(TG) - Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 2.2 và có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày ký. Nghị định được đánh giá là đã tạo bước đột phá trong phương thức quản lý an toàn thực phẩm khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Nhiều bất cập
Khi thực hiện Nghị định 38/2012/NĐ-CP, một trong những vấn đề gây bức xúc nhất đối với doanh nghiệp là những bất cập về thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Theo các chuyên gia, trên thực tế, thủ tục này đã biến thành một loại giấy phép con gây tốn kém thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2015, Cục An toàn thực phẩm cấp khoảng 35.000 giấy xác nhận và con số này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017, có thể lên tới 45.000 giấy phép. Khảo sát của CIEM cũng cho thấy, để xin được một giấy xác nhận, trung bình doanh nghiệp mất khoảng 10 triệu đồng với thực phẩm thường và khoảng 30 triệu đồng với thực phẩm chức năng. Thời gian xin xác nhận trung bình là 4 tháng.
Các doanh nghiệp cho rằng, thủ tục xác nhận nhiêu khê, phức tạp, tốn kém, thế nhưng việc cấp xác nhận công bố phù hợp không làm thay đổi trách nhiệm của doanh nghiệp về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm được công bố. Theo đó, doanh nghiệp nhận được giấy xác nhận, nhưng trong đó ghi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng thực phẩm mà doanh nghiệp đã công bố, nghĩa là cơ quan quản lý an toàn thực phẩm không phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận này. Hơn nữa, cơ quan nhà nước cấp giấy xác nhận chỉ dựa vào hồ sơ của doanh nghiệp nộp, kết quả kiểm nghiệm dựa trên mẫu kiểm nghiệm do doanh nghiệp tự lấy, nghĩa là hoàn toàn chỉ quản lý trên giấy.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung lý giải, trên thực tế các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu xảy ra từ các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố… nghĩa là nguy cơ mất an toàn nằm ở nhóm hàng hóa khác không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định 38. Như vậy, cơ quan quản lý dành 98% nguồn lực vào chỗ rủi ro ít, trong khi những nơi có nhiều nguy cơ nhất lại không được quan tâm. Hay nói cách khác, việc cấp giấy xác nhận công bố phù hợp hầu như không có ý nghĩa trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong thực tế.
Thông thoáng cho doanh nghiệp
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, sản phẩm được tự công bố gồm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ chứa đựng thực phẩm; vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ nhóm sản phẩm được miễn thủ tục tự công bố (sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ sản xuất nội bộ, không tiêu thụ trong nước).
|
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Nghị định 15 chính là “món quà” đầy ý nghĩa mà Chính phủ, Bộ Y tế dành cho cộng đồng doanh nghiệp, là dấu chấm hết cho quá trình gian khổ, hết sức hành chính, hình thức của các doanh nghiệp. Ông Lộc cho hay, việc thực thi Nghị định 15 sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên hết, Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, Nghị định tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, nhưng không buông lỏng quản lý, cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, nhưng không có nghĩa là muốn công bố thế nào cũng được, muốn quảng cáo ra sao cũng tùy, mà doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm nhưng vẫn phải chịu sự hậu kiểm của cơ quan chức năng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, bị thu hồi toàn bộ sản phẩm công bố sai, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu dừng sản xuất. Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng thể hiện sự phân công, phân cấp mạnh mẽ trong trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm giảm tải áp lực quản lý cho các cơ quan cấp bộ, ngành, tránh chồng chéo trong quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Nghị định 15 cũng mang đến sự thay đổi cơ bản về quản lý thực phẩm nhập khẩu, chỉ kiểm tra xác suất trên lô hàng và hồ sơ chứ không kiểm tra cảm quan như trước đây. Điều này sẽ tiết kiệm rất lớn thủ tục hành chính, không còn đại diện 3 bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thường trực ở cửa khẩu nữa mà chỉ có hải quan./.
TG