Thứ Hai, 25/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 22/8/2012 17:26'(GMT+7)

Dự thảo Nghị định về thương mại điện tử: Từ góc độ chuyên gia

 

Tin tưởng và tiện dụng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, TMĐT là một phương thức hoạt động hiện đại, thuận lợi. Đối với người tiêu dùng, chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể mua vé máy bay, đặt khách sạn, gửi hoa cho bạn bè hoặc mua được các món hàng thời trang yêu thích… hàng hóa cũng như các thông tin liên quan đều ở dạng số hóa, tiện ích cho cả người mua và người bán.

Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm vượt trội, TMĐT cũng mang lại nhiều rủi ro cho người tiêu dùng nếu chúng ta không hiểu rõ các quy định cũng như cách thức thực hiện TMĐT. Các vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin cá nhân; các địa chỉ giao dịch ảo; các hợp đồng "mập mờ" về giá cả, quảng cáo, chất lượng hàng hóa… đã và đang là những hành vi phổ biến vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Hùng, thời gian gần đây TMĐT còn bị biến tướng tương tự như hình thức bán hàng đa cấp. Các sàn giao dịch TMĐT vốn là nơi dành cho những người có nhu cầu mua, bán đã trở thành những gian hàng ảo để phát triển mạng lưới gian hàng với số tiền hoa hồng hấp dẫn theo kiểu "mỡ nó rán nó", "thành viên tuyển dụng thành viên" như một dạng bán hàng đa cấp mới.

Tất nhiên, hình thức thương mại nào cũng có hai mặt, nhưng qua những thực tế trên ngoài lỗi của người kinh doanh, thiết nghĩ còn có những bất cập về mặt chính sách, đòi hỏi cơ quan chức năng cần có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Ông Hùng hy vọng, với những quy định mới này, người dân và doanh nghiệp sẽ cảm thấy tin tưởng và tiện dụng khi tham gia giao dịch TMĐT, cả về trình tự, thời gian, thanh toán và giải quyết tranh chấp.

Cùng quan điểm này, TS. Hồ Thúy Ngọc, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) môi trường điện tử là môi trường mở, giao kết đa chiều và kết nối qua nhiều trung gian vì vậy các thông tin cá nhân đã trở thành thứ hàng hóa có giá trị đối với các đối tượng làm ăn phi pháp nhằm khai thác, sử dụng trái phép các thông tin này mưu lợi cá nhân. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc "cách mạng số hóa" thức đẩy sự ra đời của "nền kinh tế số hóa" và "xã hội thông tin" mà TMĐT là một bộ phận hợp thành đã khiến cho Nghị định 57/2006/NĐ-CP của Chính phủ đã trở thành “chiếc áo quá chật” trong lĩnh vực TMĐT. Do đó, dự thảo Nghị định mới thay thế là cần thiết.

Cần phát huy vai trò của ngân hàng trong TMĐT

Dự thảo Nghị định về TMĐT do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của người dân, doanh nghiệp từ ngày 23/7 đến 21/9/2012.

Theo góp ý của Luật sư Bùi Thanh Lam, Đoàn Luật sư Hà Nội, để hoạt động TMĐT phát triển hợp quy luật, Dự thảo cần quy định rõ về vấn đề "thanh toán điện tử" và "vi phạm trong hoạt động thanh toán" vì đối với các giao dịch điện tử, thanh toán trong giao dịch điện tử là một trong những vấn đề quan trọng nhất.

Vì vậy, ông Lam đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu thêm các hình thức thanh toán điện tử và các điều kiện về trung gian thanh toán để đưa ra định nghĩa chính xác, góp phần thúc đẩy các giao dịch TMĐT phát triển nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho các bên tham gia giao dịch.

Bên cạnh đó, ông Lam còn đề nghị quy định rõ việc lưu trữ chứng từ thanh toán điện tử phải được lưu song hành, đồng bộ tại các cơ quan quản lý (ví dụ như bộ phận quản lý TMĐT của Sở Công Thương) để tránh việc kiện tụng, khiếu kiện mà phần chủ dữ liệu, chứng từ thanh toán điện tử chỉ duy nhất có tại doanh nghiệp.

Đồng quan điểm này, ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Công ty Luật Trí Tuệ, cho rằng, Dự thảo cần quy định rõ các biện pháp đảm bảo an toàn cho giao dịch điện tử, quy định cụ thể về cơ quan giám sát, đồng thời phát huy vai trò của ngân hàng trong hoạt động TMĐT, nhất là phát huy vai trò giám sát của ngân hàng khi giao dịch điện tử bị vô hiệu (từng phần hoặc toàn phần).

Ông Đạt phân tích, trong giao dịch điện tử, người mua hàng thường ở vị trí "thế yếu", các doanh nghiệp " nắm đằng chuôi" do đó, để giao dịch điện tử thực sự đảm bảo công bằng về lợi ích cho các bên tham gia, dự thảo cần phải quy định rõ cơ quan chuyên trách quản lý hoạt động TMĐT, để người tiêu dùng biết và phản ánh.

Đồng thời, theo ông Đạt, cần đề cao vai trò của ngân hàng trong giao dịch điện tử. Bởi vì, trong môi trường này, người mua và người bán giao dịch với nhau trên không gian ảo. Nếu giao dịch “xuôi chèo mát mái” thì họ không cần phải gặp nhau. Nhưng nếu giao dịch xảy ra vấn đề, thì thế yếu đương nhiên thuộc về người tiêu dùng. Do đó, để bảo vệ lợi ích của người mua cần quy định rõ vai trò của ngân hàng với tư cách là đơn vị trung gian của hoạt động thanh toán.

Chú ý đến tính "xuyên biên giới" của TMĐT

Chia sẻ quan điểm của mình, TS. Mai Anh, Chủ tịch Hội Tin học viễn thông Hà Nội cho rằng, Dự thảo Nghị định có đề cập đến khách hàng trong phần bảo vệ người tiêu dùng nhưng các nội dung điều chỉnh hành vi của khách hàng TMĐT chưa được đặt ra. Chính khách hàng TMĐT có nhiều điểm khác biệt với khách hàng thương mại truyền thống, do vậy pháp luật cần quy định trách nhiệm, quyền lợi của khách hàng nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp ứng dụng TMĐT.

"Vì TMĐT không có biên giới và với quan điểm trên, đối tượng áp dụng không chỉ là thương nhân, tổ chức, cá nhân người Việt, người nước ngoài hiện diện ở Việt Nam mà cả người nước ngoài là khách hàng TMĐT của thương nhân Việt Nam, có như vậy mới bảo vệ được thương nhân Việt Nam" là ý kiến của TS. Mai Anh.

Cũng về vấn đề này, TS. Hồ Thúy Ngọc, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, pháp luật Việt Nam về TMĐT hiện hành chưa có quy định về việc giao kết và thực hiện hợp đồng TMĐT với các đối tác nước ngoài. Đây là "lỗ hổng" cần phải được "lấp đầy" trong Dự thảo này.

TS Ngọc nhấn mạnh, bản chất của hợp đồng TMĐT là phi biên giới. Bởi vì, TMĐT giúp người tiêu dùng và người bán hàng giao dịch được với nhau bất kể vị trí địa lý (xuyên quốc gia), nhưng sẽ rất khó khăn khi có tranh chấp xảy ra, đặc biệt đối với các tranh chấp xảy ra đối với việc mua hàng ngoài biên giới quốc gia, vì còn phụ thuộc vào luật lệ của quốc gia đó…

Ngoài ra, để TMĐT phát huy tốt ưu điểm của mình, các doanh nghiệp tham gia TMĐT, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, còn phải xây dựng lòng tin, đặc biệt trong việc bảo mật thông tin, tôn trọng sự riêng tư, cũng như giao hàng đúng hạn, trả lời và giải quyết tốt khiếu nại của người tiêu dùng. Ngược lại, về phía người tiêu dùng, cũng cần tăng cường việc giám sát các website bán hàng, nếu có nghi ngờ cần dừng ngay các giao dịch.

Để kết lại bài viết này, chúng tôi xin được chia sẻ quan điểm của ông Trần Hữu Huỳnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Trong TMĐT doanh nghiệp còn băn khoăn về cơ sở pháp lý, đặc biệt là vấn đề an toàn trong giao dịch TMĐT. Đồi với người tiêu dùng, quan ngại lớn nhất là mức độ tin cậy của website TMĐT và nếu xảy ra tranh chấp thì phải xử lý như thế nào?...Vậy vấn đề là Dự thảo cần phải có những quy định cụ thể để cả người dân và doanh nghiệp cảm thấy tin tưởng và tiện dụng khi tham gia giao dịch điện tử”./.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất