Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết nhằm ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá vào thời điểm cuối năm, ngành công thương đang triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Những năm gần đây, tình hình biến động giá cả tương đối ổn định, kể cả dịp lễ, Tết. Để chủ động nguồn hàng và đảm bảo giá cả trong dịp cuối năm, ngay từ tháng 9, 10, Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa để phục vụ dịp lễ, Tết.
Đặc biệt, năm nay xảy ra dịch tả lợn châu Phi nên sự chủ động này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá khi mặt hàng thịt lợn có nguy cơ thiếu hụt.
Hiện nay, một số mặt hàng nông sản do tác động của thời tiết, dịch bệnh nên nguồn cung giảm, giá tăng. Đặc biệt, với mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ vẫn còn lo ngại chưa tái đàn nên nguồn cung mặt hàng này suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đang tăng mạnh nên việc thương lái thu gom xuất khẩu cũng khiến giá thịt lợn hơi ở cả ba miền đều tăng, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc có mức tăng khá mạnh (khoảng 10-20%).
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết nhằm ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá vào thời điểm cuối năm, ngành công thương đang triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu thông qua việc tổ chức nhiều hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố.
Riêng mặt hàng thịt lợn, nhằm tránh những biến động lớn, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối với nhiều nhà cung cấp các tỉnh, thành phố trong cả nước hoặc nhập khẩu từ Pháp, Indonesia để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Hà Nội đã cơ bản được khống chế, nên nhiều doanh nghiệp đã chủ động tăng đàn chăn nuôi gia cầm, thủy cầm...
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã có phương án tăng cường thu mua, giết mổ, chế biến và cấp đông các sản phẩm thịt lợn an toàn, để dự trữ, cung ứng cho thị trường trong các tháng cuối năm.
Ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết để chuẩn bị nguồn cung thịt lợn cuối năm, doanh nghiệp đã liên kết và đặt hàng các trang trại chăn nuôi lớn, qua đó dự kiến cung cấp cho thị trường Hà Nội từ 300-400 tấn thịt lợn vào dịp cuối năm 2019.
Theo ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân, doanh nghiệp đã đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào chuỗi sản xuất thực phẩm sạch khép kín từ trang trại nuôi gà lấy trứng và chăn nuôi gia cầm công nghệ cao, xử lý và chế biến thực phẩm hiện đại, qua đó cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn.
Trong khâu phân phối, ngoài hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C..., doanh nghiệp còn bán sản phẩm ở chợ truyền thống với giá cả ổn định.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Vũ Thị Hậu, cho biết để chủ động nguồn hàng và giá cả hàng hóa dịp cuối năm, từ tháng 9, 10, các kênh bán lẻ đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa dịp lễ, Tết, đồng thời thương thảo với các nhà sản xuất để có được giá tốt trong dịp mua sắm cuối năm.
Hiện nay các kỳ nghỉ lễ, Tết tương đối dài, người dân có xu hướng đi du lịch nhiều, cộng với nguồn cung dồi dào, sản lượng và chất lượng hàng hóa tăng nên việc bình ổn thị trường dịp cuối năm có thể đáp ứng được.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian tới, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng cộng thêm các yếu tố về thời tiết mùa mưa bão, dịch bệnh... chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu. Do đó, để đảm bảo bình ổn giá, các doanh nghiệp đang tích cực dự trữ hàng hóa, nhất là mặt hàng thịt lợn.
Cơ quan quản lý cũng sẽ đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thực phẩm với các siêu thị, trung tâm thương mại, qua đó tạo ra đối trọng với thị trường tự do, ngăn chặn hiện tượng "sốt giá ảo," đồng thời giải quyết khâu tiêu thụ cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, cùng với sự điều hành sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành, nguồn cung hàng hóa sẽ vẫn được duy trì tốt, giúp bình ổn thị trường./.
Theo TTXVN