Ngày 20/4, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học khởi động “Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông”. Đây là một trong số năm chương trình, dự án khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia do Chính phủ chỉ đạo.
Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương; đại sứ quán các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan; đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Phật giáo một số tỉnh, thành phố cùng đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Thể hiện trí tuệ và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, coi đây là “quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng” để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Khi nói về khoa học và công nghệ, mọi người, nhất là giới trẻ, thường nghĩ đến máy tính, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo… Tuy nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học chính trị, quản lý cũng có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng.
Phó Thủ tướng cho biết: Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện năm Dự án khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia, bao gồm: Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc Sử); Bách khoa toàn thư Việt Nam; Địa chí Quốc gia Việt Nam (Quốc chí); Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông (hay còn gọi là Dự án Kinh điển phương Đông) và Hệ tri thức Việt số hóa. Cả năm dự án này đều mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn, có giá trị thời đại, dân tộc và nhân văn đặc biệt quan trọng.
Phó Thủ tướng chia sẻ: Trong số năm dự án trên có hai dự án không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước là Hệ tri thức Việt số hóa và Dự án Kinh điển phương Đông. Chính phủ mong muốn đây là dự án chung của mỗi người Việt Nam và những người yêu mến Việt Nam, kêu gọi mọi người cùng chung tay, góp sức để hoàn thành dự án, biến những dự án này trở thành di sản chung của người Việt, thể hiện trí tuệ, trách nhiệm của mọi người Việt Nam với lịch sử, hiện tại và tương lai.
Đề cập đến Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Các tác phẩm Kinh điển phương Đông được du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu Công nguyên và không ngừng phát triển qua các thời kỳ lịch sử. Những tác phẩm kinh điển này là kết tinh trí tuệ, triết lý nhân sinh cao sâu của các nhà tư tưởng, văn hóa kiệt xuất của nhân loại, phản ánh lịch sử, xã hội và con người phương Đông, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, sau khi được du nhập vào nước ta, các tác phẩm kinh điển phương Đông đã được dung thông, chuyển hóa, trở thành nguồn tài nguyên vô giá, góp phần tạo nên hồn cốt dân tộc, nền tảng tư tưởng và văn hóa của con người Việt Nam. Trong đó, có những di sản đã được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa của nhân loại.
Chính vì vậy, Dự án Kinh điển phương Đông là dự án có ý nghĩa đặc biệt, góp phần quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu, định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, phục vụ công cuộc phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới; đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa giữa các nước.
Phó Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các cá nhân tham gia dự án cần thực hiện tốt việc dịch, chú giải để đưa tri thức đến với công chúng một cách thỏa đáng. Các nhà khoa học không chỉ chú trọng dịch các tác phẩm từ Việt Nam mà còn dịch các tác phẩm đến từ các quốc gia khác; bảo đảm các tác phẩm được biên soạn phục vụ cho các đối tượng nghiên cứu khác nhau, vừa mang tính hàn lâm, vừa đáp ứng nhu cầu phổ quát của đông đảo người đọc.
Dự kiến thực hiện trong 10 năm
Chia sẻ về việc triển khai Dự án kinh điển phương Đông, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, cho biết: Với tầm vóc lớn lao của nhiệm vụ dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao cho Viện Trần Nhân Tông, một cơ sở nghiên cứu mang tính học thuật cao và là đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai dự án. Trong thời gian qua Viện Trần Nhân Tông đã phối hợp với Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế uy tín cũng như triển khai lớp Bồi dưỡng năng lực dịch thuật các tác phẩm kinh điển phương Đông, qua đó chuẩn bị lực lượng hỗ trợ và kế tục triển khai dự án.
Dự án Kinh điển phương Đông dự kiến sẽ được thực hiện trong 10 năm theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 3/2019 - tháng 2/2024) là giai đoạn chuẩn bị và tiến hành dịch thuật. Trong đó, dự án sẽ thực hiện khảo sát, lên hồ sơ dịch thuật; chọn văn bản nền để tổ chức dịch thuật và tham chiếu; xây dựng bộ quy cách dịch thuật; tập huấn và chọn lọc nhân sự chính tham gia và tuyển chọn cộng tác viên. Đồng thời, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dịch thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu và thư viện tra cứu phục vụ dịch thuật. Sau đó, dự án tiến hành dịch thuật theo hai hướng toàn dịch và toát yếu.
Giai đoạn 2 (từ tháng 3/2024 - tháng 2/2029) là giai đoạn chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện và dịch thuật các bộ Kinh còn lại trong phần Chính tạng, điển tịch Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo được chú giải tại Việt Nam.
Sản phẩm dự kiến của toàn bộ quá trình này là các bộ sách in, sách số về tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông bao gồm 150 quyển thuộc Chính tạng, chín quyển Nho tạng, hai quyển Đạo tạng cùng các tác phẩm trước thuật của các đại sư Việt Nam trong lịch sử; 13 bộ kinh điển của Nho gia, cùng điển tịch Nho học Việt Nam và ba quyển Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh cùng một số điển tịch Đạo giáo chọn lọc ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu ra của dự án còn cung cấp các mô hình, giải pháp phát huy các giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông tới cộng đồng; đặc biệt, cung cấp dữ liệu số về bộ sản phẩm và cổng thông tin điện tử phục vụ tra cứu rộng rãi.
TTX