Chiều 26/10, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này. Trong buổi thảo luận tổ này, có hai luồng ý kiến trái chiều nhau về việc nên hay không nên sửa đổi, bổ sung 2 luật trên.
Nhiều đại biểu cho rằng, chưa nhất thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN. Lý do các đại biểu đưa ra là thị trường nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp hiện nay, do năng lực quản lý của chúng ta còn yếu kém dẫn đến tình trạng người có nhu cầu thực sự thì không thể mua được, phần lớn số nhà này rơi vào tay các đối tượng đầu cơ nhà đất, làm cho giá nhà tăng lên gấp nhiều lần. Và như vậy, người có thu nhập thấp càng không thể nào mua được. Thế nên cho dù Nhà nước có áp dụng các chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế để doanh nghiệp hạ giá thành, thì chưa chắc giá bán, giá thuê nhà khi đến tay người có nhu cầu thực sự sẽ được giảm.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, nên chăng chúng ta thực hiện chính sách cho các đối tượng là người có thu nhập thấp, công nhân KCN, học sinh, sinh viên được hưởng sự hỗ trợ trực tiếp. Còn các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhà vẫn hoạt động bình đẳng với nhau, Nhà nước có thể hỗ trợ họ về lãi suất, cho vay thời hạn dài với lãi suất ưu đãi. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, nếu áp dụng chính sách ưu đãi như Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung lần này, có thể dẫn đến tình trạng, đối tượng mà chúng ta hướng sự ưu tiên đến là người có thu nhập thấp, công nhân KCN, học sinh, sinh viên thì không được hưởng, trong khi đó ngân sách Nhà nước lại mất một khoản thu từ thuế.
Đồng tình với quan điểm trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội là: Việc căn cứ vào đối tượng mua nhà để áp dụng 2 mức thuế suất thuế GTGT khác nhau (5% và 10%) là rất phức tạp, dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để được hoàn thuế GTGT. Trên thực tế, doanh nghiệp không chỉ xây nhà để bán, cho thuê đối với một loại đối tượng là người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, học sinh, sinh viên mà cho nhiều đối tượng khác nhau. Việc tách bạch giữa các đối tượng mua nhà để khấu trừ thuế GTGT cho doanh nghiệp là không đơn giản, sẽ dẫn đến phát sinh tiêu cực, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa) cho rằng việc sửa đổi này là không khả thi, bởi nếu có áp dụng việc giảm thuế này thì giá nhà ở để bán, cho thuê cũng chỉ giảm được phần nào. Thực tế hiện nay, nhiều khi giá nhà ưu đãi cho đúng đối tượng, nhưng người có thu nhập thấp cũng vẫn không đủ tiền mua. Cho nên, nhiều khi nhà xây rồi lại phải bán cho đối tượng khác, bởi nếu để không thì nhà cũng sẽ bị hư hỏng, xuống cấp.
Bên cạnh các ý kiến cho rằng chưa cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT và Thuế TNDN, trong các buổi thảo luận tổ chiều nay cũng có nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm cần sửa đổi, bổ sung 2 luật trên để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Với ý kiến băn khoăn rằng: liệu khi chúng ta áp dụng việc giảm, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê thị liệu các đối tượng trong diện ưu tiên có được hưởng lợi thực sự hay không, hay cái lợi này lại rơi vào các đối tượng đầu cơ? Đại biểu Nguyễn Văn Thời (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, nếu chúng ta huy động cả hệ thống chính trị giám sát thì chắc chắn người có thu nhập thấp, công nhân KCN, học sinh, sinh viên sẽ được hưởng lợi. Đại biểu Nguyễn Văn Thời ủng hộ việc thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 2 Luật trên tại Kỳ họp lần này.
Đồng tình với quan điểm cần sửa đổi bổ sung, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, điều này một lần nữa thể hiện chủ trương nhất quán trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn là trong Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ tác động của việc sửa đổi, bổ sung 2 luật này, nhất là trong điều kiện chúng ta đang bộ chi ngân sách, giảm thu, việc áp dụng việc sửa đổi này sẽ ảnh hưởng đến giảm thu ngân sách như thế nào?
Theo đại biểu Ngô Văn Minh, Chính phủ cũng nên làm rõ, trong thời gian qua khi áp dụng chính sách thuế hiện hành, doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực này được bao nhiêu, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn? Chất lượng của các công trình này như thế nào?
Đại biểu Ngô Văn Minh cũng cho rằng, việc sửa đổi cũng nên tách ra: Thứ nhất, nếu doanh nghiệp nào đầu tư để làm nhà ở chăm lo cho đời sống của công nhân doanh nghiệp mình thì áp dụng chính sách giảm thuế này là hoàn toàn xác đáng. Thứ hai là nên đầu tư trực tiếp cho người có thu nhập thấp, công nhân KCN, học sinh, sinh viên từ ngay cơ quan, doanh nghiệp, trường học có đối tượng này.
Các đại biểu cũng tán thành việc áp dụng ưu đãi cho dự án đầu tư mở rộng thuộc địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư như dự án thành lập pháp nhân mới nhằm bảo đảm tính công bằng giữa các doanh nghiệp, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh. Các đại biểu cũng đề nghị, khi áp dụng việc giảm, ưu đãi thuế này, cần cho chế tài kiểm soát đủ mạnh để đảm bảo chính sách này đến được với đúng đổi tượng đáng được thụ hưởng.
Hôm nay, 27/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010./.
Theo VOVNews