Cái khó ở xã nghèo
"Điều mình lo lắng nhất là bất đồng về ngôn ngữ, hiểu biết về phong tục tập quán còn ít. Xã chưa có điện lưới, giao thông đi lại rất khó khăn, từ xã đến thôn phải đi đến 15 km, trời nắng có thể đi được, nhưng mưa thì rất khó đi”, Phó Chủ tịch xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé Nguyễn Văn Quân (sinh 1984), quê ở xã Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội nói.
Hiện xã Sín Thầu có 97% đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống với 6 bản, 245 hộ, 1.232 khẩu.
Cũng như Quân, Bạch Thị Yến Ly (sinh 1987), quê ở Lương Sơn, Hòa Bình biết tiếng Mường nhưng lại bất đồng ngôn ngữ với bà con người Mông Trắng nơi xã đến công tác xã Háng Lìa, huyện Điện Biên.Yến Ly cho biết, bà con nơi đây với tập quán lâu đời trồng lúa nước 3- 4 vụ rồi lại tìm nơi phát nương nơi khác, đất trống thừa rất nhiều, không có lợi cho người dân.
Điện Biên là tỉnh miền núi phía Tây Bắc tổ quốc, có diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, tiếp giáp với Lào và Trung Quốc; dân số trên 52 vạn người, gồm 19 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 81,6%. Mật độ dan số thấp, phân bổ không đồng đều, bình quân khoảng 54 người/km2, có nơi trung bình chỉ có 28 người/km2 (như một xã của huyện Mường Nhé)
|
Bên cạnh đó, phong tục chăn nuôi thả dông của người Mông Trắng cùng với việc chăm sóc dịch bệnh gia cầm không tốt dẫn đến nhiều gia súc, gia cầm bị chết, cộng với “đầu ra” cho sản phẩm phải vận chuyển lên huyện mất 2,5 giờ cũng khiến cho người dân nơi đây “ngại” hơn, nên bà con thường học theo nhau, tự cung tự cấp, không có nhu cầu bán sản phẩm.
Đặc điểm của bà con dân tộc Thái trong xã Na Son chủ yếu lấy việc trồng ngô, lúa nương, trồng sắn lấy củ làm nguồn lương thực chính, nên việc thoát nghèo vẫn chỉ là loanh quanh chưa có hướng phát triển – Phó chủ tịch trẻ xã Na Son, huyện Điện Biên Đông Bạc Cầm Nga trao đổi.
Cầm Nga cho rằng ở những nơi xa và khó khăn thì mình sẽ càng trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm hơn. Dự định của Nga sẽ lập nghiệp, gắn bó lâu dài với mảnh đất Điện Biên. Còn Phó chủ tịch xã Sín Thầu Nguyễn Văn Quân cho rằng, với quyết tâm tuổi trẻ, Quân sẵn sàng đối mặt với thử thách, hi vọng sẽ gặt được thành quả xứng đáng.
Theo đồng chí Nguyễn Vân Chương, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên cho biết, các đội viên chưa được bồi dưỡng về tiếng dân tộc của địa phương (nhất là các em dân tộc Kinh) bước đầu cũng gây khó khăn cho các em trong việc tiếp cận, hòa nhập với đồng bào các dân tộc tại xã.
Những đề án ban đầu của trí thức trẻ
Đồng chí Nguyễn Vân Chương cho rằng, khó khăn mà các đội viên đang gặp phải đó là đa số các đội viên tốt nghiệp chuyên ngành chuyên môn không liên quan đến các nội dung công việc tại xã nên việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
|
Đồng chí Vừa A Dính - Bí thư tỉnh đoàn Điện Biên với các tri thức trẻ. Ảnh: ĐH |
Tốt nghiệp loại khá khoa tâm lý giáo dục, Học viện báo chí tuyên truyền, Phó Chủ tịch xã Háng Lìa Bạch Thị Yến Ly được phân công phụ trách mảng kinh tế của xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông, đề án mà Yến Ly mong muốn đem lại cho bà con chính là thay đổi về phương thức cách trồng cây con, vật nuôi.
“Kiên trì, vận động bà con sẽ thay đổi được, nhưng mình phải làm trước để bà con thay đổi nhìn theo và quan trọng là giúp bà con biết cách làm” và phương châm mà Yến Ly đưa ra đó là: “Mình cùng trồng, cùng nuôi, cùng ở, cùng làm để bà con cùng làm theo”.
Tốt nghiệp chuyên ngành Lâm Sinh, khoa Nông Lâm, trường ĐH Tây Bắc, được phân công phụ trách mảng kinh tế của xã, Bạc Cầm Nga đã tham mưu với lãnh đạo xã đề án phát triển cây Cà phê thí điểm tại cụm 5 bản Sư Lư 1 đến Sư Lư 5 (đây là 5/17 bản của xã Na Son).
Qua khảo sát một số hộ gia đình trong xã đã trồng cây Cà phê trên diện tích nhỏ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng số lượng diện tích trồng còn ít, nhưng với Cầm Nga càng tin tưởng vào đề án mà mình tham mưu cho xã sẽ thành công.
“Bà con trồng nhiều với năng suất cao sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn, nếu mô hình thành công, sẽ nhân rộng ra các bản còn lại của xã và qua đó tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đặc biệt, qua cách làm đã thay đổi nhận thức của bà con về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để phù hợp hơn và mang lại hiệu quả kinh tế” – Cầm Nga phấn khởi cho biết.
Lãnh đạo xã Na Son đã xác định đây sẽ là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của nhân dân trong xã và may mắn hơn đề án này cũng được Phòng Nông nghiệp huyện Điện Biên quyết định chọn để trồng trong thời gian tới, bởi phải chờ nguồn vốn đầu tư giống – Cầm Nga phấn khởi cho biết.
Những ngày đầu phụ trách mảng kinh tế, tham gia nghiệm thu sản phẩm chăn nuôi, Lường Thị Thanh - Phó Chủ tịch xã Ẳng Tở, huyện Mường Ẳng đã phải đi đến từng hộ gia đình trong tổng số 109 nhà ở 8 bản.
“Lội suối, trèo đồi mất gần 15 ngày mới xong nghiệm thu ” – Lường Thị Thanh, cho biết.
Tốt nghiệp chuyên ngành Lâm Sinh, khoa Nông Lâm, trường Đại học Tây Bắc, đề án mà Thanh đề xuất đó là xây dựng chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm xa nhà ở.
Thanh đã làm thí điểm ở bản Bua và bà con trong bản đã chuyển được gần 20/120 hộ dân có chuồng ra xã nhà mà không cần kinh phí hỗ trợ. Nhiều hộ khác củng muốn cũng di chuyển chuồng trại, nhưng còn khó khăn về kinh phí xây dựng chuồng trại mới.
Thanh cho biết, xây dựng 01 chuồng trại mới từ 2 – 3 triệu đồng, hiện dự án 30a hỗ trợ 1 triệu đồng và kinh phí còn lại của gia đình. Tuy nhiên để thực hiện đề án thành công phải chờ kinh phí và tiếp tục vận động bà con.
Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ Đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo vừa là một sáng kiến, vừa là khâu đột phá trong công tác cán bộ, thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước vào thế hệ trẻ. Đây là cơ hội tốt để các huyện nghèo cả nước nói chung và một số huyện nghèo của tỉnh Điện Biên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cơ sở và là dịp để các trí thức trẻ có dịp được khẳng định mình, được cống hiến, học tập rèn luyện thông qua các hoạt động thực tiễn tại cơ sở - đồng chí Nguyễn Vân Chương, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên khẳng định.
Thanh niên nói chung, trí thức trẻ nói riêng luôn mong muốn được góp sức trẻ, bầu nhiệt huyết của mình vào công cuộc đổi mới đất nước song cũng rất cần có các cơ chế chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở.
Với quyết định mà các trí thức trẻ đã chọn, tin tưởng họ sẽ là những người tiên phong đi đầu và tạo ra những đột phá ở chính những xã nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa, nơi họ đã dám “dấn thân” cùng với tuổi xuân của mình để cùng sẻ chia những vất vả với bà con các dân tộc đi lên thoát nghèo.
Hà Đông