Những sai lầm chiến thuật của ông Obama trong cuộc tranh luận đầu tiên đã giúp ứng cử viên Romney giành thế áp đảo.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 đã thực sự bước vào giai đoạn “nóng bỏng” nhất với việc hai ứng cử viên vừa hoàn tất một trong ba cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Nhiều người cho rằng chiến thuật sai lầm của đương kim Tổng thống Barack Obama, ứng cử viên của đảng Dân chủ đã khiến ông bị đối thủ của phe Cộng hòa, Thượng nghị sỹ Mitt Romney vượt lên dẫn điểm một cách đầy bất ngờ sau cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra tối 4/10.
Trước khi cuộc tranh luận diễn ra, Tổng thống Obama đang dẫn điểm trước đối thủ trong hầu hết các vấn đề nóng mà cử tri Mỹ quan tâm. Và với tài diễn thuyết của mình, không ít người tin rằng ông Obama sẽ tiếp tục tích lũy điểm cho “trận chiến cuối cùng” vào ngày 6/11 tới. Tuy vậy, vị trí của 2 ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng dường như đã bắt đầu thay đổi sau cuộc tranh luận tối qua.
Từ một ứng cử viên yếu thế hơn, ông Romney đã áp đảo đương kim tổng thống trong hầu hết các chủ đề tranh luận, từ kinh tế, chính sách thuế, tạo việc làm cho đến chăm sóc y tế. Các con số thống kê cho thấy cuộc tranh luận đầu tiên bao giờ cũng thu hút nhiều cử tri nhất và ông Romney đã quyết định sử dụng chiến thuật tấn công, khoét sâu vào vấn đề kinh tế vốn là điểm yếu của Tổng thống Obama, nêu chi tiết về các kế hoạch hành động và bám vào những chủ đề lớn.
Với ông Obama, thách thức lớn nhất là làm sao có thể tránh được sơ sẩy. Khiếm khuyết của ông Obama trong các cuộc tranh luận trước đây chính là sự kiêu ngạo, thói quen giải thích dài dòng và quá học thuật. Nhưng khi chọn chiến thuật an toàn, ông Obama gần như đã đánh mất mình.
Các kết quả thăm dò dư luận ngay sau cuộc tranh luận đã khiến Ban vận động tranh cử của đảng Dân chủ, những cử tri ủng hộ ông Obama và thậm chí cả phe Cộng hòa bất ngờ.
Hai cuộc thăm dò dư luận do các hãng tin CNN và CBS tiến hành cho thấy, các cử tri hiện còn do dự đều tỏ ra thất vọng trước màn trình diễn thiếu thuyết phục của ông Obama. Trong cuộc thăm dò của CBS, 46% số người được hỏi nói rằng ông Romney đã làm tốt hơn trong khi chỉ có 22% nghĩ rằng ông Obama thắng thế. Số người cho rằng ông Romney quan tâm và hiểu những vấn đề của họ đã tăng từ 30% lên 63%.
Còn theo cuộc thăm dò của CNN, 67% số người được phỏng vấn nghĩ rằng ông Romney đã có cuộc tranh luận tốt và 25% có nhận xét tương tự với ông Obama. Từ trước tới nay, chưa ứng cử viên tổng thống nào giành được tỷ lệ trên 60%.
Trong một cuộc điều tra dư luận khác do một nhóm có tên gọi "Wal-Mart Moms" ở thành phố Las Vegas tiến hành, hình ảnh của ông Romney trong mắt cử tri Mỹ đã tăng thêm 20 điểm, trong khi ông Obama chỉ ghi thêm được 5 điểm. Theo cuộc thăm dò do một nhóm chuyên gia của lưỡng đảng tiến hành, rất nhiều phụ nữ, vốn là lực lượng hậu thuẫn mạnh mẽ của Tổng thống Obama đã quay sang ủng hộ ông Romney. Họ không tin ông Obama sẽ tạo ra sự khác biệt hoặc làm tốt hơn công việc của mình nếu ông tái đắc cử vào tháng sau.
Giới phân tích cho rằng, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc mất điểm một cách đáng tiếc của ông Obama. Dường như đương kim tổng thống không có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc tranh luận lần này và chưa đánh giá đúng đối thủ. Chiến thuật “phòng ngự” mà ông sử dụng đã vô tình trở thành con dao hai lưỡi, đẩy ông vào thế bị động.
Trong khi đó, ông Romney liên tục công kích đối thủ trong suốt 90 phút và tận dụng rất tốt format chương trình, khiến ông Obama ở một số thời điểm lâm vào tình thế lo lắng, bị kích động, mất bình tĩnh hoặc lúng túng. Ứng cử viên của đảng Cộng hòa cũng trả lời rõ ràng, rành mạch hầu hết các câu hỏi, trong khi ứng cử viên của đảng Dân chủ lại không làm được điều đó. Ông Romney cũng rất khôn khéo lấy lòng cử tri trung lưu nhằm thay đổi hình ảnh về một ứng cử viên chỉ biết tới lợi ích của người giàu.
Chuyên gia phân tích chính trị Frank Luntz nhận định: “Công chúng muốn biết từng ứng cử viên là người như thế nào và ai là người quan tâm đến họ. Điều thú vị là ông Romney đã không sử dụng cụm từ “tầng lớp trung lưu” mà dùng “những người có mức thu nhập trung bình”. Điểm khác biệt mà ứng cử viên Romney muốn tạo ra ở đây là ông muốn biến Tổng thống Obama trở thành người gây chia rẽ, là người đề cập đến cuộc chiến giai cấp. Chính vì vậy mà việc ông Romney chọn sử dụng cụm từ “thu nhập trung bình” đóng vai trò rất quan trọng”.
Chuyên gia chính trị kỳ cựu David Gergen cũng dành không ít lời khen cho ông Romney: “Đây là màn trình diễn ấn tượng nhất của Mitt Romney từ trước tới nay. Ông ấy đã dẫn dắt cuộc tranh luận theo cách ít ai có thể ngờ tới. Ông ấy tận dụng tất cả mọi cơ hội và đặt ra chuẩn mực cho cuộc tranh luận này”.
Những người thân cận với Tổng thống Obama thừa nhận rằng Tổng thống đã bị “át vía” trước một đối thủ đầy mạnh mẽ và chuẩn bị tốt. Theo các chuyên gia phân tích, ông Obama vẫn mắc căn bệnh cố hữu của nhiều tổng thống đương nhiệm: sợ tỏ ra quá hiếu thắng và sợ sơ suất. Ông Obama hầu như không đề cập đến bất kỳ một điểm yếu nào của ông Romney như sa thải nhân công, những khuất tất trong vấn đề tài chính cá nhân, quan điểm về an sinh xã hội, gọi 47% dân Mỹ là những người ăn bám, mà thay vào đó lại chỉ tập trung vào những chi tiết còn thiếu trong đề xuất chính sách của ông Romney. Ngay cả khi ông này liên tiếp “hở sườn” thì Tổng thống Obama cũng không tấn công. Sự thận trọng thái quá và bị động do thiếu chuẩn bị chính là những sai lầm chết người của Tổng thống Obama trong vòng tranh luận đầu tiên.
Các chuyên gia dự đoán, tỷ lệ ủng hộ ông Romney sẽ tăng 1 đến 2 điểm nhưng điều tối quan trọng là liệu ông này có duy trì được ưu thế hiện nay, hay đây chỉ là hiện tượng nhất thời. Ngoài ra, Tổng thống Obama đang dẫn trước ở các bang sẽ tổ chức bầu cử sớm gồm Ohio và Wisconsin, và cả hai ứng cử viên vẫn còn 2 cuộc đấu tay đôi trước mắt./.
Theo VOVNew