Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Nhà nước Việt Nam coi trọng thúc đẩy hợp quốc tế trong lĩnh vực quyền con người với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Trên thực tế, chúng ta đã chủ động tham gia nhiều lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ đa phương cũng như song phương và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường hiểu biết của các nước về thực tế đảm bảo quyền con người tại Việt Nam, học tập kinh nghiệm tốt của quốc tế, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
1. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người
Hợp tác và hội nhập quốc tế là một chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc Đổi mới đất nước. Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10-4-2014 về hội nhập quốc tế xác định những định hướng chủ yếu của quá trình hội nhập quốc tế, trong đó nhấn mạnh “chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi”.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về quyền con người, ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp Đổi mới, Đảng ta đã đề ra những tư tưởng chỉ đạo, trong đó nêu rõ sẵn sàng tỏ thiện chí hợp tác trong quan hệ quốc tế về quyền con người, đồng thời đấu tranh với những âm mưu lợi dụng vấn đề này để chống phá ta(1). Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt và từng bước được phát triển thêm qua các kỳ đại hội của Đảng. Từ chỗ “sẵn sàng tỏ thiện chí hợp tác”, đến nay ta “sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề dân chủ, nhân quyền; chủ động, kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam”(2).
Triển khai định hướng chỉ đạo của Đảng nêu trên, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 41 về “Tăng cường bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới”, trong đó khẳng định “sẵn sàng đối thoại về nhân quyền với các nước, các tổ chức quốc tế, trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ, bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Hoạt động đối thoại và hợp tác về quyền con người đã được thể hiện thông qua các diễn đàn quốc tế, các hội nghị, hội thảo; qua đó chúng ta đã tuyên truyền về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo nhằm bảo vệ các quan điểm, giá trị về nhân quyền của Đảng và Nhà nước ta; tăng cường sự hiểu biết, khắc phục và thu hẹp những vấn đề còn khác biệt, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế, nhân dân thế giới và cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài trên cơ sở đảm bảo tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, không can thiệp và công việc nội bộ của nhau, kiên quyết phê phán, vạch trần những luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở nước ta.
Như vậy, có thể nói Đảng và Nhà nước ta chủ trương vấn đề quyền con người cần được xử lý thông qua đối thoại và mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống việc lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.
2. Những thành tựu đạt được
Quán triệt chủ trương lớn của Đảng nêu trên, chúng ta đã chủ động tham gia 5/9 điều ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người, gồm Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (ICESCR); Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công ước về quyền trẻ em (CRC), cùng hai Nghị định thư không bắt buộc về trẻ em trong xung đột vũ trang và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và khiêu dâm. Việt Nam cũng đã ký Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD) và Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT). Việc phê chuẩn hai Công ước này đang được Quốc hội xem xét và dự kiến sẽ thông qua vào cuối năm 2014. Việt Nam cũng đang xem xét tích cực việc tham gia hai Công ước còn lại là Công ước về quyền của người lao động di cư và các thành viên gia đình họ (CMW) và Công ước về chống mất tích cưỡng chế (CPED).
Kể từ khi trở thành viên của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) năm 1980, Việt Nam đã gia nhập 19 công ước quốc tế của ILO có liên quan đến việc đảm bảo quyền của người lao động, trong đó có những công ước quan trọng như: Công ước số 5 về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước số 111 về không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp...
Với tư cách thành viên, chúng ta nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, trong đó có việc làm báo cáo định kỳ tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Gần đây, Việt Nam đã trình bày thành công báo cáo CEDAW lần thứ sáu năm 2007 và đang sớm hoàn thiện báo cáo cho kỳ tiếp theo, báo cáo ICERD lần thứ 14 vào tháng 2-2012, báo cáo CRC lần thứ tư vào tháng 5-2012. Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị cho việc trình bày báo cáo ICESCR lần ba vào tháng 11-2014 và tích cực xây dựng báo cáo ICCPR để có thể trình trong năm 2015. Việc hoàn thành một khối lượng công việc lớn để nộp hầu hết các báo cáo đúng thời hạn thể hiện sự nghiêm túc và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc bảo đảm tôn trọng và thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực quyền con người. Điều này đã được các Uỷ ban theo dõi thực hiện công ước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Song song với quá trình tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, các văn bản pháp luật trong nước được ban hành hoặc sửa đổi theo hướng nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, qua đó tạo thuận lợi cho việc thực hiện các điều ước này. Điểm đáng chú ý là Việt Nam tham gia hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng trong bối cảnh đầu những thập niên 1980 khi tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù điều này đặt gánh nặng về nghĩa vụ thành viên cho Việt Nam trong khi năng lực thực thi còn nhiều điểm cần khắc phục, nhưng đã thể hiện ước vọng và quyết tâm của Việt Nam, cũng như nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng coi trọng việc hợp tác với các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người, trong đó có Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền. Việc tham gia vào cơ chế này là dịp để tất cả các nước, không phân biệt lớn nhỏ, nhìn nhận, đánh giá quá trình đảm bảo các quyền con người của mình. Việt Nam lần đầu tiên thực hiện cơ chế UPR vào tháng 5-2009, khi đó chúng ta đã chấp thuận 96 trong tổng số 123 khuyến nghị nhận được từ 60 nước, ngoài ra 5 khuyến nghị khác đã và đang được thực hiện trên thực tế tại thời điểm rà soát.
Từ cuối năm 2012, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực chuẩn bị báo cáo UPR chu kỳ 2. Tiếp nối những kinh nghiệm từ lần soạn thảo và trình bày tại chu kỳ 1 năm 2009, báo cáo UPR chu kỳ 2 được soạn thảo kỹ lưỡng, chi tiết với sự tham vấn rộng rãi của tất cả các bộ, ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội và cả các cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Các cá nhân, tổ chức quan tâm cũng có đóng góp cho dự thảo Báo cáo Quốc gia thông qua các phương tiện thông tin như mạng internet, thư tín...
Ngày 5-2-2014, trong khuôn khổ Cơ chế UPR chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền, đoàn Việt Nam đã phát biểu nêu bật chính sách, nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới toàn diện, phát huy dân chủ và bảo đảm quyền con người, tạo bầu không khí đối thoại cởi mở, thẳng thắn, xây dựng với tất cả các nước, góp phần đề cao vị thế, hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới, nghiêm túc, có trách nhiệm, sẵn sàng đối thoại và đóng góp tích cực về mọi vấn đề quyền con người mà quốc tế quan tâm. Trong phần đối thoại sau đó, đại diện của hầu hết các nước đã đánh giá cao chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt trong việc thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó dành hẳn một chương với 36 điều quy định chi tiết về các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá của người dân và quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người. Các nước cũng đánh giá cao sự cởi mở, hợp tác và tích cực của Việt Nam, khẳng định cộng đồng quốc tế hoan nghênh và mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp to lớn hơn nữa trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên phạm vi quốc tế.
Kết thúc phiên đối thoại, Việt Nam nhận được 227 khuyến nghị, trong đó ta chấp nhận 182 khuyến nghị, chiếm hơn 80%. Các khuyến nghị tập trung vào các lĩnh vực cải cách tư pháp, pháp luật về quyền con người; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm...; tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc và tiếp tục đóng góp tích cực vào hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Việc triển khai thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương về quyền con người, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước, đóng góp cho mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về quyền con người. Việt Nam đã tham gia tích cực vào một số cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người như Uỷ ban Nhân quyền (nhiệm kỳ 2001-2003), Uỷ ban Phát triển xã hội (nhiệm kỳ 2001 - 2004), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (nhiệm kỳ 1998 -2000).
Kể từ ngày 1-1-2014, Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), cơ quan quan trọng nhất trong hệ thống của Liên hợp quốc về quyền con người. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu thắng lợi mới trong việc triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội đóng góp một cách trực tiếp hơn tiếng nói và hành động đầy tính xây dựng, trách nhiệm của mình vào công cuộc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới, cũng như có điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế nhằm đảm bảo sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của mỗi người dân Việt Nam.
Tại các diễn đàn này, Việt Nam đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống xu hướng chính trị hoá và lập trường “tiêu chuẩn kép” của một số nước trong vấn đề nhân quyền, ủng hộ cách tiếp cận dựa trên đối thoại, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau; đấu tranh đề cao và thúc đẩy việc thực hiện các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội và quyền phát triển phù hợp quan tâm chung của các nước đang phát triển; chủ động và tích cực tham gia đồng tác giả nhiều dự thảo nghị quyết, đề cao và thúc đẩy việc thực hiện các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội, đặc biệt là các dự thảo nghị quyết liên quan đến quyền trẻ em, quyền phụ nữ, vấn đề giáo dục, phòng chống ma tuý, tội phạm... Việt Nam cũng là một trong ba nước đang phát triển đưa nội dung về “Hợp tác quốc tế” trở thành một điều khoản chính trong Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Trong nhiệm kỳ thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009), trong hai lần làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã triệu tập các cuộc thảo luận mở về trẻ em và xung đột vũ trang và phụ nữ, hòa bình, an ninh, chủ trì soạn thảo để Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua Nghị quyết 1889 về vai trò của phụ nữ trong tái thiết hậu xung đột và Tuyên bố Chủ tịch về trẻ em và xung đột vũ trang. Ngay trong năm đầu tiên tham gia Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào các hoạt động thực chất, phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên khác thúc đẩy chương trình nghị sự của Hội đồng Nhân quyền vào các vấn đề quốc tế quan tâm, đặc biệt là những vấn đề thiết thân đối với các nước đang phát triển. Sự tham gia và đóng góp của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, qua đó nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người nói chung và trong giải quyết các vấn đề quốc tế nói chung.
Bên lề các diễn đàn này, Việt Nam cũng đã tham gia và đóng góp tích cực vào hoạt động của một số tập hợp lực lượng tiến bộ như ASEAN, Nhóm các nước có cùng quan điểm về nhân quyền (LMG), Nhóm châu Á, Nhóm các nước Không liên kết (NAM)... góp phần vào việc thúc đẩy những quan điểm và lập trường tích cực về quyền con người tại Liên hợp quốc.
Song song các hoạt động tại các diễn đàn quốc tế, ở cấp độ khu vực, Việt Nam là thành viên tích cực trong Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) và là Chủ tịch AICHR năm 2010. Trên cương vị Chủ tịch AICHR năm 2010, Việt Nam đã chủ động, tích cực, cùng các thành viên khác thúc đẩy tiến trình hợp tác trong ASEAN về quyền con người, trong đó có việc củng cố cơ cấu tổ chức, thủ tục hoạt động, xây dựng Chương trình hoạt động 5 năm (2011-2015) và bước đầu tiến hành một số hoạt động tham vấn với các đối tác khu vực và quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực. Việt Nam cũng phối hợp với các nước ASEAN trong việc soạn thảo Tuyên bố ASEAN về quyền con người, được thông qua tháng 11-2012, phù hợp với những nguyên tắc chung, cũng như phản ánh quan tâm đặc thù của ASEAN về quyền con người.
Ở cấp độ song phương, Việt Nam chủ trương sẵn sàng đối thoại và hợp tác song phương với các quốc gia trên các vấn đề về quyền con người thuộc quan tâm chung. Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến hành đối thoại về nhân quyền với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Ôxtrâylia, Na Uy, và Thuỵ Sĩ. Trên cơ sở thiện chí và hợp tác, Việt Nam chủ trương sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, trước hết là nhằm cung cấp thông tin về tình hình thực tế, qua đó giúp các nước hiểu rõ chính sách, pháp luật cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền con người cho nhân dân. Mặt khác, đối thoại cũng là dịp để ta bác bỏ những quan điểm, thông tin sai trái, phiến diện, thiếu khách quan và mang tính áp đặt, can thiệp vào công việc nội bộ của ta. Nhìn chung, các nước đề cao tầm quan trọng của cơ chế đối thoại, ghi nhận những tiến triển mà Việt Nam đã đạt được và khẳng định mong muốn tiếp tục đối thoại một cách toàn diện, xây dựng và có kết quả với Việt Nam. Các nước cũng khẳng định đối thoại đã giúp tăng cường hiểu biết, giảm bất đồng và qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước.
Với những bước đi chủ động, tích cực và đa dạng trong hợp tác quốc tế về quyền con người, chúng ta đã giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như thực tiễn tại Việt Nam trong lĩnh vực này, góp phần thu hẹp những vấn đề còn khác biệt, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế, nhân dân thế giới, nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Các kết quả mà Việt Nam đạt được qua đối thoại và hợp tác quốc tế về quyền con người đã góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược là duy trì ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy quan hệ với các đối tác, trong đó có nhiều nước lớn, và bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Hà Kim Ngọc
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Chỉ thị 12 của Ban Bí thư về “Quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”, H, 1992.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, H, 2011./.
Hà Kim Ngọc
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao