Thứ Năm, 19/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Hai, 3/12/2018 8:19'(GMT+7)

Dự báo tư tưởng phải đi trước đón đầu

Yêu cầu được đặt ra quả là cấp thiết, cũng là nỗi trăn trở chung của nhiều cán bộ, đảng viên hiện nay. Bởi lẽ, nhìn lại bức tranh tổng thể về công tác tư tưởng năm 2018, thấy rằng: Cùng với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, mặt công tác này cũng bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém; nhất là chưa thật nhạy bén, kịp thời trong dự báo tình hình và định hướng thông tin. Ở nhiều nơi, việc DBTT chưa đạt yêu cầu, còn chậm và không sát với thực tế. Thậm chí có nơi, cấp ủy, chính quyền không nắm chắc tình hình, thụ động trong xử lý.

DBTT là khâu quan trọng đầu tiên của công tác tư tưởng. Nếu dự báo đúng, trúng thì hiệu quả công tác tư tưởng sẽ đạt chất lượng tốt và ngược lại. Do vậy, ngành tuyên giáo nhất thiết phải tập trung mọi nguồn lực, tiến hành DBTT một cách chủ động, đi trước, đón đầu. Việc DBTT không chỉ xác định được các yếu tố, thành tố cấu thành xu hướng tư tưởng, các luồng dư luận, tin đồn trong xã hội, mà phải nhận định được khả năng, tiềm năng và nguy cơ của từng vấn đề tư tưởng nảy sinh; thậm chí phải xác định bước đầu về phương hướng, cách thức xử lý, giải quyết các vấn đề tư tưởng đặt ra.

Nội dung DBTT cần phải bảo đảm được tính đồng bộ trên nhiều phương diện. Trong đó, cần dự báo được cả mặt tư tưởng tích cực để tạo điều kiện, động viên, tạo nên sức mạnh nội sinh phục vụ sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, phải sớm nhận diện, phát hiện nguy cơ tư tưởng tiêu cực, tiềm ẩn những yếu tố khó lường nhất để sớm ngăn chặn, đẩy lùi; hoặc hóa giải biến “nguy cơ” thành “thời cơ”, biến “tiêu cực” thành “tích cực”, tạo bầu không khí, tâm lý xã hội lạc quan trong đời sống xã hội.

Để làm được điều đó, ngành tuyên giáo và các cấp ủy phải đầu tư nhiều hơn về nguồn lực và tiềm lực cho công tác DBTT. Trong đó cần ưu tiên nâng cao năng lực hành động cho hệ thống các viện, trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực này; kết hợp với áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác DBTT và xây dựng đội ngũ thông tin viên chuyên nghiệp đông đảo từ cơ sở đến Trung ương. Ngành tuyên giáo cần làm tốt công tác tham mưu về nhân sự, để cấp ủy các cấp ưu tiên bố trí nguồn nhân lực đủ tâm, đủ tầm và đủ sức hoàn thành nhiệm vụ DBTT trước yêu cầu mới.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả DBTT, bí thư cấp ủy, người đứng đầu phải là những người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả DBTT ở mỗi cấp. Người đứng đầu cần quyết liệt hơn trong đổi mới tác phong theo hướng gần dân, sát dân; chủ động nắm bắt diễn biến tình hình những vấn đề thời cuộc đang đặt ra liên quan đến đất nước và địa phương để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng nhận thức trong nội bộ và nhân dân. Cùng với đó, công tác DBTT phải được xác định rõ là nhiệm vụ của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, trong đó ngành tuyên giáo các cấp là cơ quan tham mưu, chỉ đạo trực tiếp; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các “binh chủng” làm công tác DBTT; phải đặc biệt quan tâm dự báo và giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất