Chủ Nhật, 29/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 11/11/2009 9:54'(GMT+7)

Dự báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm

Dự báo, cảnh báo sớm hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV) nguy hiểm rất quan trọng song đang đứng trước nhiều sức ép và gánh nặng. Để làm rõ hơn những áp lực dự báo hiện tượng KTTV nguy hiểm và nâng cao hiệu quả phục vụ, ông Trần Văn Sáp, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Dự báo KTTV chia làm hai loại hình là dự báo thời tiết hàng ngày và dự báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, lũ quét, triều cường, không khí lạnh, tố, lốc xoáy... Do tính chất “nguy hiểm” của các hiện tượng thời tiết này nên để dự báo, cảnh báo sớm, đòi hỏi mật độ quan trắc dày đặc hơn, có trạm quan trắc không nghỉ 30 phút gửi số liệu một lần, các mô hình tính toán dự báo liên tục hoạt động, theo dõi kịp thời để cập nhật bản tin cũng như cần kinh nghiệm của những quan trắc viên, dự báo viên, nghiên cứu viên...

Xung quanh việc cảnh báo các hiện tượng thuỷ văn nguy hiểm, phóng viên VOV phỏng vấn ông Trần Văn Sáp.

PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác dự báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm thời gian qua?

Ông Trần Văn Sáp: Theo tôi, dự báo bão, áp thấp nhiệt đới đã có nhiều tiến bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo phòng tránh lụt bão. Trong cơn bão số 9, 10, 11 vừa qua, thông tin dự báo đã góp phần giúp Chính phủ xây dựng các phương án di tản dân ở vùng bị tổn thương có hiệu quả. Hiện tượng không khí lạnh, triều cường, nước dâng được dự báo có hiệu quả. Khó khăn là dự báo lũ, lũ quét trên các sông suối nhỏ bởi điều này phụ thuộc vào dự báo định lượng mưa – một thách thức không chỉ đối với ngành khí tượng nước ta. Cũng phải thừa nhận chúng ta chưa dự báo được tố, lốc xoáy, vòi rồng – các hiện tượng thường diễn ra lúc giao mùa, bởi các hiện tượng này diễn ra trên quy mô rất nhỏ, thậm chí chỉ vào ba trăm mét nên rất khó phát hiện qua quan trắc.

Ông Trần Văn Sáp

PV: Ngoài các hiện tượng không dự báo được như tố, lốc xoáy, vòi rồng như vừa đề cập, thì sau mỗi trận bão, lũ lại có những ý kiến trái chiều về công tác dự báo. Ông lý giải sao về điều này?

Ông Trần Văn Sáp: Đó là thực tế, song tôi nghĩ, cần nhìn nhận vấn đề ở hai góc độ. Có trường hợp cơ quan khí tượng dự báo sai và có trường hợp là người sử dụng bản tin hiểu sai các khái hiệm, theo dõi, sử dụng bản tin chưa kịp thời. Có người thắc mắc cơ quan khí tượng dự báo chiều bão mới vào tỉnh mình mà sáng đã thấy gió mạnh. Điều này thể hiện đúng bản chất của bão. Bởi vùng ảnh hưởng, bán kính gió mạnh của bão rất lớn, có khi lên tới 250-300 km nên có khi tâm bão đang ngoài biển mà các tỉnh ven bờ đã có gió mạnh cấp 7-8.

Các thông tin trái chiều này sẽ bất lợi cho cả người làm dự báo và người sử dụng bản tin, người dân... Vì thế để hạn chế tình trạng này, một mặt cơ quan dự báo chúng tôi đều rút kinh nghiệm sau mỗi lần dự báo, mặt khác công luận cũng cần bình tĩnh, đánh giá tính chính xác của bản tin cần dựa trên những số liệu đo thực tế, dựa trên sự cập nhật bản tin, chứ không nên vội vàng đánh giá. Có vậy mới vừa động viên được người làm dự báo, vừa tạo ra thông tin thông suốt minh bạch.

Một vấn đề khác ảnh hưởng đến công tác dự báo chính là công nghệ của chúng ta còn thiếu, yếu và lạc hậu. Ví dụ, về khí tượng, Việt Nam mới có 172 trạm quan trắc, loại thủ công. Trong khi đó, ví như Nhật Bản, họ có 1300 trạm quan trắc, loại tự động, hiện đại. Bên cạnh đó là thực trạng thiếu nhân lực trình độ cao cho công tác dự báo. 

PV: Thưa ông, tại hội nghị ngành khí tượng thuỷ văn Việt Nam cuối năm 2008, lãnh đạo Bộ TNMT đã nhấn mạnh rằng kinh phí cấp cho ngành KTTV là không thiếu. Vậy tại sao như đã đề cập, thiết bị của chúng ta vẫn còn thiếu và yếu như vậy?

Ông Trần Văn Sáp: Vâng, không phải chỉ Bộ TNMT mà ngay cả các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của nhà nước khi đến thăm trung tâm cũng nói rằng: không tiếc tiền đầu tư cho ngành khí tượng thủy văn, nhà nước sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của công tác khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, phải nói rằng, không phải một chốc một lát mà chúng ta có thể thực hiện được tất cả các yêu cầu. Tôi nói ví dụ, xây dựng trạm khí tượng tượng thủy văn, mình cũng không thể ngay một lúc xây dựng ngay được mật độ trạm dày như các nước tiên tiến. Người ta cũng phải mất vài ba chục năm mới đạt được như vậy.

Hiện chúng tôi đang trình Chính phủ những dự án và cơ bản chính phủ cũng nhất trí cho xây thêm trạm khí tượng thủy văn, cho mua thêm trang thiết bị công nghệ mới. Cụ thể năm 2007, 2008 chúng tôi cũng đã có được sự đầu tư tương đối khá, nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chung công tác dự báo.

 PV: Còn về nhân lực, thưa ông?

Ông Trần Văn Sáp: Thực sự là ngành đang thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực cao. Ngoài việc các cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm, thì chế độ đãi ngộ cũng ảnh hưởng rất nhiều tới việc tuyển mộ người tài vào làm việc ở ngành. Tôi ví dụ, các cán bộ làm việc tại các trạm khí tượng thủy văn được lĩnh lương 1,5 triệu, vừa phải thuê nhà, vừa phải sinh họat thì thật sự là rất khó.

PV: Quay trở lại với bản tin dự báo, theo ông, người dân cần có thái độ ứng xử thế nào với bản tin dự báo, đặc biệt là bản tin về biến cố thiên tai lớn, thưa ông?

Ông Trần Văn Sáp: Trách nhiệm của chúng tôi và các cơ quan truyền thông đại chúng là giúp người dân biết không phải mọi hiện tượng về thời tiết đều dự báo được. Thiên tai thường bất ngờ và diễn biến nhanh, khó lường nên người dân phải theo dõi cập nhật thông tin mới nhất để chủ động phòng chống, sẵn sàng có phương án ứng phó.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hùng Cường - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất