Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 14/3/2013 22:41'(GMT+7)

Đồng Tháp dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012. (Ảnh: Vietnam+)

Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012. (Ảnh: Vietnam+)

Theo đó, Đồng Tháp đã vượt lên dẫn đầu chỉ số PCI năm 2012 dựa trên khảo sát cảm nhận của lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Các vị trí kế tiếp là An Giang và Lào Cai (quán quân của bảng xếp hạng năm ngoái).

Kết quả năm nay cho thấy nhiều bất ngờ từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, với Đồng Tháp vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng đồng thời hai tỉnh Bình Định (3) và Vĩnh Long (4) tụt hạng năm ngoái, nay vươn lên trở lại vào tốp 5 tỉnh dẫn đầu. Trong khi, các địa phương luôn dẫn đầu những năm trước như Bình Dương (19) và Đà Nẵng (12) lại có sự sụt giảm rõ rệt về thứ hạng.

Theo Báo cáo, chỉ số điều tra năm nay cho thấy xu hướng sụt giảm đáng kể về chất lượng điều hành nói chung. Hiện, điểm số của tỉnh vị trí hạng trung hiện giảm từ 59,15 điểm trong năm 2011 xuống còn 56,2 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất kể từ khi chỉ số PCI được hiệu chuẩn lại vào năm 2009. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên không một tỉnh nào trong cả nước đạt ngưỡng 65 điểm của nhóm rất tốt.

Được biết, ngoài việc nêu bật những lĩnh vực cải thiện, như giảm chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hành chính, chỉ số PCI 2012 cũng phân tích chi tiết các lĩnh vực điều hành cần cải thiện, dựa trên các bằng chứng thực nghiệm. Theo kết quả điều tra, doanh nghiệp giảm niềm tin và ít sử dụng các thiết chế pháp lý địa phương để giải quyết tranh chấp, ít sử dụng và chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều cho biết có cảm nhận kém lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh so với các năm trước. Cụ thể, sự lạc quan của các doanh nghiệp đã giảm từ 76% trước thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xuống mức thấp kỷ lục là 33% vào năm 2012.

Tuy nhiên chính quyền địa phương với tinh thần hỗ trợ khu vực tư nhân sẽ góp phần xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Tính toán trong báo cáo chỉ ra, các địa phương có lãnh đạo chính quyền năng động, tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi cao hơn 8%, tỷ lệ báo lỗ thấp hơn 5% và tỷ lệ doanh nghiệp dự định mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới cao hơn 3%.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh, “như đã chỉ ra trong báo cáo năm nay, chỉ số PCI tiếp tục là công cụ quan trọng giúp chính quyền cấp tỉnh hiểu rõ hơn về hiệu quả điều hành kinh tế cũng như khuyến khích cách thức cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tạo việc làm và phát triển kinh tế. Việc nghiên cứu PCI sẽ cung cấp một số ý tưởng và định hướng giúp ích cho các nhà hoạch định chính sách nhằm đưa Việt Nam vươn lên một tầm phát triển mới.”

Ông Lộc cũng cho biết, ngày càng có nhiều tỉnh, thành phố tham khảo dữ liệu chỉ số PCI để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế xã hội tại địa phương, đặc biệt giúp xây dựng chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trong việc tạo lập môi trường chính sách thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ số PCI năm nay phản ánh cảm nhận của hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh trên khắp 63 tỉnh thành toàn quốc về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại địa phương họ đang hoạt động./.

(Theo: Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất