Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tiến trình hợp tác ASEAN+3 đến nay đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trở thành khuôn khổ hợp tác năng động, quan trọng và hiệu quả, đóng góp quan trọng và thiết thực cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực, tạo tiền đề cho liên kết khu vực hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng cộng đồng Đông Á.
Theo đó, các nước cần tăng cường hợp tác chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ, đặc biệt cần sớm triển khai Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á, tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp chính sách kinh tế, tài chính vĩ mô, và nâng cao năng lực hệ thống ngân hàng trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các nước cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải cả ở cấp độ song phương và khu vực nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, đồng thời tăng cường hợp tác để đối phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu như an ninh năng lượng và lương thực, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...
Theo Thủ tướng, một trong những biện pháp cần chú trọng là đẩy mạnh hợp tác giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong khu vực về các vấn đề cụ thể như phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, bảo vệ môi trường, phòng tránh dịch bệnh...
Thủ tướng cũng cho rằng một ASEAN vững mạnh và liên kết chặt chẽ sẽ là nhân tố quan trọng không thể thiếu và là động lực chính thúc đẩy và củng cố tiến trình hợp tác ASEAN+3 hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng Đông Á.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảm ơn các nước đã dành những lời thăm hỏi cũng như sự ủng hộ về vật chất và tinh thần cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt là những nạn nhân và gia đình bị thiệt hại do cơn bão số 9 (có tên quốc tế là Ketsana) gây ra vào đầu tháng 10.
Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đánh giá cao những thành quả đạt được năm 2009 trong các khuôn khổ hợp tác ASEAN+1 và ASEAN+3. Lãnh đạo các nước đối tác hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực triển khai Hiến chương ASEAN và xây dựng Cộng đồng ASEAN, cam kết hỗ trợ ASEAN thực hiện Kế hoạch công tác về Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển và tham gia hiện thực hóa ý tưởng kết nối ASEAN.
Lãnh đạo các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế giữa ASEAN và các nước thông qua thực hiện các Hiệp định mậu dịch tự do (FTA), góp phần vượt qua khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, đồng thời đẩy mạnh hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh…
Các nhà lãnh đạo khẳng định vai trò và hiệu quả của tiến trình hợp tác ASEAN+3 đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, đồng thời quyết tâm tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ nhằm đối phó với các thách thức như khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng và lương thực… thông qua việc triển khai hiệu quả Kế hoạch công tác ASEAN+3 giai đoạn 2007-2017, tạo tiền đề cho liên kết khu vực và xây dựng cộng đồng Đông Á.
Lãnh đạo các nước cam kết sớm triển khai Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai, lập Cơ chế giám sát kinh tế khu vực, thúc đẩy thực hiện Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á cũng như nghiên cứu lập Khu vực mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA).
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố ASEAN+3 về Hợp tác ASEAN+3 trong lĩnh vực an ninh lương thực và phát triển năng lượng sinh học.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 7 với sự tham gia của lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ, tạo nền tảng quan trọng cho gia tăng thương mại hai chiều, đạt mục tiêu 70 tỷ USD trong hai năm tới.
Lãnh đạo các nước cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp hai bên và đề nghị khởi động lại Hội đồng kinh doanh ASEAN-Ấn Độ và các Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Singh khẳng định tiếp tục hợp tác và hỗ trợ ASEAN về khoa học-công nghệ, y tế, phát triển nguồn nhân lực thông qua lập các Quỹ Phát triển khoa học-công nghệ và Quỹ Xanh ASEAN-Ấn Độ, và các trung tâm phát triển doanh nghiệp, đào tạo tiếng Anh và công nghệ thông tin ở các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Để nâng cao và phát huy hiệu quả hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo đã bàn những giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, trong đó tập trung ưu tiên vào lĩnh vực kinh tế-thương mại, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, sinh học, lương thực, năng lượng, y tế, dược phẩm, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, hạ tầng giao thông, góp phần hỗ trợ nhau vượt qua khủng hoảng và bảo đảm phát triển bền vững.
Thủ tướng đồng thời nêu rõ hai bên cần tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác, nhất là trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu và xuyên quốc gia, đặc biệt là thực hiện hiệu quả các sáng kiến và cam kết của Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác và hỗ trợ ASEAN, trong đó có Quỹ Phát triển khoa học-công nghệ ASEAN-Ấn Độ và Quỹ Xanh ASEAN-Ấn Độ ...
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Ấn Độ về cam kết công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ đối với Việt Nam cũng như hỗ trợ việc thành lập Trung tâm đào tạo tiếng Anh và Trung tâm phát triển Doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 15, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định quyết tâm mạnh mẽ tiếp tục đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống và đẩy mạnh thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Các nhà lãnh đạo cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận sâu về tăng cường kết nối ASEAN, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin… cũng như gia tăng hợp tác về giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân.
Lãnh đạo các nước cũng đã trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất là tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu như khủng hoảng kinh tế-tài chính, an ninh năng lượng và lương thực, biến đổi khí hậu, đối phó với thảm hoạ và phòng chống dịch bệnh.
Kết thúc ngày làm việc 24/10, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố về Kết nối ASEAN, Tuyên bố về Tăng cường hợp tác Giáo dục hướng tới một Cộng đồng ASEAN đùm bọc và chia sẻ, và Tuyên bố ASEAN về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh để thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ASEAN cần khẩn trương đưa bộ máy tổ chức mới theo Hiến chương ASEAN vào vận hành trôi chảy và hiệu quả, nhất là các Hội đồng Cộng đồng và Ủy ban các Đại diện thường trực ASEAN, đồng thời đề nghị đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận về xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua thực hiện Sáng kiến liên kết (IAI) và phát triển tiểu vùng Mekong.
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 15, chiều 24/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thủ tướng New Zealand John Key. Hai Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển tốt đẹp trong thời gian qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc hai bên ra Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác toàn diện nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là sự kiện rất quan trọng và hai bên cần xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai mối quan hệ này.
Nhất trí với đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng John Key khẳng định hai bên còn rất nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác hiệu quả, đặc biệt trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, du lịch và đối phó với biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand có hiệu lực đầu năm 2010 sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chính phủ New Zealand đã giúp đỡ các nạn nhân bão số 9 vừa qua, đồng ý tiếp nhận 300 lao động Việt Nam sang làm việc theo chương trình kỳ nghỉ và công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Thủ tướng đã trân trọng mời Thủ tướng John Key sang thăm Việt Nam năm 2010 nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và quan hệ giữa New Zealand với ASEAN. Đây cũng là năm Việt Nam chủ trì hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác.
Thủ tướng John Key đã vui vẻ nhận lời và mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm New Zealand vào thời điểm thích hợp./
TTXVN