Thứ Năm, 10/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 15/6/2009 21:55'(GMT+7)

Dự án phim truyền hình Trần Thủ Độ: Tiền nhiều, sẽ có phim hay ?

Thiên Bảo và Dương Trương Thiên Lý được chọn vào vai Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ.

Thiên Bảo và Dương Trương Thiên Lý được chọn vào vai Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ.



3 tháng phải báo cáo 1 lần

48 tỉ đồng là số kinh phí được UBND TP Hà Nội và Ban chỉ đạo Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đặt hàng cho 30 tập phim. Diễn viên nam chính được chọn vào vai Trần Thủ Độ là Thiên Bảo - một gương mặt trẻ, không mấy "đình đám", từng tham gia một số phim không "gây tiếng vang".

Á hậu Dương Trương Thiên Lý (20 tuổi), không nhiều kinh nghiệm về phim ảnh, được mời thủ vai Trần Thị Dung - một nhân vật lịch sử có tính cách và đời sống nội tâm đầy phức tạp, mâu thuẫn.

Phát biểu với báo giới, hai gương mặt này đều cho rằng được tham gia phim Trần Thủ Độ là "một cơ duyên", còn đạo diễn Đào Duy Phúc thì khẳng định "đã chọn được người hợp vai".

Trao đổi với PV ngày 13-6, ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, đại diện đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, cho biết ông cũng đang phấp phỏng chờ đợi.

"Dương Trương Thiên Lý là cô gái xinh đẹp, thông minh. Nhưng có những diễn viên nhiều sở trường mà cũng lắm sở đoản. Có những người đẹp diễn xuất ngoại hình tốt nhưng không diễn được nội tâm. Hơn nữa, Trần Thị Dung là nhân vật không dễ thể hiện. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp có những nghệ sĩ lần đầu đóng phim mà thể hiện thành công. Điều này phụ thuộc vào quá trình tự rèn luyện của mỗi người", ông Thọ nhận xét.

Tuy nhiên, với trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu Hãng phim truyện I phải quay thử một số cảnh do Dương Trương Thiên Lý đóng và gửi báo cáo lên Bộ trong tháng 6.2009. Bộ VH-TT-DL cũng yêu cầu 3 tháng một lần, Hãng phim truyện I phải thực hiện trách nhiệm báo cáo tiến độ. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL cũng sẽ theo sát đoàn làm phim để kiểm tra, tham gia tư vấn, góp ý trong quá trình duyệt, dựng cảnh, hậu kỳ...

Nếu phim được đầu tư với số kinh phí "kỷ lục" mà chất lượng nghệ thuật không như mong muốn và không tương xứng với hàng chục tỉ đồng đầu tư thì Hãng phim truyện I sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm!

         Giám đốc Hãng phim truyện I
                             Đặng Tất Bình

Sẽ có phim hay?

Theo kế hoạch, trong khoảng trung tuần tháng 6.2009 (từ 10 đến 20.6), đoàn làm phim Trần Thủ Độ sẽ thực hiện một số cảnh quay ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), tiếp đó là Huế rồi sang Trung Quốc.

Trong tổng dự toán kinh phí, phần thiết kế bối cảnh chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại - khi Việt Nam chưa có trường quay (dự án trường quay Cổ Loa  bùng nhùng gần 20 năm nay, rốt cuộc, vẫn chưa được xây dựng), thì tiến độ quay phim có lẽ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, nhất là trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Nhà sản xuất Đặng Tất Bình - Giám đốc Hãng phim truyện I, từng nói: "Căn cứ vào tình hình thực tế của điện ảnh Việt Nam khi bắt tay vào sản xuất mảng đề tài lịch sử: không bối cảnh, không phục trang, không đạo cụ... mọi việc đều phải xây dựng từ đầu nên không thể cứ lấy mốc kinh phí sản xuất phim thông thường làm cơ sở tính toán được. Trong trường hợp cụ thể này, phim truyền hình Trần Thủ Độ với độ dài 900 phút, sản xuất trong những điều kiện khó khăn như đã nói trên, chắc chắn tốn kém hơn một phim nhựa với độ dài 100 phút về đề tài hiện đại".

Thoạt đầu, Hãng phim truyện I đã có ý định mời chuyên gia hóa trang của Hãng phim Vân Nam (Trung Quốc) để hóa trang cho các diễn viên trong phim Trần Thủ Độ. Ngựa sử dụng trong phim là ngựa được thuê tại trại ngựa Khúc Thanh (Trung Quốc). Máy quay là loại HD thế hệ mới của Hàn Quốc. Vật liệu xây dựng bối cảnh cũng phải chọn lựa loại thích hợp, nhẹ, giá rẻ, quy trình xây dựng tuân thủ nguyên tắc cơ động để tháo lắp... Khi quay ở nước ngoài, đoàn làm phim sẽ tự tổ chức nơi ăn chốn ở để cắt giảm chi phí...

Thế nhưng, theo ông Lê Tiến Thọ, với kinh phí 48 tỉ đồng, đoàn làm phim cũng phải "liệu cơm gắp mắm", bởi số tiền này cũng chưa thể coi là nhiều cho một phim lịch sử. Theo ông, làm một bộ phim mà áo quần, phục trang của diễn viên lúc nào cũng long lanh thì chắc chắn cái giá sẽ rất khác so với những bộ phục trang chỉ có kim tuyến.

"Làm phim cũng giống như xây một cái nhà. Mình có 50m2 đất, muốn xây nhà "xịn" thì giá tiền phải khác, nhưng chỉ cần có một cái nhà để lắp một cái cửa thì giá lại khác", ông Thọ bình luận./.

(Theo: Thanh Niên)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất