10 năm thực hiện Chỉ thị 55-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa VIII)
Vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tổ chức Hội thảo Triển khai Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Doãn Mậu Diệp chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Doãn Mậu Diệp đã tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 55-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.
Trong đó, công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em ngày càng được cải thiện. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và 5 tuổi giảm mạnh ở tất cả các vùng miền. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm qua các năm trung bình mỗi năm giảm 1,8%, suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) giảm chậm, cuối năm 2010 giảm còn 31,9%. Trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi ở các quận, huyện được tiêm chủng đầy đủ 7 loại vacxin. Việc khám chữa bệnh không phải trả tiền cho trẻ em dưới 6 tuổi được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Công tác giáo dục trẻ em có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động trẻ em từ 3-5 tuổi đi mẫu giáo từ 47,59% (Năm 2000) tăng lên 70,54% (năm 2010).63/63 tỉnh, thành phố và tất cả các huyện trong toàn quốc đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở.
Công tác bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em được quan tâm, được thực hiện ở 3 cấp độ: phòng ngừa, can thiệp giảm thiểu các nguy cơ và hỗ trợ phục hồi, hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Những biện pháp nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, giảm đói nghèo và bất bình đẳng trong xã hội, tăng cường tiếp cận y tế, giáo dục, vui chơi giải trí và bảo vệ trẻ em được thông qua các chương trình, dự án riêng hoặc được lồng ghép vào các chương trình phá triển kinh tế-xã hội của các ngành, các địa phương.
Tính đến nay, cả nước đã có 71 trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà thông tin triển lãm cấp tỉnh, có 510 trung tâm văn hóa hoặc nhà văn hóa cấp huyện, 4.161 nhà văn hóa cấp xã, 8.451 điểm vui chơi của trẻ em tại xã, phường, có 17.000 câu lạc bộ về quyền trẻ em.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đó là, các cơ sở khám, chữa bệnh nhất là tuyến huyện đã được nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tai nạn thương tích trẻ em xảy ra do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là giao thông, đuối nước và ngộ độc. Còn khoảng 20% trẻ em dưới 6 tuổi chưa nhận được thẻ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trẻ em bỏ học ở một số khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc vẫn chưa giảm. Điều kiện vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ em còn thiếu, đặc biệt là trẻ em ở vùng khó khăn. Việc quản lý các xuất bản phẩm chưa thật hiệu quả nên trẻ em dễ bị lạm dụng. Internet và những trò chơi điện tử, trang web không lành mạnh đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của trẻ em.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em là do việc thường xuyên bị thay đổi, xáo trộn về bộ máy tổ chức khiến một số cán bộ đã được đào tạo, có nghiệp vụ, chuyên môn lại chuyển sang công tác khác nên ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; chưa dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức cho công tác này. Sự tham gia của các đoàn thể ở nhiều nơi còn mang tính hình thức; sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, các đoàn thể xã hội còn thiếu chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới
Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TW, ngày 05 tháng 11 năm 2012, Bộ Chính trị, khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Chỉ thị tiếp tục khẳng định: Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng cho việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Tại Hội thảo, ông Lê Duy Sớm, Hàm vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã hướng dẫn nội dung theo dõi, kiểm tra và đánh giá tình hình 1 năm thực hiện Chỉ thị 20 của Bộ Chính trị. Theo đó, căn cứ vào nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Cán sự đảng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá, báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình thực hiện Chỉ thị. Việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá để nắm bắt tình hình tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị của các cấp uỷ các cấp, từ tỉnh đến xã, phường. Từ đó, triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW với các nội dung: ban hành các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo phối hợp liên ngành, đầu tư nguồn lực, tính tiền phong, vai trò gương mẫu của lãnh đạo cấp uỷ trong cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống. Phát hiện những cách làm hay, những khó khăn bất cập trong việc triển khai Chỉ thị, bàn các giải pháp, các đề xuất, kiến nghị. Tổng hợp tình hình trẻ em, đặc biệt là những vấn đề nổi cộm, những giải pháp xử lý. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nói chung và triển khai thực hiện Chỉ thị 20 nói riêng.
Đến thời điểm hiện tại, cả nước mới có 10/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị. Đó là các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Phước, Kiên Giang, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20 của Tỉnh uỷ Bắc Giang, Sơn La, Trà Vinh, Quảng Nam.
Theo TS. Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), để tiếp tục triển khai đưa Chỉ thị 20 vào cuộc sống đạt hiệu quả thiết thực, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là:
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng trong việc chỉ đạo các Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em bằng các văn bản, chương trình, kế hoạch và định kỳ tổ chức việc kiểm tra thực hiện đối với các cấp uỷ đảng ở địa phương và các Bộ, ngành.
Về xã hội hoá công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, chỉ đạo và thực hiện tốt các hoạt động thanh thiếu niên và nhi đồng.
Về truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội, cần tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em (trên truyền hình, phát thanh, báo chí,…). Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội ở cộng đồng, đặc biệt là cấp cơ sở. Chỉ đạo việc giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Về sửa đổi luật, chính sách, cần nghiên cứu Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trình Quốc hội vào năm 2015. Phối hợp với các Bộ, nghiên cứu sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình. Sửa đổi, bổ sung một số chính sách phúc lợi xã hội cho trẻ em.
Về xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, tiếp tục thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, giai đoạn 2012-2020, chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDs, chương trình phòng - chống bạo lực đối với trẻ em, chương trình xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
Thu Hằng