(TG) - Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Ninh đã tập trung tối đa nguồn lực, tích cực triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi thực hiện các giao dịch về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Từ năm 2016 đến nay, bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của cơ quan BHXH được chuyển ra hoạt động tại Trung tâm HCC cấp tỉnh, cấp huyện. Đây là mô hình duy nhất ở Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2015, tạo sự đồng bộ trong giải quyết 100% TTHC của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đảm bảo công khai minh bạch, giảm thời gian, chi phí cho đơn vị, người dân khi chỉ cần đến một nơi để giải quyết các loại TTHC.
Năm 2019, qua tổ chức khảo sát, đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC của BHXH tỉnh tại THCC các cấp, kết quả: 99,5% đánh giá hài lòng với các dịch vụ HCC của BHXH tỉnh, trong đó 85,2% đánh giá rất hài lòng, không có ý kiến đánh giá không hài lòng.
Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo 3 hình thức: Qua giao dịch điện tử, dịch vụ bưu chính và trả trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đặt tại Trung tâm HCC. Đến nay 90% các đơn vị sử dụng lao động đã tham gia giao dịch nhận và nộp hồ sơ qua Bưu chính; trên 90% số đơn vị tham gia BHXH, BHYT đã tham gia giao dịch hồ sơ điện tử với cơ quan BHXH.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trả đúng và trước hạn trên 97%. Đặc biệt từ 1/6/2017, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện 3 TTHC được thẩm định, phê duyệt và giải quyết ngay trong ngày tại Trung tâm HCC các cấp được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao đó là: Cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng; cấp lại thẻ BHYT do thay đổi thông tin; thu và cấp thẻ BHYT hộ gia đình.
Thực hiện niêm yết công khai đầy đủ, kịp thời các TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của cơ quan BHXH theo quy định tại bộ phận một cửa của cơ quan BHXH tại Trung tâm HCC các cấp trên địa bàn tỉnh, tại Trụ sở UBND cấp xã; Trụ sở cơ quan BHXH tỉnh, huyện, ngoài ra còn niêm yết công khai trên các Ki ốt màn hình cảm ứng của Trung tâm HCC các cấp, trên Cổng thông tin điện tử của BHXH tỉnh và tại các điểm bưu cục thuộc Bưu điện.
Công tác kiểm soát TTHC luôn có sự vào cuộc tích cực của các đơn vị, nhất là người đứng đầu các đơn vị, sự phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thị xã, thành phố; mỗi đơn vị cử một cán bộ có năng lực làm công tác kiểm soát TTHC. Thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, người dân bằng văn bản trong trường hợp trả kết quả quá hạn giải quyết TTHC; Thực hiện nguyên tắc trả lời cụ thể bằng văn bản đối với các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân.
Đến nay, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) với 12 TTHC thực hiện DVCTT mức độ 4; 6 TTHC thực hiện DVCTT mức độ 3 và 9 TTHC thực hiện DVCTT mức độ 2.
Thực hiện Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Từ ngày 01/01/2020 BHXH tỉnh Quảng Ninh đã triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH, đến nay còn 10 phòng nghiệp vụ và 12 BHXH cấp huyện (giảm 1 phòng, 2 BHXH cấp huyện so với trước đây).
Có thể nói, công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT đã được BHXH tỉnh Quảng Ninh triển khai quyết liệt, được chính quyền và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả đó góp phần vào thành tích chung của tỉnh khi nhiều năm liền liên tục Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Thời gian tới, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, BHXH tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC theo quy định; tăng cường ứng dụng CNTT … để phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Phạm Tuấn