Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Năm, 15/6/2017 20:57'(GMT+7)

Nhật ký "chú lính chì" Thiện Nhân: Câu chuyện từ trái tim người mẹ

"Mẹ Còi" và "chú lính chì" Thiện Nhân. (Ảnh: Đẹp/Vietnam+)

"Mẹ Còi" và "chú lính chì" Thiện Nhân. (Ảnh: Đẹp/Vietnam+)

Trong buổi ra mắt sách diễn ra sáng nay (15/6) tại Hà Nội, cả khán phòng đã lặng đi khi nhìn lại hành trình 11 năm “Thiện Nhân và những người bạn” - những đôi bàn tay nắm chặt, những đôi mắt ngấn lệ, hai hàng nước mắt chực trào ra…

Câu chuyện từ trái tim người mẹ

Tháng 7/2006, câu chuyện về một bé trai ở Quảng Nam bị mẹ bỏ rơi trong vườn, rồi bị thú hoang ăn mất phần chân phải bộ phận sinh dục khiến dư luận bàng hoàng. Hai bác sỹ ở bệnh viện đã đặt tên cậu bé là Thiện Nhân với mong muốn cuộc đời con sẽ gắn liền với hai chữ ấy.

Nhà báo Trần Mai Anh đã nhận nuôi Thiện Nhân, dạy cậu bé tập ăn, tập nói, kiên trì tìm bác sỹ chữa chạy cho “chú lính chì” những chứng bệnh từ nhỏ (ghẻ lở, viêm đường ruột...) và nhẫn nại, bền bỉ song hành cùng con quá trình chạy chữa, tái tạo bộ phận sinh dục kéo dài nhiều năm, phải đi tới nhiều quốc gia xa xôi như Italy, Đức, Mỹ...

“Hành trình yêu thương: Nhật ký Thiện Nhân”
 là câu chuyện về những chuyến đi trong hành trình đằng đẵng ấy với những khó khăn chồng chất, những đau đớn kéo dài… Tất cả được kể bằng trái tim một người mẹ - bao la và dịu ngọt.

Ở đó, người đọc có thể thấy cả nỗi đau, niềm hy vọng, những phút giây hạnh phúc vỡ òa và cả những lúc mệt mỏi, như muốn gục ngã… của chị trong hành trình chữa bệnh cho con kéo dài nhiều năm.
“Bạn hỏi tôi kể về những câu chuyện trong hành trình mong mỏi được làm một người bình thường của cậu bé Thiện Nhân này? Đó là một câu hỏi khiến tôi lúng túng, lúng túng giống như một đứa trẻ với quá nhiều kẹo trên tay, đến nỗi loay hoay chỉ sợ rơi mất…

Hành trình khởi đầu bằng một đứa trẻ bị bỏ lại trên hai cái lá đu đủ và bị che kín bằng một cái mẹt rách, ở một nơi chẳng mấy người qua kẻ lại. Kiến, côn trùng bu kín vết thương bị cắn xé nham nhở. Và máu khô lại trên cơ thể đã tím đen.

Tôi nhớ lắm cái cảm giác đau đớn và tuyệt vọng của một đứa trẻ khi con cá vàng mình nuôi bị chết. Con cá vàng óng ánh trong mắt của một đứa trẻ, là tôi ngày bé, lộng lẫy đến tuyệt vời. Một ngày, khi tôi đi học về, con cá nằm chết bên cạnh cái bể nước. Cả đàn kiến bu lấy nó. Tôi đã gây ra cái chết này, vì ngu dốt đổ quá nhiều nước nên con cá quẫy mạnh rồi bị rơi ra ngoài bể.

Các ông bố sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác này vì họ không có cơ hội được biết cái cử động đầu tiên của một em bé trong bụng mẹ. Đó là một cái quẫy rất nhẹ, giống như một con cá bé tí xíu quẫy nước. Đó là cảm nhận đầu tiên của người mẹ về một sự sống nhỏ bé bắt đầu lớn lên trong cơ thể mình. Đó là sợi dây đầu tiên kết nối giữa Con và Mẹ. Đó là cử động nhỏ đến mong manh, nhưng lại quyết định niềm tự hào, hạnh phúc hay sự đau khổ của người làm mẹ.

Khi người ta lần đầu tiên nhìn thấy Thiện Nhân, thằng bé không có chút biểu hiện nào của sự sống. Tím đen, bị mất chân phải, mất bộ phận sinh dục, và bị kiến bu đầy. Không cha, không mẹ, không tên, một ‘đứa bé vô danh,’ một ‘thằng cụt.’ 
Nỗi đau đớn đến tột cùng, ranh giới của cái chết và sự sinh tồn khiến không biết bao bà mẹ, bao ông bố đã khóc thương, đã căm giận. 

Tôi rất sợ kiến, tôi khóc thương con cá vàng của tôi, tôi chợt thấy tôi đang bỏ quên một đứa con của mình. Tôi phải đón Thiện Nhân về, để yêu, để bù đắp…,” người mẹ ấy viết.

Đồng hành cùng “Thiện Nhân và những người bạn”

“Mẹ Còi” (biệt danh của chị) bảo, “Hành trình yêu thương: Nhật ký Thiện Nhân” (Nhà xuất bản Kim Đồng) không phải được viết ra để trở thành một xuất bản phẩm. “Đó đơn thuần là nhật ký của chị về con trai mình, những ghi chép đời thường về quá trình lớn lên của cậu bé. “Thế nhưng, tôi tin, nó sẽ gợi ra suy nghĩ về nhiều đứa trẻ bất hạnh khác. Cuộc sống ngoài kia vẫn có những đứa trẻ kém may mắn hơn Nhân,” nhà báo Trần Mai Anh chia sẻ.

Hành trình chữa bệnh cùng “chú lính chì” Thiện Nhân ấy như một mối “duyên” đưa chị đến và cũng là cái “nghiệp” gắn cuộc sống của chị với những cảnh đời bất hạnh khác - những em bé bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Chị và các cộng sự đã sáng lập, điều phối chương trình “Thiện Nhân và những người bạn.”

“Sự yêu thương và sẻ chia cần được lan tỏa. Tôi được hoài niệm lại những chuyến đi qua từng trang sách, từng câu chuyện và tôi rất tự hào về Mai Anh - một người mẹ phi thường. Mai Anh đã vượt qua được những vất vả, toan tính thường nhật để đón nhận, yêu thương Thiện Nhân và giúp đỡ những gia đình khác có con không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục,” ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á bày tỏ.

Từ tháng 8/2011, quỹ đã phẫu thuật miễn phí 230 ca, khám và tư vấn miễn phí cho hơn 800 trẻ em không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Bên cạnh các hoạt động khám chữa bệnh, chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” đã phối hợp với các bệnh viện tổ chức hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết niệu và tái tạo bộ phận sinh dục.

“Chúng tôi muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm để các bác sỹ Việt Nam có thể trực tiếp thực hiên các ca phẫu thuật liên quan đến việc tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em,” ông Greig Craft chia sẻ.

Toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành cuốn sách “Hành trình yêu thương: Nhật ký Thiện Nhân” sẽ được dành tặng cho chương trình “Thiện Nhân và những người bạn.”

“Hiện nay, các ca phẫu thuật thuộc chương trình ‘Thiện Nhân và những người bạn’ được duy trì nhờ sự chung tay của các tổ chức, nhà hảo tâm trong nước và các bác sỹ tình nguyện từ Mỹ, Italy… Tuy nhiên, với nguồn lực huy động được như hiện nay, chương trình chỉ có thể tiến hành hỗ trợ phẫu thuật cho vài chục trường hợp mỗi năm; trong khi đó, số lượng trẻ em bị khuyết tật bộ phận sinh dục trên cả nước còn rất nhiều. Đến thời điểm này, chương trình có hơn 1.000 hồ sơ đang chờ khám,” chị Trần Mai Anh cho biết./.

An Ngọc/VietNam+

 
 Bìa cuốn sách "Hành trình yêu thương"


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất