Lễ khai mạc hoành tráng và đậm nét văn hoá
Mặc dù chiều tối 2/2, trời bỗng đổ mưa lớn, nhưng tại Sân khấu ngoài trời Công viên Sông Hậu vẫn đông chật người. Sự có mặt của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bộ trưởng, trưởng đoàn các nước tham dự Những ngày Du lịch- Văn hoá Mê Kông- Nhật Bản 2009 là Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và Nhật Bản, các vị đại sứ, tổng lãnh sự các nước Tiểu vùng Mê Kông- Nhật Bản, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo thành phố Cần Thơ và các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, đông đảo các tầng lớp nhân dân ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận... làm cho không khí ngày hội càng thêm náo nức.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nêu rõ: Những hoạt động của Những ngày Du lịch- Văn hoá Mê Kông- Nhật Bản lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Cần Thơ sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết và thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trong tiểu vùng Mê Kông và Nhật Bản.
Đồng chí nhấn mạnh: "Nhân dân các nước trong tiểu vùng Mê Kông cũng đang đứng trước những thách thức mang tính toàn cầu đó là những biến đổi của thiên nhiên, sự nóng lên của Trái đất, nước biển dâng lên và sự biến đổi khí hậu có thể tạo nên những hậu quả khôn lường cho môi trường sống của các quốc gia khu vực. Trong bối cảnh đó cùng với sự nỗ lực của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, chúng ta cần có sự hỗ trợ và giúp đỡ quí báu của nhân dân Nhật Bản nhằm bảo đảm cho sự phát triển hài hoà bền vững và đối phó một cách có hiệu quả trước những tác động tiêu cực do sự biến đổi của khí hậu gây nên cho các nước trong khu vực Mê Kông theo tinh thần Nghị quyết cấp cao Mê Kông - Nhật Bản vừa qua tại Tôkyô".
Sự kiện Những ngày Du lịch- Vă hoá Mê Kông- Nhật Bản tổ chức tại thành phố Cần Thơ- trung tâm của đồng bằng Sông Cửu Long của VN chắc chắn là một điểm tốt đẹp và hết sức có ý nghĩa đánh dấu thành công của năm Mê Kông- Nhật Bản 2009, đồng thời mở ra tương lai hợp tác giao lưu toàn diện mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa của các quốc gia trong tiểu vùng Mê Kông và Nhật Bản.
Trong lời phát biểu chào mừng, ông Trần Thanh Mẫn- Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ- Trưởng Ban tổ chức Những ngày Du lịch- Văn hoá Mê Kông- Nhật Bản 2009 khẳng định: Với nhiều hoạt động lễ hội mang đậm nét văn hoá mang nét đặc trưng của các nước tiểu vùng sông Mê Kông- Nhật Bản, sự kiện này là cơ hội để tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa tiểu vùng Mê Kông và Nhật Bản; đồng thời đóng góp vào sự tăng cường mối quan hệ chiến lược đối tác Việt Nam- Nhật Bản, nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực và quốc tế. Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh của một thành phố trẻ trung, năng động tràn đầy nhiệt huyết, của một đồng bằng Sông Cửu Long yên bình, thơ mộng, của một VN luôn quyết tâm sát cánh hợp tác với bạn bè, phấn đấu xây dựng một tiểu vùng sông Mê Kông hoà bình, ổn định và phát triển.
Nét đặc sắc của văn hoá các nước Tiểu vùng sông Mê Kông và Nhật Bản được thể hiện đậm nét qua chương trình nghệ thuật ngay sau Lễ khai mạc Những ngày Du lịch- Văn hoá Mê Kông - Nhật Bản 2009 tại Sân khấu ngoài trời Công viên Sông Hậu. Chương trình có sự tham gia của gần 200 diễn viên Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Trung ương, các đoàn nghệ thuật ở Cần Thơ và diễn viên, nghệ sĩ của các nước bạn. Chương trình chia làm hai phần: Phần 1- Chuyện kể những dòng sông. Với các bài hát hay về các dòng sông từ Bắc vào đến Nam như: Bên bờ sông Cái, Những cô giáo Quan họ, Ngược dòng Hương Giang, Sông quê, Đêm mùa nước nổi..., đã nói về tầm quan trọng cũng như vẻ đẹp của các dòng sông ở Việt Nam, sự gắn bó giữa các dòng sông với con người.Phần 2 của chương trình nghệ thuật thật sự là bức tranh sinh động của các nước bạn, với tên gọi Hội ngộ bên dòng Mê Kông. Mỗi điệu múa, lời ca cùng với hình ảnh giới thiệu về các di sản văn hoá, những điểm du lịch nổi tiếng và đời sống của nhân dân các nước Cam-pu-chia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản để lại ấn tượng khó quên với những người tham dự.
|
Sợi dây gắn kết để tăng cường giao lưu văn hoá và du lịch
Cùng với các chương trình nghệ thuật, những hoạt động khác trong khuôn khổ Những ngày Du lịch- Văn hoá Mê Kông - Nhật Bản 2009 thực sự là sợi dây gắn kết hữu hiệu giữa các nước tham gia ngày hội, là cơ hội để các nước cùng nhau tăng cường giao lưu văn hoá và du lịch. Đó là cuộc toạ đàm cấp bộ trưởng về hợp tác và phát triển du lịch và văn hoá Mê Kông- Nhật Bản, với chủ đề “"Mê Kông- Nhật Bản, hợp tác văn hoá, du lịch hướng đến tầm cao mới". Các đại biểu đã cùng thảo luận các giải pháp trong lĩnh vực du lịch và bảo tồn các di sản văn hoá, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng giữa các nước Mê Kông- Nhật Bản. Đó là hội thảo khoa học “Phát triển du lịch bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm thảo luận các nội dung liên quan đến hợp tác phát triển du lịch trong khuôn khổ Mê Kông - Nhật Bản và giới thiệu các dự án đầu tư du lịch, tiềm năng phát triển du lịch và các giá trị văn hoá tại các nước. Hội chợ Du lịch Mê Kông- Nhật Bản là cơ hội quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch của các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông và Nhật Bản. Tại Hội chợ các công ty du lịch lữ hành Việt Nam và các nước có cơ hội quí báu giới thiệu hoạt động, trao đổi các tua, tuyến du lịch và thiết lập quan hệ với các đối tác.
|
Một hoạt động ý nghĩa khác của ngày hội là việc hơn 5 nghìn người đã cùng tham gia Lễ hội đi bộ có tên “Ước mơ Mê Kông” sáng 2/2 để gây quĩ giúp trẻ em nghèo hiếu học các nước Tiểu vùng sông Mê Kông. Ngay tại buổi lễ, Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã trao cho đại diện 4 nước Tiểu vùng Mê-Kông là Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar mỗi nước 10.000 đô-la để giúp trẻ em nghèo hiếu học của các nước này. Góp vào bức tranh đa sắc màu của ngày hội còn có triển lãm ảnh Du lịch - Văn hoá Mê Kông - Nhật Bản, giải thi đấu bóng chuyền; đua thuyền rồng, Liên hoan đờn ca tài tử.v.v...
Tất cả các hoạt động của Những ngày Du lịch- Văn hoá Mê Kông - Nhật Bản lần đầu tiên đều nhằm củng cố sự thân thiện, hợp tác cùng sánh bước của các nước trong thế kỷ mới, vì hạnh phúc và phồn vinh./.
CTV Mai Hồng (từ Cần Thơ)