chức Hội chợ nông sản - sản phẩm làng nghề miền Nam tại thành phố Cao Lãnh, diễn ra trong 4 ngày, thu hút được 309 gian hàng triển lãm của 155 đơn vị đến từ 19 tỉnh, thành tham dự. Hội chợ không chỉ là nơi mua bán hàng hoá nông sản, sản phẩm làng nghề, mà còn là nơi kết nối các yếu tố của chuỗi giá trị nông sản, sản phẩm làng nghề thông qua chương trình “Tháng hành động và chia sẻ kinh nghiệm vì nông sản, đặc sản Việt Nam”.

Tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, một số đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, các nhà vườn, nhà khoa học tổ chức nhiều buổi toạ đàm nhằm giúp các hợp tác xã, nhà nông, nhà vườn giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và các doanh nghiệp giới thiệu hoạt động của mình, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.

Thông qua công tác tuyên truyền và các bước triển khai của Ban Chỉ đạo CVĐ, bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức và tính tự giác của các cấp, các ngành. Có thể nói, qua quá trình triển khai CVĐ, các cơ quan, đơn vị khối nhà nước khi trang bị, mua sắm tài sản công đã ưu tiên lựa chọn những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là hàng nội địa; người tiêu dùng đã bắt đầu có sự đắn đo, so sánh giữa giá cả và chất lượng của hàng Việt Nam so với hàng ngoại nhập để mua sắm phù hợp với thu nhập; tâm lý “sính” hàng ngoại không còn là mốt mua sắm của người tiêu dùng như trước đây. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động thực hiện CVĐ, các cơ quan chức năng đã làm tốt hơn công tác ngăn chặn chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, khu vực biên giới… tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng.

Việc tổ chức quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao được thực hiện tốt, đa dạng về mẫu mã, giá cả phù hợp, nên tạo được sự đồng tình và hưởng ứng mua sắm của đa số người dân. Một số sản phẩm lợi thế của địa phương bước đầu đã xây dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước chấp nhận như: nem và quýt hồng Lai Vung, các sản phẩm từ bột của Sa Đéc, nhãn, xoài, khoai lang của huyện Cao Lãnh, Châu Thành, khô cá lóc của Tam Nông, khô trâu của huyện Tân Hồng…


Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là nội dung mới, phạm vi ảnh hưởng rộng đối với đời sống của mọi tầng lớp nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế. 

Theo đánh giá nhận định bước đầu, công tác triển khai thực hiện còn chậm so với yêu cầu, việc phối hợp tổ chức ở một số ngành chức năng và huyện, thị, thành phố chưa được thường xuyên, liên tục. Song với chủ trương chung và quyết tâm thực hiện, trong năm 2011 và những năm tiếp theo Ban Chỉ đạo CVĐ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung của Cuộc vận động; bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, đảm bảo cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện Cuộc vận động đạt kết quả, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tạo ra sự đồng thuận hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động, góp phần thực hiện tốt chủ trương hợp lòng dân của Bộ Chính trị.

Phạm Ngọc Hân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất