Dư luận đang khá xôn xao về chức danh của học sinh tiểu học quy định
trong Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo
công bố.
Theo đó, lớp học tiểu học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ
tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên
chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học.
Mỗi lớp học chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm học sinh. Mỗi tổ ban,
nhóm có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký
do học sinh trong tổ, ban, nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ
định luân phiên trong năm học.
Nhiều ý kiến cho rằng việc có các chức danh như chủ tịch hội đồng tự
quản hay phó chủ tịch hội đồng tự quản, trưởng ban, phó ban... sẽ khiến
cho học sinh ảo tưởng về quyền lực, gây phân tán thời gian học hành của
các em.
Xung quanh những vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi
với tiến sỹ Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại
học Sư phạm Hà Nội.
Mô hình đã triển khai
- Thưa bà, dư luận đang khá quan tâm đến dự thảo Điều lệ trường tiểu
học do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, trong đó có vấn đề chức danh
của học sinh trong lớp. Bà thấy vấn đề này thế nào?
Tiến sỹ Vũ Thu Hương: Thực ra, các chức danh này không
phải là mới mà nó gắn liền với mô hình trường tiểu học mới VNEN. Mô hình
này đã được triển khai ba năm nay, ở khoảng 4.000 trường tiểu học trên
cả nước, trong đó Hà Nội có khoảng 50 trường.
Ở mô hình trường tiểu học mới không có chức danh lớp trưởng, lớp phó, tổ
trưởng, tổ phó mà các học sinh sẽ tự bầu chủ tịch và phó chủ tịch hội
đồng tự quản của mình. Bên cạnh đó còn có các chức danh khác như trưởng
ban kỷ luật, trưởng ban phong trào, trưởng ban học tập, trưởng ban đối
ngoại, trưởng ban sức khỏe, trưởng ban văn nghệ...
Đây là mô hình trường học mới với rất nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên,
mới chỉ có số ít trường tiểu học trên cả nước, chiếm khoảng hơn 10%, áp
dụng. Vì thế, trong dự thảo Điều lệ trưởng tiểu học mà Bộ đang lấy ý
kiến đóng góp của dư luận, Bộ vẫn quy định song song hai hình thức “lớp
học tiểu học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng
tự quản học sinh”.
Có thể hiểu, với các trường theo mô hình VNEN thì sẽ có chủ tịch và phó
chủ tịch hội đồng tự quản, và điều này không mới lạ gì với học sinh, phụ
huynh, giáo viên vì nó đã được áp dụng 3 năm qua. Còn với các trường
tiểu học còn lại vẫn duy trì theo cách truyền thống là có lớp trưởng,
lớp phó...
Tiến sỹ Vũ Thu Hương.
- Nhưng nhiều ý kiến cho rằng điều đó sẽ khiến học sinh ảo tưởng về
chức danh, quyền lực, hoặc làm nặng nề thêm về ban bệ trong lớp trong
khi nhiệm vụ trọng tâm của học sinh là học tập, thưa bà?
Tiến sỹ Vũ Thu Hương: Tôi nghĩ rằng phụ huynh đang áp đặt cách
suy nghĩ của người lớn. Phụ huynh đã đi làm và ở nơi làm việc, ông chủ
tịch hội đồng quản trị là to nhất, vì thế sẽ thấy chủ tịch hội đồng tự
quản là một chức danh rất to tát trong lớp học.
Tuy nhiên, với học sinh, nhất là học sinh tiểu học, chưa hiểu ý nghĩa
các cụm từ chức danh lắm thì gọi bạn là lớp trưởng hay chủ tịch hội đồng
tự quản không có gì khác nhau, đều là bạn học sinh đứng đầu quản lý
lớp.
Phụ huynh lo lắng về việc nhiều ban bệ, nhưng thực ra mô hình mới, các
chức danh tương đương, thay vì lớp trưởng, lớp phó có chủ tịch và phó
chủ tịch hội đồng tự quản, thay vì tổ trưởng có trưởng ban, bạn quản ca
được thay bằng trưởng ban văn nghệ…
Cũng giống như trường tôi, giả sử đổi từ Đại học Sư phạm Hà Nội sang Đại
học Sư phạm Thủ đô thì cũng chỉ là khác về sắc thái, câu chữ.
Hơn nữa, tôi cũng ngạc nhiên trước sự phản ứng của phụ huynh. Thứ nhất,
mô hình này không mới, đã có từ ba năm nay, sao bây giờ phụ huynh mới
phản ứng?
Thứ hai, nếu với các trường tiểu học mới bắt đầu áp dụng mô hình này,
sao phụ huynh đặt nhiều thời gian hoài nghi một cái mà chúng ta chưa bắt
đầu, chưa kiểm nghiệm kết quả?
Phụ huynh lo lắng về vấn đề học sinh ảo tưởng quyền lực, chức danh, sẽ
có ganh đua hay quát nạt các bạn khác. Đó là điều khó tránh khỏi, có
chức vụ thì chắc chắn có ganh đua, với mô hình truyền thống là lớp
trưởng, lớp phó cũng vậy. Vì thế, phụ huynh chỉ có thể phản đối với lý
do này nếu lớp học ở tiểu học từ trước tới nay chưa từng có vấn đề chức
danh.
- Là chuyên gia giáo dục tiểu học, đã từng đến rất nhiều trường tiểu
học mới, bà nhận thấy hiệu quả của mô hình quản lý lớp này thế nào?
Tiến sỹ Vũ Thu Hương: Tôi thấy tốt hơn nhiều vì học sinh sẽ chủ động hơn so với mô hình truyền thống.
Khi bạn còn đi học, lớp trưởng thường do giáo viên chủ nhiệm chỉ định,
thường là một bạn xinh xắn hay học giỏi nhất lớp. Bạn này thường sẽ là
cánh tay nối dài của giáo viên chủ nhiệm trong quản lý lớp. Bạn lớp
trưởng thường rất oách vì được cô cưng và nhiều khi không được các bạn
trong lớp yêu quý.
Tuy nhiên, chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng tự quản lại không do cô chủ nhiệm chỉ định mà do các bạn học sinh trong lớp bầu.
Vì thế, thứ nhất, bạn nào muốn làm chủ tịch hội đồng tự quản có thể tự
ứng cử, chủ động vận động tranh cử. Khi đảm nhiệm vị trí này, chủ tịch
hội đồng tự quản cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện được khả
năng của mình, biết quan tâm tới các bạn, được các bạn yêu quý, nếu
không sẽ bị “phế truất”.
Thứ hai, các học sinh trong lớp cũng cảm nhận và thể hiện được quyền tự
chủ của mình khi có quyền bình bầu một bạn nào đó lên làm quản lý lớp
hoặc có quyền cử bạn khác lên thay.
Đến các trường tiểu học mới, tôi thấy học sinh tự tin hơn, chủ động hơn,
năng động hơn, dám đứng lên phát biểu ý kiến, nói năng chững chạc, dám
thể hiện mình và tìm cách thu hút người khác.
Chỉ có điều là với chức danh này, do quá dài nên đôi khi giáo viên gọi nhầm (cười).
Với bản thân tôi, nếu được tự quyết, tôi sẽ không để bất cứ một chức vụ
nào với học sinh tiểu học để các con có môi trường công bằng tuyệt đối.
Còn nếu chọn một trong hai, thì tôi thấy phụ huynh cũng không cần quá
căng thẳng với vấn đề chức danh của các con mà hãy quan tâm hơn, đặt dấu
hỏi nhiều hơn về kết quả chất lượng giáo dục, chẳng hạn vấn đề học sử
được phản ánh trong một clip gần đây.
Xin cảm ơn bà!./.
Phạm Mai (Vietnam+)