(TG) - Bão số 8 (bão Phanfone) ít có khả năng di chuyển vào đất liền và khả năng sẽ tan trên biển sau khi tương tác với đợt không khí lạnh mạnh.
Chiều 26-12, TS Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đã có những nhận định về ảnh hưởng của bão số 8 (bão Phanfone). Theo đó, bão ít có khả năng di chuyển vào đất liền nước ta.
"Hiện nay (ngày 26-12) đang có một đợt không khí lạnh khá mạnh từ lục địa Trung Quốc di chuyển xuống và có sự tương tác làm cho bão số 8 suy yếu nhanh, khả năng bão số 8 tan trên biển trong khoảng ngày 29 và 30-12", ông Lâm nhận định.
Tuy nhiên theo ông Lâm, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, vùng biển khu vực giữa Biển Đông (vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió bão mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 14, sóng biển cao từ 6-8m, biển động dữ dội.
"Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, từ chiều 26-12 ở vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh", ông Lâm cho hay.
Trên đất liền, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ngày 27 và ngày 28-12 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to, sau đó mưa giảm nhanh.
"Đến khoảng ngày 30 và ngày 31-12 một đợt không khí lạnh lại tác động đến thời tiết khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Ngoài ra, cũng trong khoảng thời gian này, áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây, khu vực Trung Bộ chịu ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh với đới gió Đông ẩm nên mưa có xu hướng gia tăng.
Đặc biệt từ ngày 31-12 đến ngày 3-1-2020 sẽ xảy ra mưa diện rộng trên khu vực, trong đó các tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào đến Phú Yên có nhiều điểm mưa vừa đến mưa to", ông Lâm lưu ý.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Phanfone
Ngày 26-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện, yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Phanfone. Theo đó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố phải thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh.
Các phương tiện không đi vào khu vực nguy hiểm, vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới do ảnh hưởng của bão từ vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 15,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông.
Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú bão để đảm bảo an toàn.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai các phương án ứng phó với bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
|
Nhất Phong