Thứ Bảy, 21/12/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 16/6/2017 21:10'(GMT+7)

Du lịch Việt Nam đang đứng ở đâu trong ASEAN?

Vui buồn những con số

Theo Tổng cục Du lịch, so sánh trong ASEAN, năm 2016 Việt Nam đứng thứ 5 về số lượng khách quốc tế với hơn 10 triệu lượt, bằng 31% so với Thái Lan (32,6 triệu), bằng 37% của Malaysia (26,8  triệu), 61% của Singapore (16,4 triệu), 83% so với Indonesia (12 triệu).

Về “Chỉ số năng lực cạnh tranh”, Tổng cục Du lịch cũng cho biết, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 67/136 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2015 và thuộc nhóm 10 nền kinh tế cải thiện mạnh nhất về thứ hạng; xếp hạng 5 và đứng đầu về mức độ cải thiện thứ hạng trong ASEAN so với đánh giá 2015.

Điểm mạnh nhất của Việt Nam là tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 30), tài nguyên tự nhiên (hạng 34), sức cạnh tranh về giá (hạng 35), nhân lực và thị trường lao động (hạng 37). Nhưng rất nhiều chỉ số của Việt Nam bị xếp hạng thấp: Mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (hạng 101) và mức độ mở cửa quốc tế (hạng 76). Đặc biệt, những hạn chế lớn nhất của ngành du lịch Việt là: Chất lượng hạ tầng du lịch xếp hạng 113, chi tiêu chính phủ cho ngành du lịch xếp hạng 114; chỉ số yêu cầu thị thực nhập cảnh xếp hạng 116, thấp nhất trong các nước ASEAN.

Cũng so sánh ngay trong khu vực ASEAN, năm 2016 Việt Nam chỉ chi khoảng 2,5 triệu USD cho xúc tiến điểm đến du lịch quốc gia trong khi Thái Lan, Singapore, Malaysia chi khoảng 100 triệu USD cho hoạt động này.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 22 nước nhưng Indonesia miễn cho 169 nước và vùng lãnh thổ; Singapore là 158, Philippines 157,  Malaysia 155 và  Thái Lan miễn cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ.

Malaysia có 35 văn phòng đại diện du lịch tại nước ngoài, Thái Lan có 28 văn phòng, Singapore 23 văn phòng còn Việt Nam đến nay vẫn chưa có một văn phòng đại diện du lịch nào ở nước ngoài.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam cao thứ 2 khu vực. Trong cả giai đoạn 2011-2016, du lịch Việt Nam tăng trưởng 11%, chỉ thấp hơn Myanmar (37%) và Campuchia (12%). Riêng năm 2016, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực (26%), trong khi Indonesia đạt 16% (cao thứ hai khu vực), Philippines (11%), Thái Lan (9%), Singapore (8%), Campuchia và Malaysia (4%), các nước khác giảm.

Từ thực tế này, Tổng cục Du lịch cảnh báo, du lịch Việt Nam còn ở vị trí thấp so với các nước Thái Lan, Malaysia và Singapore. Khả năng đuổi kịp các nước này chỉ có thể đặt ra khi Việt Nam thực sự quan tâm đến ngành du lịch.

Đối với các nước ở nhóm thấp hơn, du lịch Việt Nam ở mức độ phát triển cao hơn, nhưng nếu ta không quan tâm và có những xung lực phát triển mới thì du lịch các nước có thể dần tiệm cận với mức độ phát triển du lịch của nước ta.

Những việc cần làm

Bộ VHTT&DL đã đề xuất Chính phủ nhiều nhóm giải pháp để đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt được mục tiêu tăng trưởng 30% trong năm 2017.

Nhóm giải pháp cụ thể trước mắt là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng tiếp tục tận dụng cơ hội của Năm APEC 2017 để tăng cường xúc tiến quảng bá tại chỗ và ở nước ngoài; triển khai ngay gói kinh phí khoảng 30 tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến quảng bá sau khi quỹ xúc tiến du lịch được hình thành.

Về thủ tục nhập cảnh: Mở rộng danh sách các nước được thí điểm áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa); tiếp tục miễn thị thực cho công dân 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy, thời gian miễn trong 5 năm, thời gian lưu trú 30 ngày.

Tập trung quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm phục vụ cho khách du lịch; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 18/CT-TTg, Chỉ thị 14/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch nội địa. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu khách du lịch nội địa, nhất là các dịp cao điểm du lịch hè, nghỉ Quốc khánh 2/9 và các ngày nghỉ cuối tuần; phát triển các sản phẩm mới ở cả các địa bàn trọng điểm kết hợp với khai thác các điểm đến mới gắn với du lịch biển và du lịch tự nhiên kết hợp văn hóa, lịch sử; tăng cường liên kết phát triển du lịch với các lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật và các lĩnh vực khác.

Duy trì sự tăng trưởng ổn định của các thị trường khách, tập trung khai thác các thị trường quy mô lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Tây Âu. Cho phép thí điểm cấp thẻ hướng dẫn viên tạm thời cho các thị trường ngoại ngữ hiếm./.

Theo chinhphu.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất